Máy bay gặp nạn, phi công thoát hiểm thế nào?
(Thethaovanhoa.vn) - Để thoát hiểm trong một vụ tai nạn máy bay cần rất nhiều may mắn bên cạnh sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt. Dưới đây là một số bí quyết giúp phi công có thể sống sót khi máy bay gặp nạn.
- Chùm ảnh: Đón thi thể phi công SU30-MK2 Trần Quang Khải về với đất mẹ
- VIDEO: Nghi thức đón thi thể phi công SU-30MK2 Trần Quang Khải
Đối với đa số máy bay quân sự, ghế phóng là một hệ thống được thiết kế để cứu phi công hay thành viên phi hành đoàn khác trong tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên nó thường được khuyến cáo là sự lựa chọn cuối cùng khi buộc phi công phải tự mình cứu thoát trong giờ khắc nguy hiểm. Phương pháp thoát hiểm kiểu này chỉ diễn ra chỉ trong tích tắc, đòi hỏi đúng quy tắc trình tự. Nếu như có một sai sót nhỏ xảy ra, phi công có thể gặp chấn thương năng hoặc thậm chí tử vong.
Tuy nguy hiểm song ghế phóng đã giúp giữ mạng sống của nhiều phi công
Nhìn trên màn ảnh mọi chuyện có vẻ đơn giản, phi công được phóng ra khỏi máy bay, sau đó một chiếc dù cứu sinh bung ra, phi công an toàn trên mặt đất. Trên thực tế, chiếc ghế phóng của phi công gắn chặt vào một đường ray. Khi có sự cố xảy ra, phi công kích hoạt nút ghế phóng ở trước ghế lái, chiếc ghế sẽ tự động lăn trên đường ray, tạo với máy bay một góc cố định. Sau đó, hệ thống tên lửa sẽ "bắn" chiếc ghế ra khỏi máy bay hướng lên trên.
Trong cuộc phỏng vấn với Smithsonian – một phi công đã có trải nghiệm sống sót nhờ chiếc ghế phóng, anh tâm sự: “Bị bắn ra khỏi máy bay đang đạt vận tốc 965 km/h ở độ cao 4.572 m là “trải nghiệm khắc nghiệt nhất mà tôi gặp trong cuộc đời”. Vận tốc gió mạnh kèm theo áp lực khi bị bắn ra với tốc độ lớn khiến cho tay chân của phi công sẽ tự động vung văng tự do, không kiểm soát được, dẫn đến gãy xương và một số khớp.
Tuy nguy hiểm song ghế phóng vẫn luôn “bùa hộ mệnh” cho nhiều phi công gặp lúc hiểm nguy. Theo thống kê của trang web Martin-Baker, chiếc ghế phóng đã cứu mạng được 7.480 người tính đến thời điểm này.
Bộ dụng cụ cứu hộ
Ở dưới ghế phóng thường sẽ đi kèm theo một dụng cụ cứu hộ. Tùy thuộc vào từng loại máy bay chiến đấu mà đồ trong bộ dụng cụ này khác nhau. Song thông thường sẽ có chung những đồ vật như: phao cứu sinh tự thổi, còi, gương tín hiệu, đèn LED, pháo sáng, bộ đàm, diêm chống nước, nước ngọt và lương khô.
Bộ dụng cụ cứu hộ của một phi công
Khi buộc phải sống sót trên biển, phi công nên cần có nước ngọt để duy trì thể trạng của mình. Trong khi đó, những thứ như bộ đàm, gương cứu hộ hay còi sẽ giúp lực lượng tìm kiếm hay tàu cá dễ dàng nhận biết có tình huống khẩn cấp trên biển cần giúp đỡ. Đêm xuống, đèn LED có thể giúp phi công lênh đênh trên biển xác định phương hướng, xua đuổi một số loài sinh vật hung dữ, và nếu như có lực lượng cứu hộ đến gần thì có thể bắn pháo sáng phát tín hiệu.
Kỹ năng sống sót
Ngoài được trang bị những dụng cụ thiết yếu, phi công cũng phải tự mình rèn luyện thể lực, kỹ năng tốt để có thể chống chọi trong những tình huống khẩn. Cứ 4 năm một lần, hải quân Mỹ yêu cầu các phi công trong ngành phải rèn luyện kỹ năng làm thế nào để sống sót trong một vụ máy bay rơi.
Một buổi huấn luyện học kỹ năng thoát khỏi tình huống máy bay rơi xuống biển của các phi công thuộc Trung tấm huấn luyện kỹ năng sống sót hàng không Washington
Các học viên của những khóa huấn luyện hải quân phải trải qua cuộc kiểm tra thể lực bằng cách bơi trong trang phục phi công, đội mũ bảo hiểm và chân đi giày nặng, học cách làm phồng phao cứu sinh bằng một ống thổi trong khi trôi nổi trên mặt nước và nhanh chóng thoát khỏi bộ đai gắn với dù để tránh trường hợp dù gây cản trở trong quá trình bơi.
Theo Hồng Hạnh - Tin tức