'Mọi điều ta chưa nói' từ Paris đến TP.HCM
Xuất bản tại Việt Nam từ 2009, Mọi điều ta chưa nói (All Those Things We Never Said) đã dễ dàng chiếm thiện cảm của độc giả Việt với một chuyện tình lãng mạn, nhưng hoàn toàn nằm ngoài dòng chảy của trào lưu "tân ngôn tình". Tác phẩm dẫn và gợi cho độc giả tìm về với căn nguyên hạnh phúc, cả nỗi bất hạnh trên đường tình của mỗi cô gái, cũng như mối liên hệ chặt chẽ với người cha!
Bỏ qua cơn bão mạng xung quanh chuyện chàng shipper "bắn tiếng Pháp như gió" với nhà văn Marc Levy hôm 9/11, vẫn còn rất nhiều phải nói về Mọi điều ta chưa nói. Đó là chuyện hơn 400 trang tiểu thuyết được kể lại sinh động trong gần 3 tiếng đồng hồ của một vở kịch. Một dự án mới của "tổng lãnh" sân khấu Hồng Hạc, nữ đạo diễn Việt Linh. Vở này sẽ được tái diễn đêm 29/11 tại Nhà văn hóa Thanh niên, TP.HCM.
"Nỗi kinh hoàng" của Công Danh và Lê Chi Na
Một hành trình kéo độc giả yêu sách đến với sân khấu, và ngược lại, ủy lạo văn hóa đọc đến với khán giả mộ điệu của sân khấu kịch. Liên tiếp được tái bản vào 2014 và 2018, tiểu thuyết Mọi điều ta chưa nói đã minh chứng nội lực không chỉ qua các giải thưởng, hoặc cái tên bảo chứng của tác giả Marc Levy. Nay được tái hiện dưới thủ pháp dàn dựng đặc thù của một cái tên bảo chứng khác là Việt Linh, với đồng đạo diễn Lê Chi Na, sức cuốn hút của kịch phẩm cùng tên đã đủ làm đầy khán phòng Nhà hát Thành phố, cũng như hai đêm ngay sau đó tại Đại học Văn Lang (8/11) và Nhà văn hóa Thanh niên (9/11).
Sân khấu Hồng Hạc, ngay sau các sự kiện lớn như vở Tấm và hoàng hậu tham dự Liên hoan Sân khấu toàn quốc, cuộc tái xuất của Trò chuyện với bầu trời chinh phục hàng loạt khán giả độ tuổi thiếu nhi và phụ huynh, cùng lúc chuyển dời điểm diễn từ Trường Múa TP.HCM sang hội trường Nhà văn hóa Thanh niên, đã tiếp nối không mỏi mệt với dự án chuyển thể tác phẩm hơn 400 trang, với tổng thể 13 cảnh thay đổi liên tục và dàn diễn viên trẻ không mang yếu tố ngôi sao. Sự xuất hiện "gây sốt" duy nhất là sự xuất hiện của đích thân tác giả Marc Levy.
Với lá thư đường đột và chân thành từ một nữ đạo diễn tại Việt Nam, Marc Levy đã có nhã ý cho phép bà khai thác chuyển thể tác phẩm của ông trong 10 suất diễn, cùng lời hứa sẽ đích thân hiện diện tại đêm ra mắt.
Ròng rã từ những tháng ngày giãn cách vì đại dịch Covid-19, vở diễn đã được thai nghén và tập luyện từ tháng 3/2022 với dàn diễn viên thật sự đầy thực lực. Đối với đồng đạo diễn trẻ Lê Chi Na, người cùng lúc thủ diễn vai Julia với những lớp thoại dài, biên độ dao động cảm xúc vô cùng đa dạng, giữa nhiều trường cảm xúc và trạng huống khác biệt đan xen.
