Moody''s: Vỡ nợ doanh nghiệp toàn cầu ở mức cao nhất kể từ cuối năm 2020
Quý I năm nay ghi nhận nhiều công ty vỡ nợ nhất trên toàn thế giới kể từ cuối năm 2020, thời điểm các doanh nghiệp vẫn đang bị hạn chế bởi các biện pháp phòng dịch COVID-19.
Trong một báo cáo được công bố ngày 18/4, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho biết 33 trong số các công ty mà Moody’s xếp hạng đã vỡ nợ trong quý I, con số cao nhất kể từ quý IV/2020 khi 47 công ty vỡ nợ. Trong số này, có 15 công ty vỡ nợ vào tháng trước, con số theo tháng cao nhất kể từ tháng 12/2020.
Nhiều công ty đã bị ảnh hưởng nặng nề trong năm qua do lãi suất tăng, giá năng lượng cao và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm. Bên cạnh đó, giới đầu tư còn quay lưng với trái phiếu doanh nghiệp trong năm ngoái.
Moody’s dự đoán sự kết hợp giữa lãi suất tăng và tăng trưởng toàn cầu chậm lại sẽ làm gia tăng tỷ lệ vỡ nợ của hạng mục nợ doanh nghiệp mang tính đầu cơ lên mức 4,6% vào cuối năm nay, cao hơn mức 2,9% vào tháng Ba. Nợ đầu cơ là một loại trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín dụng thấp và tiền ẩn nhiều rủi ro, hay còn được gọi là “trái phiếu không đáng đầu tư”.
Moody’s dự đoán đến cuối quý I năm sau, tỷ lệ vỡ nợ toàn cầu đối với loại trái phiếu này có thể tăng lên 4,9%, cao hơn nhiều so với mức trung bình trong dài hạn là 4,1%.
Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global tháng trước cũng đưa ra dự đoán tương tự, rằng đến cuối năm 2023, 4% trái phiếu doanh nghiệp đầu cơ của Mỹ sẽ vỡ nợ, cao hơn mức 1,7% vào cuối năm 2022, “do tăng trưởng chậm lại, doanh thu thấp, áp lực chi phí và các điều kiện tài chính thắt chặt đã hạn chế khả năng tiếp cận vốn”.