'Mekong show' - Một kết hợp lạ!
(Thethaovanhoa.vn) - Kết hợp xiếc và rối nước, Mekong show (kịch bản: Lê Quý Dương, đạo diễn: Nguyễn Phi Sơn) vừa có vài suất ra mắt tại Rạp xiếc Công viên Gia Định, TP.HCM, với hy vọng mang đến một không khí mới lạ cho khán giả.
Nhà hát Nghệ thuật phương Nam xem đây là một chương trình trọng điểm của năm 2020. Với tổng kinh phí đầu tư chừng 1 tỷ đồng, đạo diễn Nguyễn Phi Sơn và ê-kíp hơn 50 diễn viên, kỹ thuật viên đã mất khoảng 20 ngày để dàn dựng, tập luyện.
2 ngôn ngữ khác nhau
Rõ ràng xiếc và rối nước là 2 ngôn ngữ cách biệt, khác nhau rất nhiều về tư duy và tình huống sân khấu, nhưng Mekong show đã quyết tâm làm một kết hợp lạ. Đạo diễn Lê Quý Dương nói rằng khi viết kịch bản, anh đã nghĩ đến sự cách biệt này, nhưng vẫn muốn thử nghiệm để đổi mới. “Trẻ em ở TP.HCM hiếm khi được xem rối nước, nên tôi muốn đưa vào kịch bản để giới thiệu thêm về loại hình thú vị này. Hơn nữa, Nam bộ nhiều sông nước, ngôn ngữ rối tưởng cách biệt về loại hình, nhưng lại khá gần gũi về mặt tinh thần” - Lê Quý Dương cho biết.
Còn đạo diễn Nguyễn Phi Sơn cho biết: “Khi tiếp nhận kịch bản này, tôi cũng thấy đây là một kết hợp khó khăn, vì đoàn xiếc không chuyên về rối nước, để dàn dựng cho ra tấm ra món, không đơn giản. Hơn nữa, sân khấu xiếc khá đặc thù về không gian và vị trí ghế ngồi khán giả, đưa hồ rối nước lên sân khấu không hề dễ dàng. Thế nhưng, sau khi làm được, nhìn vào sự háo hức, tò mò của khán giả nhỏ tuổi, chúng tôi thấy công sức bỏ ra thật không uổng phí. Các tiết mục rối nước đã trở thành quãng nối tiếp để sân khấu liên tục, không cần nghỉ chuyển màn chuyển cảnh. Chúng tôi còn muốn hoàn thiện thêm nữa, để các suất diễn tiếp theo sẽ chỉn chu và thu hút hơn”.
Khai thác được hầu hết các kỹ thuật của xiếc như nhào lộn, sức mạnh đôi tay, thăng bằng, tung hứng, quay lụa, nhảy dây… Mekong show (thời lượng khoảng 60 phút) đã kể được câu chuyện khẩn hoang của đất Nam bộ từ ngày đầu chinh phục thiên nhiên cho đến thành tựu nông nghiệp, công nghiệp và văn hóa nghệ thuật như sau này.
Dù kịch bản nhiều thông điệp, tưởng ngôn ngữ xiếc không tải hết được, nhưng bằng tay nghề vững vàng, Nguyễn Phi Sơn đã kể được câu chuyện mạch lạc, dễ nắm bắt. Với các khán giả nhí hoặc người nước ngoài, thì điều này càng ưu trội, chỉ hình thể, hành động và âm nhạc là đủ cho tất cả.
Muốn lột xác để tồn tại
Nhà hát Nghệ thuật phương Nam tuy có trụ sở, nhưng mấy năm qua như trở lại thời các gánh xiếc rong, khi chưa thật sự có được tinh thần “an cư lạc nghiệp”, vì phải “ăn nhờ ở đậu” trên đất người khác. Tuy chưa thấy phát ngôn chính thức, nhưng qua băn khoăn ở các cuộc họp chuyên môn, việc sáp nhập Đoàn xiếc thành phố và Đoàn nghệ thuật múa rối thành phố thành Nhà hát Nghệ thuật phương Nam vẫn còn nhiều điều phải kiện toàn, nhất là về định hướng chuyên môn và tìm kiếm khán giả.
Có lẽ Mekong show là một trong những nỗ lực cho việc lột xác để tồn tại và tìm kiếm thêm khán giả mới cho xiếc. Trước bối cảnh sân khấu đang bị thách thức bởi các phương tiện giải trí di động, các sân khấu muốn tồn tại, đương nhiên phải tìm ra lối đi hợp lý hơn. Trong buổi phúc khảo, một đại diện của Mekong show cho biết họ rất muốn sân khấu ấm trở lại, để nghệ sĩ sống ổn, vì vậy mà phải học hỏi, cập nhật cách làm ở nhiều nơi, À ố show là một ví dụ trước mắt. Không chỉ xiếc cần lột xác về cả nội dung và hình thức, mà còn cần làm sao lột xác được cả khán giả, đó cũng là một thách thức.
Đạo diễn Nguyễn Phi Sơn cho biết, lãnh đạo Nhà hát cũng đang tìm cách để thu hút khán giả bằng nhiều hình thức mới, chứ không chỉ có mỗi vở diễn, chương trình trên sân khấu. “Chúng ta thấy các show diễn ở nước ngoài thường mang lại niềm vui đa dạng cho khán giả bằng quà tặng, đồ lưu niệm, bán phụ kiện, các trò chơi nhỏ… Họ làm điều này ngay từ khi chưa bắt đầu, mới bán vé và sau khi đã kết thúc. Điều này hoàn toàn có thể áp dụng được cho Nhà hát Nghệ thuật phương Nam, miễn là chúng tôi tìm được cách làm hợp lý, thu hút” - Nguyễn Phi Sơn nói.
Như Hà