Lê Chi Na đi từ sự nổi loạn của cô họa sĩ thiết kế trẻ, tự lập, tới cô dâu "hụt" ngập ngừng với chính lựa chọn hoàn hảo của mình, sự phản kháng cao độ của đứa trẻ bị bỏ rơi, xen lẫn khao khát thương yêu đến tuyệt vọng dành cho cha, cùng với mặc cảm của một người tình muộn màng…
Lê Chi Na đã biểu đạt toàn bộ sóng gió tâm lý của hơn 400 trang tiểu thuyết kia trong gần 3 tiếng đồng hồ trong tình trạng cảm sốt nặng và bị chia trí bởi hai nhiệm vụ mâu thuẫn: Đạo diễn và diễn viên.
Sự thể hiện của Lê Chi Na đã thuyết phục tới mức tác giả Marc Levy đã đích thân rút một bông hồng từ bó hoa của mình để tặng riêng cho "nàng Julia Việt Nam" với câu tán tụng: "Tôi không thể nói gì hơn, một màn trình diễn thật sự lộng lẫy, Julia!".
Đồng hành sát sườn với Lê Chi Na là diễn viên Công Danh. Sau một thời gian dài vắng bóng trên sân khấu kịch thành phố, anh tái xuất hoàn toàn khác biệt, tinh xảo và già dặn trong từng nét xử lý, trong khi vẫn bảo toàn sự hóm hỉnh thường gặp ở anh trước đây trong các kịch bản hài hước. Nói một cách khác, Công Danh trong vai Anthony Walsh đã đóng vai trò "lồng ngực" của vở kịch, khi từng lớp xuất hiện của anh là một cú nâng lên hạ xuống của sinh khí vở diễn, liên tiếp cho khán giả những khoảng nghẹn, rồi lập tức giải phóng nó bằng tiếng cười hoàn toàn dựa trên tình huống kịch. Tưởng như không hề vận dụng kỹ thuật biểu diễn, nhưng đã chóng vánh khiến Anthony Walsh trở nên gần gũi, dễ tiếp nhận với khán giả Việt Nam.
Sau buổi diễn, ngồi xoài tại bậc thềm nhà hát, Công Danh hài hước chia sẻ: "Tôi bị… lừa! Đạo diễn Việt Linh đã thuyết phục được tôi khi nói rằng vai diễn xuất hiện rất ít, rằng chỉ có tôi và Lê Chi Na. Tới ngày nhận kịch bản, tôi mới biết mình đang đối diện với nỗi kinh hoàng lớn nhất của người nghệ sĩ - sợ bị dở".
Nhiều trận tranh luận và kháng cự đã diễn ra giữa thủ pháp cá nhân của Công Danh và thủ pháp dàn dựng quen thuộc của sân khấu Hồng Hạc.
"Đã có lúc tôi muốn người cha xuất hiện với một chiếc nón hài hước trên đầu, nhưng Việt Linh đã yêu cầu tôi nhai nuốt cái nón đó đi, nếu còn tha nó lên sân khấu. Lần khác là cặp kiếng mát, lần khác nữa là một chiếc dù. Không gì cả, chúng tôi không được cung cấp một đạo cụ nào để tô đậm diễn xuất cá nhân, đó là một thách thức lớn. Chị Việt Linh không thương tiếc tước khỏi tay tôi mọi món đồ chơi mà tôi nghĩ ra, thứ duy nhất không bị dẹp ra khỏi sân khấu là… cơ thể tôi, nên tôi quyết sử dụng nó để khai thác hành động" - Công Danh chia sẻ.
Công Danh nói thêm: "Một cú ngã theo kiểu robot chẳng hạn, đương nhiên cũng bị dẹp luôn. Nhưng tới phút cuối, nằm ngoài chi tiết kịch bản, khi chúng tôi ôm lấy nhau, thì tôi biết được rất rõ ràng, đó là nhân vật bên trong chúng tôi đã muốn làm điều đó! Tôi hiểu ra, đạo diễn đã cùng tôi đấu tranh để chống lại cái tôi diễn viên, để giúp hình thành trọn vẹn cái mà chúng tôi gọi là cái tôi nhân vật - thứ đã đột ngột thôi thúc bởi tình phụ tử tự nhiên nhất, chân thật nhất".
Khán trường Nhà hát Thành phố đêm 7/11 đông kín khán giả "nặng ký", gồm các đại diện lãnh sự, các nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu kịch thành phố - một hiện tượng đáng mừng, nhưng chắc chắn đã là áp lực tâm lý lớn cho các diễn viên, đặc nữ đạo diễn Lê Chi Na - người đảm nhận tuyến chính với sự xuất hiện xuyên suốt của toàn bộ vở diễn.
"Khi ngồi trong phòng làm việc và nghĩ về Julia, đương nhiên, không đời nào tôi nghĩ Julia Walsh là một người con gái Á châu. Nhưng chỉ khi bước lên sân khấu không lâu, Lê Chi Na đã khiến tôi nhận ra một Julia người Việt, nói tiếng Việt, nhưng là Julia, Julia của tôi" - Marc Levy tán dương.
7 ngày trong 3 giờ
Trong gần 3 giờ đồng hồ liên tục, không có giải lao, 13 cảnh diễn như 13 trang sách được chắt lọc tinh túy nhất, được lần giở cẩn trọng và thu hút được sự tập trung tuyệt đối của khán phòng. Hành trình của hai cha con nhà Walsh, những lãng mạn bị đánh mất và những biến cố oái oăm đã làm nên một chuyến viễn hành vào tận trong ký ức riêng tư của mỗi khán giả. Hiện tượng tương tự đã lặp lại vào đêm 8/11, tại Đại học Văn Lang, với những giọt nước mắt của sinh viên trẻ đã tưởng thưởng xứng đáng cho hành trình dàn dựng và tập luyện của ê-kíp Hồng Hạc, nữ thủ lĩnh Việt Linh, đặc biệt là tác giả Marc Levy.
"Ký ức có một khả năng lạ kỳ là nó có thể bôi xóa mọi tì vết lem nhem của thực tế, chỉ giữ lại những điều đẹp đẽ!" - là một trong những câu thoại của nhân vật Anthony Walsh - một thương gia lão luyện và một ông bố vụng về.
Câu chuyện giả tưởng tình huống về người cha có thêm 7 ngày để ở cạnh con gái của mình đã đặt Julia Walsh vào cuộc phản kháng dữ dội trước khả năng thao túng của chính cha mình, nhưng cùng lúc dấy lên trong cô những cân nhắc bất ngờ trước ngưỡng hôn nhân.
Julia Walsh đáng lẽ đã điềm nhiên bước tới lễ đài với người chồng hoàn hảo, nếu cha cô không bất ngờ qua đời ngay trước hôn lễ. Nếu mọi cô dâu trên đời may mắn còn cha, được người cha nắm tay dẫn tới lễ đài ngày cưới, thì với Julia, quãng đường đó kéo dài 7 ngày, mà người đồng hành chính là người cha đã mất, để cô dũng cảm khước từ điều "tưởng như" hoàn hảo. Ông đã để lại cho Julia thứ có giá trị vượt trội so với bất kỳ tài sản vật chất nào: Sự minh mẫn đủ để khước từ và vẽ riêng cho mình một bức chân dung của hạnh phúc, ngay cả khi nó không phải là thứ hạnh phúc được đồng hóa theo quan niệm chung của xã hội.
Theo lý giải của Marc Levy: "Bảy ngày, con số ngẫu nhiên cho đơn vị một tuần, được đặt ra có hạn kỳ để nhắc Julia nhớ rằng chỉ có ngần đó thời gian ở bên cạnh cha mình. Nếu nó là vô hạn, có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ ngồi xuống nói chuyện với nhau. Bi kịch của chúng ta, đó là cứ tưởng đời là vô hạn. Trên thực tế, hãy thử tưởng tượng tất cả chúng ta biết trước mình chỉ còn 7 ngày, có lẽ thế giới này sẽ trở nên tốt đẹp hơn".
"Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng phía Nam nước Pháp. Làng tôi có cái tượng hình ông tướng rất oai nghiêm. Tôi thường hỏi bà mình: ông ấy chắc sẽ đứng ở đó hoài, lâu hơn cả bà, lâu hơn tất cả mọi người, như vậy đã là trường tồn chưa?
Bà tôi chỉ nói: con hãy nhìn xem mấy con chim bồ câu đang làm gì lên đầu cái sự trường tồn ấy kìa!"
Anthony Walsh, các ông bố khác, các chàng trai trong đời một cô gái, chẳng có ai trường tồn cả, ngoại trừ một thứ: tình yêu của một người cha. "Cuối cùng, bố chỉ muốn nói với con rằng bố thương con nhiều tới nỗi nó vượt quá sức tưởng tượng của chính mình" là câu nói cuối cùng của người cha may mắn có thêm 7 ngày với con gái đã nói trước khi thật sự giã từ sứ mệnh vĩ đại nhất của người đàn ông: làm cha.
Không một màn giật gân hoặc gây cười, mọi hành động xử lý sân khấu được tiết chế tới mức khắt khe - một thủ pháp quen thuộc của hai nữ đạo diễn Việt Linh và Lê Chi Na. Tính tuân thủ cao của dàn diễn viên đã hoàn thành chức năng sân khấu hóa trọn vẹn giá trị văn học của tác phẩm, tiệm cận với tư duy và cảm xúc của khán giả nội địa, trong khi tôn trọng tinh thần nguyên tác một cách tuyệt đối.
Thành công chắc chắn nhất của kịch bản đó chính là những câu hỏi mà mỗi khán giả đã tự đặt ra cho mình khi rời khán phòng: Chúng ta sẽ làm gì với người thân, nếu có thêm 7 ngày trong cõi sống?
"Để yêu thương, chắc chắn vậy, nếu tôi có thể có 7 ngày trước khi giã từ cõi sống. Có cái gì đáng làm trên đời này ngoài yêu thương?" - Marc Levy đã trả lời như vậy, khi được đặt câu hỏi tương tự.
Rõ ràng, không cần một thông điệp hay một chân lý khiên cưỡng cất ra từ bất kỳ dòng thoại nào, hành vi tốt đẹp nhất của nhân loại, vượt trên cả hành vi sáng tạo hay phát minh, đó là yêu thương. Bản thân tác phẩm chỉ cần kích phát ra câu trả lời hiển nhiên đó đã có sẵn trong mỗi khán giả của mình.
Với nữ đạo diễn Việt Linh, sân khấu không có nghĩa vụ tuyên ngôn bất kỳ chân lý nào, cũng không hề có chân lý duy nhất. Sứ mệnh nghệ thuật sân khấu nói chung, kịch bản Mọi điều ta chưa nói, đó là gợi mở tư duy, kích thích chính khán giả tự đặt ra các câu hỏi và tìm thấy chân lý riêng của họ.
Điều này giải thích vì sao sẽ không có những màn diễn rơi lệ trong dấu ấn Hồng Hạc, vì những giọt nước mắt có giá trị của một vở kịch là nước mắt rơi từ mắt khán giả, hơn là nặn ép từ mắt của diễn viên.
Họ đã có được điều đó - những giọt nước mắt đầy giá trị của khán phòng, ngay vào đêm ra mắt đầu tiên. Người duy nhất đã cười rất tươi vào khoảnh khắc đó chính là tác giả Marc Levy.
