Mong một nhận thức mới về Thể thao Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Thể thao Việt Nam đã tự đổi mới để có được một kỳ SEA Games 28 thành công về chất, nhưng để nâng tầm một nền thể thao, trong đó có bóng đá thì chỉ ngành thể thao vận động thôi là không đủ.
- TTVN tổng kết SEA Games 2015: Ánh Viên và Hà Thanh được nhận Huân chương Lao động hạng nhì
- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt các VĐV Đoàn TTVN tham dự SEA Games 28
- Nhìn lại thành tích của TTVN tại SEA Games 28: Đường lên đỉnh Olympia còn... xa lắm!
Nhưng không trọn vẹn khi cả hai sự kiện nói trên chỉ lần lượt đứng thứ chín và mười. Nó đứng sau những sự kiện văn hóa, du lịch khác: Hang Sơn Đòng lên truyền hình Mỹ (thứ tám), bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (bảy), công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (năm), Nghi lễ và trò chơi kéo co được Unesco công nhận là Di dản (tư) và Phong Nha Kẻ bàng lần thứ hai được công nhận Di sản (ba).
Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch chỉ đưa ra đề cử chứ không trực tiếp bầu. Mà điều đáng nói là nhiều đại diện cơ quan truyền thông báo chí trực tiếp cầm phiếu lựa chọn – một thực tế cho thấy ngay từ trong cách đánh giá của truyền thông thì thể dục thể thao đã không có một vị trí quan trọng.
Thể thao Việt Nam cần được nâng tầm để đáp ứng sự kỳ vọng của người hâm mộ
2. Vấn đề không phải là thành tích thứ hạng. Mà không có một cái nhìn xác đáng về vai trò của thể dục thể thao sẽ thế nào?
Năm 2008, nhiều người trên khắp cả nước đã đổ ra đường để ăn mừng chức vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên trong lịch sử của đội tuyển Việt Nam. Nhưng không chỉ là vấn đề của tinh thần, biểu thị niềm vui và lòng tự hào dân tộc.
Quan trọng không kém là vấn đề của thể chất, tầm vóc cơ thể, chất lượng cuộc sống. Năm 1946, trong “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục", Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe... Dân cường thì nước thịnh...". Đây là một chân lý. Và là nền tảng để thấu hiểu được tại sao chúng ta lại từng có một nền thể thao quốc phòng mạnh mẽ, và từng có những giai đoạn mà thể thao và bóng đá Việt Nam có một vị thế đáng kể.
3. Với nhiều quốc gia, vai trò của thể dục thể thao đôi khi không được đúc kết, nhưng nó được thể hiện rất ấn tượng. Ở Anh, chỉ riêng bóng đá, có khoảng 7000 đội thuộc về 5300 CLB nằm trong các hệ thống bóng đá cao thấp khác nhau. Ở Đức, ở mỗi đơn vị hành chính nhỏ nhất đều có một CLB thể thao mà ở đó người dân địa phương có thể dễ dàng tham dự.
Thể thao có vai trò tương tự trong xã hội Mỹ. Nó chỉ khác ở cách thể hiện, tổ chức và vận hành. Lầu Năm Góc (Pentagon), Bộ Quốc phòng Mỹ cho tới hôm nay đã xây khoảng 200 sân golf khắp các bang trên nước Mỹ để các quân nhân chuyên nghiệp cũng như các nhân viên dân sự làm trong bộ máy khổng lồ của nó được tập luyện và thi đấu.
Nền giáo dục Mỹ cũng coi thể thao đặc biệt quan trọng. Một phần ngân sách không nhỏ của các trường Đại học được dùng để trao học bổng cho những sinh viên có những tổ chất thể thao xuất sắc. Người nhận không chỉ là người Mỹ. Thậm chí cả người Việt. Tay vợt nữ Huỳnh Phương Đài Trang đã nhận học bổng của Đại học Troy để trở thành sinh viên ở đó và là thành viên chủ lực của tuyển quần vợt nữ của trường thi đấu trong hệ thống NCAA (Hiệp hội Thể thao Đại học Mỹ).
Hệ thống giáo dục Mỹ làm thế để thu hút các tài năng thể thao khắp thế giới chăng? Không phải, trình độ như Đài Trang khó làm nên chuyện cho quần vợt Mỹ. Xây dựng một phong trào thể thao trong trường mới là điều sống còn. Không có trường Đại học nào ở Mỹ mà không có sân quần vợt, sân bóng đá, bóng rổ, bóng chày, bể bơi, nhà thi đấu...
4. Trong dự toán chi ngân sách nhà nước 2015 của Bộ Tài chính, ngành thể thao được cấp khoảng 730 tỉ đồng (khoảng 35 triệu USD), đứng thứ ba từ dưới lên trong 12 hạng mục chi thường xuyên. Thể thao đứng trên Dân số kế hoạch hóa gia đình (590 tỉ) và Trợ giá mặt hàng chính sách (460 tỉ). Trong số những hạng mục đứng trên Thể thao thì ngoài Giáo dục, Y tế, Lương hưu... còn có Bảo vệ môi trường (1700 tỉ) và cả Văn hóa thông tin (2200 tỉ).
Ở Trung Quốc trong năm 2014, theo Tân Hoa xã, chi khoảng khoảng 8,9 tỉ USD (khoảng 54 tỉ NDT) cho văn hóa, thể thao và thông tin, tương đương với khoảng 4,26% tổng ngân sách. Không có một con số cụ thể cho thể thao, nhưng tỉ lệ nó chiếm trong ba lĩnh vực ấy hẳn không phải là nhỏ. Vì Trung Quốc muốn dùng thể thao như một sự bổ trợ cho những phương thức tạo dựng quyền lực mềm. Còn của chúng ta, nếu gộp Thể thao với Văn hóa Thông tin thì với con số 290 tỉ cũng mới chỉ chiếm khoảng 2,55% tổng chi ngân sách nhà nước.
Triều Tiên với những con số công bố dừng lại ở mức tương đối, thì thể thao nằm trong nhóm các lĩnh vực xã hội như giáo dục, y tế, nghệ thuật có tổng chi chiếm khoảng 38,2%. Đây là con số được cung cấp bởi Bộ trưởng Tài chính nước này, ông Choe Kwang Jin. GDP của Triều Tiên ước tính khoảng 28 tỉ USD.
Thể thao, trong đó có bóng đá ở Việt Nam lâu nay thường hứng chịu những chỉ trích. Nhưng, khi mà sự đánh giá của xã hội về thể thao còn chưa tương xứng thì trông đợi ở sự tiến bộ của thể thao có là logic?
Viettel, một trong những tập đoàn hàng đầu của nền kinh tế chứ không chỉ quốc phòng, đang bắt đầu triển khai một kế hoạch đầy tham vọng. Một khoản ngân sách lớn sẽ được dành để xây dựng cơ sở hạ tầng cho dân và quân tập luyện thể thao thường xuyên. Họ xác định rằng, phải có thể chất thể trạng tốt mới có thể đẩy mạnh sản xuất hàng hóa kinh tế. Phải có một nền tảng thể thao phong trào, học đường phát triển mới mong có thể thao đỉnh cao phát triển.
Hy vọng là một tầm nhìn như thế sẽ sớm đi vào thực tiễn và lan tỏa...
Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân