'Moonlight Sonata' của Beethoven: Lên Mặt trăng và trở lại Beethovenfest 2019
(Thethaovanhoa.vn) - Moonlight Sonata (Sonata Ánh trăng) của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven (1770-1827) là bản nhạc tạo nguồn cảm hứng cho Beethovenfest (Liên hoan nhạc cổ điển) năm nay, diễn ra vào ngày 6-29/9 tại Bonn (Đức), thành phố quê hương của Beethoven. Hơn 2 thế kỷ qua, bản nhạc cổ điển vượt thời gian này đã được trình diễn khắp thế giới và thậm chí đã được gửi ra ngoài vũ trụ.
Beethovenfest gồm những màn trình diễn nhạc của Beethoven cũng như các tác phẩm của nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng khác. Theo Wagner, giám đốc của Beethovenfest 2019 cho biết: Bà lấy cảm hứng từ bản Sonata No.14 soạn cho piano của Ludwig van Beethoven, còn được biết đến là Moonlight Sonata, làm chủ đề cho Beethovenfest bởi nó phù hợp với xu thế hiện nay.
“Mặt trăng đang là điều mà thế giới quan tâm” - Wagner nói với tờ DW. “Tra cứu Moonlight Sonata trên Internet, bạn sẽ thấy bản nhạc này đã có hàng triệu lượt truy cập. Mọi người đều nghĩ đến Moonlight Sonata với Beethoven”.
- Bích Trà trình diễn trong đêm nhạc Rachmaninov và Beethoven
- Liên hoan âm nhạc tưởng niệm Beethoven: Chuyện ít biết về 'bản giao hưởng định mệnh'
Những biến tấu đặc biệt
“Chúng tôi quan tâm đến cách ánh trăng được phản chiếu và trải nghiệm trong nghệ thuật. Và điều này đã có một ví dụ cực kỳ tiêu biểu trong âm nhạc với Beethoven” - giám đốc Beethovenfest nói thêm.
Moonlight Sonata là bản nhạc viết cho đàn piano nổi tiếng nhất của Beethoven. Trong nhạc phẩm này, Beethoven đã thể hiện sự tự do trong sáng tác và những cảm xúc kỳ diệu đầy lãng mạn.
Chứa đựng những điều ảo diệu chưa từng thấy ở những bản sonata khác, Moonlight Sonata của Beethoven được coi là tiền thân thời kỳ Lãng mạn. Song Moonlight Sonata không phải là tựa đề Beethoven đặt cho “đứa con tinh thần” của mình. Vài năm sau khi Beethoven qua đời (1827), nhà thơ và nhà phê bình âm nhạc Ludwig Rellstab đã ví chương đầu tiên của sonata với hình ảnh Mặt trăng chiếu sáng trên hồ Lucerne và đặt tên cho bản nhạc này là Moonlight Sonata.
“Beethoven không đặt tên cho bản nhạc là Moonlight Sonata mà là Sonata Quasi Una Fantasia bởi ông đã đảo ngược các chương truyền thống vốn thấy trong các nhạc phẩm thời đó” - bà Wagner nói - “Thông thường, một bản sonata bắt đầu với chương nhanh, nhưng trong tác phẩm này, Beethoven đã chọn một nhịp độ nhàn nhã hơn. Moonlight Sonata được bắt đầu với chương Adagio (nhẹ nhàng, trầm lắng và đầy sâu sắc), được in sâu trong ký ức của toàn thế giới, và đó là một chương đẹp đẽ chứa đựng nhiều lãng mạn, mơ mộng”.
Nhiều biến tấu khác nhau của bản nhạc này sẽ được trình diễn trong Beethovenfest năm nay. Cụ thể, nghệ sĩ piano nổi tiếng Pierre-Laurent Aimard sẽ chơi Moonlight Sonata với cây piano hiện đại, trong khi nhạc sĩ người Hà Lan Ronald Brautigam sẽ biểu diễn trên một chiếc fortepiano (nhạc cụ dây búa có khả năng tạo ra những sự thay đổi âm thanh nhỏ thông qua sự bấm phím mạnh hay nhẹ của người chơi), tương tự với âm thanh trong thời của Beethoven.