Không bị đơn độc
Có thể nhìn thấy trong dàn diễn viên hai nam diễn viên được biết đến với phong cách thiên hành động và xuất hiện nhiều trong các kịch bản mang chủ đề xã hội gần gũi là Công Danh và Thắng Tăng. Với Công Danh là sự khai phá năng lượng linh hoạt của bản thân một cách dí dỏm, còn Thắng Tăng giữ vững nguyên tắc khai thác đạo cụ để phục vụ biểu đạt tâm lý và giữ sinh khí cho lớp diễn. Nhưng những sở trường đó của họ đã bị công kích và triệt tiêu hoàn toàn!
Bù lại, trên sân khấu là một Stanley đồng tính trong sự tinh tế, thông minh và ân cần, một Anthony khi ranh mãnh, lúc ấm áp, vụng về, nhưng không hề có lấy một sáng tạo hành động nào thừa thãi. Đặc biệt, dù là vai một nhân vật đồng tính, nhưng Việt Linh đã không để bị lọt lưới bất kỳ hành động quá trớn nhắm vào giới tính của nhân vật.
Một kịch bản gốc văn học, thoại từ trong tình huống đã đong đầy ý tứ, phần việc còn lại là những giờ tập luyện căng thẳng để "nuôi lớn" nhân vật bên trong mỗi diễn viên, dưới sự kiểm soát ngặt nghèo của đạo diễn. Không như một bà mẹ chiều con, đạo diễn Việt Linh chăm chú "ngắt bỏ" bất kỳ tiểu tiết hành động hay thoại từ nào nằm ngoài mục đích phục vụ nhân vật.
Việt Linh nói: "Nhân vật là một con người được thai nghén, sinh trưởng, giáo dục riêng biệt. Mọi sự lơ là đều có thể gây phương hại. Ví dụ phương ngữ đặc biệt Nam bộ của Công Danh, nếu rời xa nguyên tác, sẽ biến Anthony Walsh thành một ông chú miền Tây, hoặc một thể hiện quá trớn kiểu vai đồng tính gây cười theo lối phổ cập, cũng có thể giết chết một Stanley tinh tế, dịu dàng và trí thức. Tôi luôn khích lệ diễn viên hãy tin vào kịch bản, hãy trung thành với nhân vật, nói lên câu thoại với mọi tinh thần cảm xúc cần có của nhân vật, không cần phải làm thêm gì nữa, nếu bạn đã có nhân vật ở bên trong, cứ thả lỏng cho nhân vật của mình lên tiếng là đủ".
Có thể đủ với diễn viên, nhưng chưa phải là với tổng thể tác phẩm. Góc nhìn cinematic của sở trường đạo diễn đã cho sân khấu Mọi điều ta chưa nói những tiểu tiết đầy đặn về cảm xúc và tính ẩn dụ.
Ánh sáng chưa kịp chìm xuống hẳn, thì một vòng hòa âm tuyệt đẹp của một bản độc tấu dương cầm mang tính xuyên suốt lại cất lên. Với Hồng Hạc, người ta không cho khán giả được lơi là một giây nào, khi các giác quan lần lượt được phục vụ một cách bài bản nhất, bởi bên cạnh hai cái tên Marc Levy và Việt Linh, tên tuổi bảo chứng khác chính là nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam - người đảm trách phần âm nhạc cho tổng thể kịch bản, nghiêm túc như đối với một ấn phẩm điện ảnh, dù nhạc sĩ đang sống tại Đức và ê-kíp đã làm việc phối hợp từ xa.
Với Nguyễn Công Phương Nam, cảm giác "như một độc giả" càng được sinh động hơn khi khán giả như đang ngồi đọc một cuốn tiểu thuyết trong một quán cà phê với một cây dương cầm đơn độc đang tấu không ngừng. Không hề chịu tác động biến đổi về cung quãng, tiết điệu… cho tới khi thế giới thực và thế giới tưởng tượng hợp nhất. Các bản độc tấu dương cầm xuyên suốt các cảnh với vòng hòa âm vừa mang hơi hướm văn hóa Tây phương của nguyên tác, vừa "nịnh tai" lớp thính giả đương thời tại Việt Nam đã làm nên những nốt lặng đẹp tuyệt trong bóng tối khán trường, xen kẽ các lớp chuyển cảnh.
