MC Thanh Thảo Hugo tiết lộ công thức tích luỹ và các yếu tố quyết định "thành - bại" trong kế hoạch tài chính
Có lẽ với thế hệ khán giả 8x, 9x thì MC Thanh Thảo Hogo là một gương mặt rất quen thuộc, thường xuất hiện qua màn ảnh nhỏ trong các chương trình như Vui Cùng Hugo, Lục Lạc Vàng, Vietnam Idol, Tam Sao Thất Bản, Bếp Yêu Thương,…
Tuy nhiên, hiện tại vai trò người dẫn chương trình của chị đang tạm lắng lại, nhường vị trí cho một "chức danh" oai hơn - Nhà sáng lập kiêm Giám Đốc Chuyên Môn của Học viện Ngôn ngữ và Kỹ Năng Sun&Moon, đây là nơi đào tạo chuyên nghiệp về kỹ năng nói, từ những khóa học MC chuyên nghiệp cho đến những khóa học khai mở sự tự tin trước đám đông dành cho trẻ em và người lớn.
MC Thanh Thảo Hugo trong nhiều năm điều hành và phát triển công ty, đạt được thành công đáng kể chính nhờ tư duy lập kế hoạch tài chính và chi tiêu thông minh của mình.
SẮP XẾP THỨ TỰ CỦA CÁC HẠNG MỤC MUỐN PHÁT TRIỂN TRONG NĂM MỚI
Một kế hoạch "dùng được" là một kế hoạch mà ai cũng hiểu khi đến thời hạn, mình hoàn thành được mong muốn ban đầu mà mình đặt ra. Thế nhưng làm thế nào để "bản vẽ" có thể triển khai khả thi trên thực tế, đó là một câu chuyện phức tạp.
Để xé nhỏ và giải bài toán này, điều tiên quyết nhất vẫn luôn là xác định những gì chúng ta muốn cải thiện, phát triển trong năm tới. Từ đó cân nhắc về độ ưu tiên, quan trọng và cấp bách nhất để đầu tư. Theo như MC Thanh Thảo trong podcast Money Fit, chị luôn liệt kê ra các hạng mục muốn phát triển nó trong năm mới để ra quyết định đầu tư, đồng thời phân tách rõ ràng thành kế hoạch gia đình và kế hoạch bản thân.
"Đối với kế hoạch gia đình, sự đầu tư của mình sẽ là giáo dục - sức khoẻ - du lịch. Bởi vì mình nghĩ giáo dục cho con là chuyện mình không bao giờ làm lại được lần thứ hai. Tiếp theo là sức khoẻ, phải đảm bảo đúng dinh dưỡng cũng như khám định kỳ. Cuối cùng là với một đứa nhỏ, du lịch là khoá học rất hữu ích, khi con thấm các thông tin và nét văn hoá thì trong suy nghĩ của con hình thành được rất nhiều điều hay, chuyện này không thể lùi lại được để đợi con 18 tuổi chẳng hạn rồi đầu tư.
Đối với kế hoạch bản thân, mỗi giai đoạn nào chị cũng đầu tư cho việc học, học bằng mọi cách, thậm chí việc làm đẹp chị xếp ở sau cùng, ví dụ như đi spa... nó phải là đầu mục ở thứ 9 thứ 10… nhưng việc tập thể dục là chị xếp ngay thứ hai sau việc học."
Sau phần liệt kê các hạng mục cần đầu tư trong kế hoạch tài chính của mình, sẽ là câu chuyện dành cho mỗi hạng mục một khoản bao nhiêu là đủ. Chị Thanh Thảo chia sẻ: "Chị lên kế hoạch sẽ cố định các đầu mục, còn việc chi tiêu cho nó thì sẽ linh hoạt, nhưng mình cũng có khoản dự bị khi nó vượt quá ngân sách dự kiến và tất nhiên sự vượt mức này cũng phải có giới hạn để không ảnh hưởng đến kế hoạch của mình. Chị nghĩ mục tiêu mình đề ra sẽ luôn là một bảng kế hoạch rất đẹp, tuy nhiên để bắt đầu đi đến nó thì các bạn phải có cụ thể, chi tiết và phải có phương án dự bị."
TÍCH LUỸ TIỀN THEO CÔNG THỨC 5-3-2
Có nhiều người trẻ kinh doanh hiện nay, cho rằng khoản vay là một đòn bẩy để kinh doanh "máu lửa", là động lực để ép bản thân thành công nhanh, tính toán đầu tư chuẩn xác. Thế nhưng cũng trong Money Fit, MC Thanh Thảo thẳng thắn nói rằng: "Chị không nghĩ khoản vay là một áp lực tốt mà mục tiêu cuộc sống mới là áp lực tốt. Có nghĩa là đặt ra mục tiêu cao hơn để có áp lực hơn thì sẽ ổn hơn việc mình cứ vay đi vay rồi mình trả, rủi ro không biết lúc nào sẽ xảy ra."
Vì vậy để có thể đầu tư, đạt được các mục tiêu đề ra trong thời gian tới thì phải có khoản tiết kiệm từ tổng thu nhập mà mình kiếm được. Chị chia sẻ công thức tích luỹ của bản thân như sau: "Chị tích luỹ theo phần trăm. Nếu chị làm ra được 100% thì 50% sẽ vô câu chuyện của gia đình, 30% sẽ là kinh doanh, còn lại thì chị sẽ tích luỹ, luôn luôn là như thế mỗi tháng.
Tuy nhiên trong kế hoạch tài chính của chị không đơn giản là con số 30% hay 50% đâu, nó còn là chia nhỏ hơn chẳng hạn trong 50% gia đình thì 5% cho ba mẹ, rồi 3% cho những chi phí tiệc tùng... chị làm rõ ràng và chi tiết đến mức đó." Hiệu quả của việc dày công tính toán, chia nhỏ tỉ lệ phần trăm chi tiêu như vậy sẽ giúp chúng ta có thể quản lí mọi thu chi của mình khá chuẩn xác.
HÃY BẮT ĐẦU TỪ "MỘT THÁNG"
Châm ngôn "Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất" chưa bao giờ là sai, kể cả trong cuộc sống hay trong khởi nghiệp, đầu tư kinh doanh, tiết kiệm hay hoàn thành mục tiêu.
"Ban đầu hãy lập kế hoạch ngắn, trong 1 tháng, rồi đánh giá xem mình chi tiêu ổn không, có phù hợp với chất lượng sống hiện tại mình đang cần không, và vui lòng ghi thật kĩ những gì mình tiêu xài trong tháng đó. Nếu nó phù hợp, hãy làm cho 3 tháng, 6 tháng, từ đó mới có thể lên 3 năm, 5 năm... Mình phải luôn theo dõi khoản tài chính của mình trong khoảng thời gian ngắn hạn và kiểm tra lại nó để tìm ra hướng đi phù hợp."
Và tất nhiên, chiếc khiên vàng để bảo vệ mọi thứ không chệch quỹ đạo là từ "kỷ luật". Mọi người cần tập cho mình tính kỷ luật trong chi tiêu, không cảm tính hoặc tiêu xài quá đà mới có thể hoàn thành được kế hoạch tài chính mình đặt ra.