Một phiên bản của Moonlight Sonata soạn cho kèn cor và piano được nhà soạn nhạc Giselher Klebe tung ra trong thập kỷ 1950 cũng được trình diễn tại Beethovenfest 2019.
“Đây là mục tiêu của Beethovenfest: chơi mọi nhạc cụ trong các biến tấu khác nhau để thể hiện sự phong phú của lịch sử âm nhạc cho đến ngày nay” - Wagner giải thích.
Đáng nói, đưa chủ đề ánh trăng vào âm nhạc cũng đã trở thành “mốt” trước thời kỳ Lãng mạn. Nhà soạn nhạc Baroque, Antonio Vivaldi, đã sáng tác bản concerto La Notte (The Night) cho sáo và dàn nhạc vào năm 1728. Ông quan tâm đến việc miêu tả âm thanh của thiên nhiên, như giông bão và gió.
Chuyến “du hành” lên Mặt trăng
Đáng nói, khi chọn Moonlight Sonata làm chủ đề cho Beethovenfest năm nay, giám đốc của Beethovenfest 2019, Nike Wagner, không hề nghĩ tới một cột mốc thú vị khác: năm 2019 cũng là dịp kỷ niệm 50 năm nhà du hành vũ trụ Mỹ Neil Armstrong đổ bộ lên Mặt trăng (năm 1969).
Và cũng thật tình cờ, Moonlight Sonata của Beethoven đã được đưa lên Mặt trăng. Chuyện là nghệ sĩ Katie Paterson đã bị mê hoặc với công nghệ nhận âm thanh từ Mặt trăng trên Trái đất thông qua radio và gửi các dòng nhạc của Moonlight Sonata dưới dạng mã “morse” được mã hóa lên Mặt trăng hồi năm 2007 như một phần trong dự án Earth-Moon-Earth của mình. Các tín hiệu, được phản xạ từ bề mặt của Mặt trăng và trở về Trái đất, sau đó được giải mã và một lần nữa biến thành âm thanh. Tuy nhiên, một số âm của Moonlight Sonata bị biến mất trong các hố sâu của Mặt trăng.
Moonlight Sonata của Paterson, là một phần của triển lãm Fly Me To The Moon tại Bảo tàng der Moderne của Salzburg (Áo), kéo dài đến ngày 3/11.
Đến với Beethovenfest năm nay, khán giả sẽ được thưởng thức tất cả các phiên bản khác của Moonlight Sonata và các giai điệu về đêm khác, từ các sáng tác của Antonio Vivaldi đến Arnold Schonberg.
Nguồn cảm hứng bất tận Thực tế cho thấy, niềm đam mê của nhân loại với Mặt trăng đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ qua. Đối với người Hy Lạp và La Mã cổ đại, Mặt trăng là biểu tượng của quyền lực. Trong biểu tượng của Kitô giáo, Mặt trăng tô điểm cho hình ảnh của Đức mẹ Đồng trinh và đại diện cho sự cứu rỗi và Đức Chúa. Năm 1609, nhà thiên văn học, nhà vật lý Italy Galileo Galilei (1564-1642) lần đầu tiên nhận ra bề mặt không bằng phẳng của Mặt trăng thông qua kính viễn vọng của mình. Thời gian qua, có nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà văn và nhà làm phim đã đưa chủ đề Mặt trăng vào tác phẩm của mình. Từ sự biến hình lãng mạn dưới ánh trăng đến hình ảnh những con quỷ đáng sợ xuất hiện ở phần tối, người ta thường miêu tả một cách nghệ thuật là Mặt trăng có hai mặt. Chẳng hạn, loạt sáng tác Night On Bald Mountain của nhà soạn nhạc Nga Modest Mussorgsky gợi lên hình ảnh các phù thủy tụ tập dưới ánh trăng, trong khi họa sĩ Đức Caspar David Friedrich nắm đưa sự lãng mạn huyền ảo của Mặt trăng vào bức tranh nổi tiếng của ông Two Men Contemplating The Moon (1819). |
Việt Lâm (tổng hợp)