Với tính nhất quán từ bao quát tới tiểu tiết, nữ đạo diễn đã bảo đảm được cho các nhân vật của mình bình thản bước ra từ bên trong nội tâm của diễn viên mà không cần gân cổ vung tay, bởi bao bọc quanh họ đã là một trường không gian cảm xúc toàn hảo.
Áp lực lớn nhất đã không nằm ở người diễn viên phải rời bỏ thói quen diễn xuất cũ, mà nằm ở chính nhà nữ độc tài khắc nghiệt, người đã chọn đặt lòng tin tuyệt đối vào nguyên tác, vào các cánh tay trợ thủ đắc lực của âm nhạc, cảnh trí và ánh sáng của Nguyễn Công Phương Nam, họa sĩ Tomi Trương, ê-kíp hậu đài, và đồng đạo diễn Lê Chi Na.
Việt Linh có thể là một nhà độc tài, nhưng quan trọng là chị không hề là một kẻ độc hành trong những dự án đầy cả tham vọng và sự lãng mạn của mình.
Khi thế giới vẫn đọc sách và rạp hát vẫn đông người
Có thể dễ dàng nhận thấy trọng tâm của sân khấu Hồng Hạc vẫn là đối tượng khán giả trẻ, lần này là độ tuổi thanh niên. Nhưng trong khán phòng đêm ra mắt tại Nhà hát Thành phố, những khán giả trung đến cao niên cũng đã tìm thấy những nốt lặng đồng cảm trong tâm tình của vị trí người làm cha làm mẹ: "Có thể tình yêu của bố mẹ đã sai và gây ra biết bao phiền muộn nơi những đứa trẻ. Nhưng mẹ cha không biết phải thế nào, làm sao có thể đứng nhìn con mình bất hạnh mà không đau đớn hơn gấp nhiều lần? Làm sao để không âu lo?"
Nhưng ở đêm diễn thứ 2, khi Hồng Hạc "đổ bộ" xuống khán trường của Đại học Văn Lang, với áp lực gần 100% là các bạn trẻ, những "cục cưng" được săn đón bởi những trào lưu giải trí thị giác và tiếng ồn của những "tác phẩm" có thời lượng vài mươi giây, thì ngay cả khán giả mộ điệu Hồng Hạc cũng tỏ ra e ngại.
Nhưng cũng tại đêm ra mắt sinh viên Đại học Văn Lang, những giọt nước mắt và sự tiếp thu mẫn cảm đã tỏ ra vượt trội so với đêm đầu. Bản thân các đầu sách của Marc Levy, đặc biệt dòng văn học diễm tình, đã dễ dàng bắc chiếc cầu êm ái để nghệ thuật sân khấu tiếp cận giới trẻ, nhưng ngược lại, một buổi diễn thú vị đã làm thay công việc khó khăn của hơn 400 trang tiểu thuyết.
Từ ngoại truyện của cổ tích dân gian, đến tác phẩm thiếu nhi, và bây giờ là diễm tình đương đại chủ đề xã hội, gia đình, tôn chỉ "sư phạm hóa nghệ thuật" của sân khấu Hồng Hạc, với cuộc ra mắt tại Đại học Văn Lang, hay sự hiện diện ngay tại nhà văn hóa tâm điểm của hoạt động thanh niên thành phố đã gia cố vững chãi lý tưởng này.
Đạo diễn Việt Linh đã một lần nữa tô đậm dấu ấn Hồng Hạc bằng tính chắt lọc cao đối với khán phòng, đối tượng khán giả vừa đại chúng, vừa chọn lọc, minh chứng rằng cuộc chiến tôn vinh văn hóa đọc không phải là cuộc chiến vô vọng và đơn độc.
