Miss Universe: Đi lên từ ý tưởng PR áo tắm, tân chủ nhân sửa luật gây nhiều tranh cãi
"Miss Universe" (Hoa hậu Hoàn vũ) trở thành chủ đề được bàn tán xôn xao trong giới hâm mộ sắc đẹp thời gian gần đây. Và nguyên nhân đến từ những thay đổi chính sách sau khi thương hiệu này có chủ nhân mới.
Cuộc thi nhan sắc đình đám hình thành từ ý tưởng PR áo tắm
Danh hiệu "Hoa hậu Hoàn vũ" lần đầu tiên được sử dụng trong cuộc thi Hoa hậu Quốc tế tại Mỹ vào năm 1926. Cuộc thi này được duy trì thường niên cho đến năm 1935, khi cuộc Đại suy thoái và các sự kiện tiền Thế chiến II diễn ra và đẩy nó tới bờ vực sụp đổ.
Còn thương hiệu "Hoa hậu Hoàn vũ" mà chúng ta biết tới ngày nay ra đời năm 1952, khi tập đoàn may mặc Pacific Knitting Mills (đơn vị sản xuất của hãng đồ bơi Catalina) tung ra chiêu tiếp thị nhằm quảng bá một trong những bộ sưu tập đồ bơi của họ.
Từ thời gian trước đó cho tới năm 1951, Pacific Knitting Mills là nhà tài trợ hào phóng cho cuộc thi Hoa hậu Mỹ (Miss America). Nhưng khi Hoa hậu Mỹ 1951 Yolanda Betbeze từ chối mặc đồ bơi Catalina, công ty này mới quyết định tạo ra cuộc thi của riêng mình và gọi nó là Miss Universe - Hoa hậu Hoàn vũ.
Trong tôn chỉ của mình, Hoa hậu Hoàn vũ nêu họ muốn tôn vinh tất cả phụ nữ cũng như nền văn hóa và nền tảng của họ. Ban tổ chức cũng cho biết mục tiêu của họ là trao quyền cho các cô gái để giúp họ hiểu được mục tiêu của mình thông qua các trải nghiệm, đồng thời nâng cao sự tự tin của phụ nữ cũng như tạo cơ hội thành công và giúp họ trở thành một phần lịch sử của Hoa hậu Hoàn vũ.
Vương miện Hoa hậu Hoàn vũ đầu tiên được trao cho Armi Kuusela năm 1952. Tuy nhiên, người đẹp Phần Lan đã từ bỏ danh hiệu trước khi kết thúc năm đầu tiên trong nhiệm kỳ vì lý do kết hôn.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng sở hữu thương hiệu này từ năm 2002 đến năm 2015. Và sau những lần đổi chủ, hiện tại, Jakapong "Anne" Jakrajutatip là người nắm quyền sở hữu thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ. Được biết bà trùm truyền thông nổi tiếng Thái Lan đã bỏ ra cái giá 20 triệu USD để hoàn tất thương vụ và sự kiện đánh dấu lần đầu tiên cuộc thi sắc đẹp này do một phụ nữ chuyển giới làm chủ.
Thay đổi chính sách gây nhiều tranh cãi
Tranh cãi bắt đầu nổ ra khi bà Jakrajutatip đưa ra quy định mới, yêu cầu các tổ chức và giám đốc quốc gia muốn tổ chức các cuộc thi tuyển chọn đại diện Hoa hậu Hoàn vũ tại địa phương phải nộp hồ sơ dự thầu hàng năm.
Nhiều người hâm mộ cuộc thi cho rằng quy tắc mới đồng nghĩa với việc các tổ chức có mối quan hệ lâu năm với Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ không còn được đảm bảo về quyền đăng cai sự kiện. Bên cạnh đó, cũng có những lo ngại rằng động thái này sẽ khởi động một "cuộc chiến đấu thầu", với quyền tổ chức cuộc thi thuộc về người có nhiều tiền nhất nhưng chưa hẳn là tổ chức quan tâm tốt nhất đến lợi ích của thí sinh.
Tại Đông Nam Á, Hoa hậu Hoàn vũ Indonesia, còn gọi là Puteri Indonesia, là một cuộc thi sắc đẹp được tổ chức thường niên. Người chiến thắng của cuộc thi sẽ đại diện cho Indonesia tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ. Yayasan Puteri Indonesia (YPI) - tổ chức đã cử đại diện Indonesia thi Hoa hậu Hoàn vũ trong 30 năm qua - đã tuyên bố rằng họ đã bị gạt ra ngoài lề dù có quan hệ lâu năm với chủ cũ của Hoa hậu Hoàn vũ.
YPI đã đăng một tuyên bố trên Instagram nói rằng họ "sốc" khi biết rằng một công ty khác đã được cấp giấy phép và họ "thất vọng" vì sự thiếu minh bạch trong quy trình đấu thầu.
Cũng trong tháng 2/2023, Jakrajutatip đã công bố công ty PT Capella Swastika Karya của Indonesia có quyền nắm giữ Hoa hậu Hoàn vũ Indonesia và Hoa hậu Hoàn vũ Malaysia, trong một sự kiện hào nhoáng ở Kuala Lumpur.
Miss Universe phản ứng thế nào?
Bà Jakrajutatip, dường như muốn câu chuyện "hạ nhiệt" bằng một bài đăng trên Instagram.
"Bà trùm" cho biết: "Yêu cầu đấu thầu nhằm mang lại tiếng nói và quyền tự quyết cho các giám đốc hiện tại - đây là cách mà họ có thể nói lên rằng họ tin tưởng ra sao vào giá trị mà doanh nghiệp của họ có thể đem lại".
"Tại sao có người lại chỉ trích một điều khi chưa biết thông tin chính xác và cũng không phỏng vấn bất kì ai thuộc Tổ chức? Từ khi nào mà Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ nói rằng cả quá trình đấu thầu sẽ chỉ quan tâm tới số tiền cao nhất? Điều này nghe thật vô nghĩa đối với tôi và nó cũng không phải là phong cách kinh doanh của tôi".
Mùa thi Hoa hậu Hoàn vũ sắp tới có bị ảnh hưởng?
Vẫn chưa rõ tác động lớn nhất của drama này sẽ là gì, hoặc liệu nó có ảnh hưởng đến số lượng thí sinh tham gia mùa thi sắp tới hay không. Vì quyền tổ chức các cuộc thi cấp quốc gia thuộc sở hữu của các tổ chức tư nhân, nên cũng có thể một tổ chức khác sẽ tiếp quản quyền từ tổ chức cũ và vẫn cử đại diện của quốc gia họ tham dự Hoa hậu Hoàn vũ.
El Salvador sẽ là quốc gia đăng cai tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ 2023, mặc dù ngày chưa được ấn định. Thông báo được đưa ra trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ lần thứ 71 ở New Orleans (Mỹ), nơi Hoa hậu Mỹ R'Bonney Gabriel đăng quang, trở thành người Mỹ gốc Philippines đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc thi.