Một loại quả 'xưa không ai nhặt' ở Việt Nam bỗng hóa 'vàng đen': Trung Quốc lùng mua với giá cao gấp 5 lần, đặt trước cả 10 năm
"Lên đời" thành đặc sản
Vài năm trở lại đây, một loại quả bình dị bao đời ở các vùng quê Việt Nam bỗng "lên đời" trở thành đặc sản, được chị em nội trợ đổ xô đi mua với giá đắt đỏ, thậm chí có người thích tới nỗi bỏ ra cả triệu đồng để mua về cất tủ ăn dần.
Đó chính là quả trám đen. Đúng như tên gọi, loại quả này có hình thoi, bên ngoài là lớp vỏ màu đen. Nhiều người lần đầu nhìn thấy quả trám đen sẽ thắc mắc, không biết ở loại quả này có "ma lực" gì mà khiến nhiều người lùng mua tới vậy?
Tại Việt Nam, cây trám có ở các vùng trung du, miền núi phía Bắc. Cây thường cho thu hoạch quả vào tháng 7 hàng năm. Quả trám đen có vị thơm, bùi xen lẫn vị ngậy, nếu ăn quen sẽ thấy rất hấp dẫn.
Trước đây, người dân ít để ý chăm bón, bởi cây trám trồng từ 5 - 6 năm mới cho thu hoạch. Hiện nay, trám đen được xem là sản phẩm hàng hóa nên nhiều người tiếp tục ươm giống phát triển để cải thiện thu nhập.
Năm 2020, giá trám đen rơi vào khoảng 100-120.000 đồng/kg nhưng tới năm 2021, giá đã tăng lên tới 140.000 đồng/kg. Theo một số thương lái, giá cao như vậy nhưng thậm chí đôi lúc họ còn không có hàng để bán.
Năm 2022, giá trám đen ở Hà Nội đã lên tới 180.000 đồng/kg, nhiều chị em phải mua gom 20kg trám đen một lúc rồi chia nhau tích trữ.
Trung Quốc cũng lùng mua, trả giá cao gấp 5 lần
Năm 2013, Việt Nam ghi nhận nhiều thương lái Trung Quốc tới bản Phai Lừa, xã Đồng Giáp, huyện Văn Quang, Lạng Sơn lùng mua trám đen. Họ lựa chọn rất kỹ lưỡng, hết đo kích thước quả rồi lại bóc vỏ tiếp tục đo kích thước hạt.
Đáng nói, theo ghi nhận của tờ Dân Việt, có một cây trám trong bản này được các thương lái Trung Quốc vô cùng ưng ý, họ đặt mua trong thời gian 10 năm liền với giá lên tới 200.000 đồng cho 1kg quả trám.
Thời điểm đó, ở tỉnh Lạng Sơn, giá trám đen trung bình chỉ khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg. Những năm sai quả, giá trám thậm chí giảm xuống 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Ông Hứa Văn Độ, chủ nhân cây trám "đẻ ra tiền" này cho biết, sau khi xem xét kỹ lưỡng, các thương lái Trung Quốc còn đặt cọc hẳn 10 triệu trước để làm tin. Từ đó mỗi năm, họ đều lặn lội sang thu mua, có năm mất mùa chỉ được vài kg cũng sang lấy.
Có lần do mưa bão, quả trám rụng xuống lúc chưa chín hẳn, ông Độ xót của nên nhặt đem ra chợ bán. Khi biết tin, các thương lái Trung Quốc liền bảo ông gom lại cho họ, chứ đừng đem bán.
Thỏa thuận của ông Độ với các thương lái Trung Quốc kéo dài tới năm 2023. Ông Độ cho biết, sau mỗi vụ thu mua, các thương lái Trung Quốc không trừ dần tiền cọc mà hào phóng cho luôn, miễn là gia đình ông không được bán quả trám ra bên ngoài, kể cả quả nào rơi do mưa bão cũng phải giữ lại cho họ.
Lý giải sức hút của trám đen
Theo trang tin khoa học kepuchina.cn của Trung Quốc, quả trám đen rất giàu dinh dưỡng, chứa nhiều canxi và vitamin C. Hàm lượng vitamin C trong trám đen cao gấp 10 lần táo và gấp 5 lần lê. Hàm lượng canxi trong trám đen cũng rất cao, rất có ích cho sự phát triển xương của trẻ.
Tại Trung Quốc, giá trị của quá trám đen đã được đề cao từ rất lâu. Tài liệu thời nhà Tống cho hay, quả trám có vị chua ngọt, bùi béo, tính ấm có thể dùng như một loại rau củ để chế biến món ăn.
Bên cạnh đó, trám đen còn có tác dụng tiêu viêm giảm đau, tăng cường gân cốt, khử đờm, thông họng, giải độc rượu.
Trong khi đó, theo tờ Epoch Times phiên bản tiếng Trung, trong quả trám đen có chứa nhiều protid, chất béo, hydrat cacbon, beta- caroten, acid oleannolic, một số khoáng chất: Canxi, kali, phốt pho, sắt, magie, và một số loại vitamin khác.
Loại quả này mang tới ít nhất 5 lợi ích sức khỏe, bao gồm: Chống oxy hóa, tốt cho tim mạch, phòng chống tiểu đường, giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh viêm đường hô hấp trên, phòng chống ung thư. Tuy nhiên, tác dụng phòng chống ung thư vẫn chưa rõ ràng.
Tại Việt Nam, quả trám đen có thể được dùng để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn như nham trám, canh trám đen nấu thịt gà, trám muối, trám đen kho cá, trám đen kho thịt/nhồi thịt, mang lại những bữa ăn bổ dưỡng cho cả gia đình.
Do ngày càng đắt đỏ nên trám đen hiện được ví như "vàng đen". Nhiều người còn gọi đó là "tiên dược" bởi những lợi ích rất lớn mà loại quả này mang lại đối với sức khỏe, cũng như trong việc hỗ trợ và điều trị bệnh.