Không chỉ mối quan hệ giữa cha và con gái, câu chuyện tìm về cuộc tình đã "chết" gần hai thập niên của Julia cũng chính là một suy tư cần có cho mỗi cô gái trẻ, bất kỳ nền văn hóa hay quốc gia nào. Khi tự học về mình qua những cuộc tình, những cân nhắc cần có trước hạnh phúc hôn nhân, rằng một "bạch mã hoàng tử" của quan niệm xã hội không nhất thiết là người đàn ông lý tưởng cho bất kỳ cô gái nào. Chắc chắn, đó là câu chuyện tiệm cận và thực tế với bất kỳ cô gái Việt Nam nào, kể cả những cô không có thời gian để đọc hết một cuốn sách.
Chắc chắn, bởi mối đồng cảm "cộng sinh" giữa văn chương và kịch thuật trong thời đại giải trí trên nền tảng kỹ thuật số, mà Marc Levy đã hào phóng ủy lạo cho dự án này của sân khấu kịch Hồng Hạc bằng chính sự hiện diện của mình, trùng vào thời điểm ra mắt tiểu thuyết Hoàng hôn của bầy mãnh thú của ông.
Sau 2 đêm công diễn liên tiếp, Marc Levy xuất hiện trong buổi giao lưu tại Đường sách TP.HCM với lời nhận xét đầy phấn khích và ít nhiều xót xa: "Mọi thứ tân kỳ hơn lần trước tôi đến, ai cũng có một cái smartphone. Nhưng tuyệt vời nhất, đó là ở đây vẫn có người đọc sách!"
Đó chắc chắn cũng là sự cảm thán đồng điệu với nỗi khắc khoải của mọi ông bầu bà bầu sân khấu mỗi đêm hé màn đếm số ghế có người tại các sân khấu còn hoạt động. Lối thoát chưa chắc là việc phá vỡ nguyên tắc sân khấu, hiện đại hóa sân khấu để vô vọng thuyết phục các tệp công chúng đang tìm thấy món ăn giải trí nhanh gọn trên các nền tảng điện tử. Thay vào đó, tỷ lệ công chúng "kháng cự" trào lưu "giải trí nhanh" trên thực tế vẫn tồn tại mạnh mẽ và đầy nhu cầu. Họ không rầm rộ làm nên những lượt view xa xỉ để thuyết phục các nhà đầu tư, nhưng hoàn toàn đủ sức để hai lãnh vực văn học và nghệ thuật truyền máu tiếp sức cho nhau.
Sự thu hút của cái tên Marc Levy đã là một minh chứng cho sự hiện diện của tệp khán giả này, và những khán phòng đông người tới coi một vở kịch chuyển thể từ văn học cũng hứa hẹn giữa nhịp sôi động cho thị trường xuất bản. Trong tầm nhìn này, "bà tướng" Việt Linh đã cho thấy tâm và tầm của một nhà quân sự văn nghệ.
"Bí quyết đi xin tài trợ của tôi là nghèo. Tôi ở nhà thuê và không tiêu xài xa xỉ, tôi nuôi một cái sân khấu khai thác đề tài phi thương mại, đương nhiên nhà đầu tư có tâm hoàn toàn có thể tin cậy rằng những đồng tiền của họ là để dành hoàn toàn đầu tư cho kịch nghệ" - Việt Linh chia sẻ.
Không ai hứa rằng bạn cứ nghèo là các khoản tài trợ sẽ rơi xuống ngay sân khấu. Bên cạnh sự eo hẹp về tài chính vẫn phải là những kịch bản đầy đặn, những ê-kíp diễn viên sẵn sàng đổ mồ hôi vào những giờ tập ròng rã không lương, những nhà văn sẵn sàng tặng không tiền tác quyền để con chữ được sống trong câu thoại.
Không chỉ với đại chúng khán giả nhiều thế hệ, đối với nội giới văn nghệ sân khấu, những "cuộc chinh phạt" liên tiếp của Việt Linh, bên cạnh trợ thủ Lê Chi Na và dàn diễn viên trẻ đầy thực lực, còn đóng vai trò động lực minh chứng cho hiệu quả và sứ mệnh văn hóa của người làm nghề. Rằng những nỗ lực "phi thương mại" vẫn có thể được tiếp nhận nồng hậu nếu không ngừng tự thách thức bản thân, đặt yêu cầu cao hơn cho không chỉ diễn viên mà cả khán giả khi đến với sân khấu kịch.
Vào cuối đêm công diễn, khi ê-kíp hậu đài cấp tập rút toàn bộ khối lượng cảnh trí, đạo cụ từ Nhà hát Thành phố sang Đại học Văn Lang, Việt Linh đã bắt đầu chia sẻ về dự án sắp tới với một cái tên bảo chứng khác: Nguyễn Nhật Ánh.
Nữ đạo diễn buông binh khí, trở về tinh thần cốt lõi của một nhà sư phạm tha thiết với những kịch bản cao về thi tính và "sinh tố tâm hồn", vẫn không một dấu hiệu của sự mệt mỏi. Có lẽ vào một lúc khác, ở một nơi khác, nhưng không phải khi còn có quá nhiều khán giả cần được giới thiệu đến với văn hóa đọc, mà còn quá nhiều độc giả văn học cần tìm đến với thánh đường kịch nghệ.
Trong tất cả những khán giả đa thế hệ của 3 đêm ra mắt tại 3 điểm diễn khác nhau, vị khán giả có lẽ khắt khe hơn mọi hội đồng thẩm định, đó chính là cha đẻ của tác phẩm - nhà văn Marc Levy. Trong một trao đổi tình cờ với phóng viên, sau đêm diễn, Marc Levy đã chia sẻ: "Mọi thứ đã giống như trong cảm hứng và trí tưởng tượng của tôi khi viết nên tác phẩm, chỉ là lần này, họ ở trong hình hài những diễn viên người Á châu, những người Việt Nam nhỏ bé và đồng điệu. Còn phần còn lại, tôi hào hứng nhìn ngắm cách mà bà Việt Linh và mỗi diễn viên đã đưa nhân vật của tôi qua bộ lọc cá nhân của họ, cho phép tôi bình thản, hồn nhiên dõi theo vở kịch như thể lần đầu được nghe câu chuyện về ông Anthony Walsh tìm về từ cõi chết. Chính tôi cũng phải bật cười không ít chỗ với phiên bản Việt Nam của Anthony".
"Còn Lê Chi Na thì cô ấy quả là kiên cường xuyên qua từng lớp cảnh, đến mức đã có lúc tôi tin cô ấy là Julia Walsh của Manhattan chứ không còn là một nữ diễn viên Việt Nam nữa. Còn vai Stanley, chính tôi đã thể hiện vai này trong phiên bản phim truyền hình, Thắng Tăng đã cho tôi thấy một phiên bản của chính mình, chỉ là trẻ trung hơn rất nhiều. Khán giả đã rất tuyệt vời, chăm chú, kiên nhẫn, với sự mẫn cảm thật sự đáng tán thưởng. Xin đừng cảm ơn tôi về sự xuất hiện tại Việt Nam lần này, tôi mới là người nói lên lời cảm ơn".
"Khi ngồi trong phòng làm việc và nghĩ về Julia, đương nhiên, không đời nào tôi nghĩ Julia Walsh là một người con gái Á châu. Nhưng chỉ khi bước lên sân khấu không lâu, Lê Chi Na đã khiến tôi nhận ra một Julia người Việt, nói tiếng Việt, nhưng là Julia, Julia của tôi" - nhà văn Marc Levy, cha đẻ tác phẩm chia sẻ sau đêm diễn.