Mẫu card mở rộng lắp được tận 21 ổ SSD cho 168TB dung lượng lưu trữ siêu nhanh, tuy nhiên chi phí bỏ ra không hề rẻ
Apex Storage X21 có kiểu thiết kế "bánh sandwich" 2 trong 1, với 2 bo mạch được bố trí ở 2 bên của card mở rộng ghép chung lại và sử dụng một khe cắm PCIe 4.0 x16 duy nhất, cùng khả năng tích hợp tối đa 21 ổ SSD.
Vào thời điểm cách đây nhiều năm, khi ổ cứng vật lý (HDD) vẫn còn thịnh hành, khá nhiều người dùng vào thời điểm đó đã sử dụng công nghệ RAID (viết tắt của Redundant Arrays of Independent Disks), tức gộp nhiều ổ cứng vật lý thành một hệ thống ổ đĩa cứng. Mục đích của RAID đương nhiên nhằm gia tăng khả năng đọc/ghi và truy xuất dữ liệu từ đĩa cứng
Cho tới thời điểm vài năm gần đây, khi ổ đĩa SSD đang trở thành chuẩn mới thay thế cho HDD, nhiều người dùng cũng đã bắt đầu thiết lập các cấu hình RAID bao gồm các ổ SSD ghép với nhau để mang tới hiệu năng khó có thể có được từ một ổ đĩa đơn lẻ.
Hiểu rõ được điều này, nhà sản xuất Apex mới đây đã trình làng một mẫu card mở rộng PCIe mang tên Apex Storage X21, vốn có khả năng tích hợp tới 21 ổ SSD chuẩn M.2 NVME, cho phép người dùng xây dựng một cấu hình RAID SSD vừa có dung lượng lữu trữ, vừa có tốc độ đọc/ghi cực nhanh.
Cụ thể, nếu người dùng có đủ hầu bao để trang bị các mẫu SSD có dung lượng lưu trữ khoảng 8TB, tổng dung lượng lưu trữ tối đa thông qua mẫu card mở rộng này có thể lên tới 168TB. Chưa kể tới, mẫu card mở rộng này cũng hỗ trợ SSD dung lượng 16TB, cho phép người dùng chạm ngưỡng 336 TB dung lượng lưu trữ.
Apex Storage X21 có kiểu thiết kế "bánh sandwich" 2 trong 1 cực kỳ độc đáo. 2 bo mạch được bố trí ở 2 bên của card mở rộng, nhưng lại sử dụng chung một khe cắm PCIe 4.0 x16 duy nhất, theo HotHardware. Theo đó, một bảng mạch có thể chứa được 10 ổ SSD M.2 NVME, trong khi bảng mạch còn lại có thể chứa được 11 ổ SSD.
Theo số liệu được công bố bởi hãng APEX, nếu chỉ sử dụng một bảng mạch (tức chỉ lắp ổ SSD vào 1 mặt của Apex Storage X21), người dùng có thể đạt được tốc độ đọc tuần tự là 30,5 GB/giây. Nếu lắp đặt tất cả SDD lên cả 2 bảng mạch, tốc độ đọc tuần tự của toàn bộ cấu hình RAID có thể tăng lên tới 107GB/giây. Đối với tốc độ ghi tuần tự, Apex Storage X21 cung cấp tốc độ 26,5GB/giây với 1 bảng mạch và 70GB/giây với cả 2 bảng mạch.
Có thể thấy, bên cạnh lợi thế về tổng dung lượng lưu trữ, giải pháp này cũng mang tới tốc độ đọc/ghi cực nhanh so với việc lắp riêng lẻ. Để so sánh, ổ SSD PCIe 4.0 nhanh nhất cung cấp tốc độ đọc và ghi tuần tự khoảng 7GB/giây. Các mẫu ổ SSD chuẩn PCIe Gen 5 có tốc độ lên tới khoảng 12GB/giây hoặc hơn, nhưng chúng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.
Mặc dù chỉ chiếm khoảng 1 khe (slot) trên mainboard, Apex Storage X21 có chiều dài khá lớn, lên tới 27,5cm. Về độ ngốn điện, một khe PCIe x16 trên mainboard có thể cung cấp tới đa 75W điện. Tuy nhiên, Apex Storage X21 khi lắp đủ 21 ổ SSD chắc chắn sẽ cần nhiều điện hơn đáng kể. Do vậy, hãng APEX đã trang bị tổng cộng 2 đầu nối nguồn 6 pin, với mỗi đầu được bố trí một bên của card để cấp điện. Theo hãng APEX, Apex Storage X21 sẽ tiêu thụ tối đa khoảng 95W điện năng.
Khá ngạc nhiên, hãng này lại không trang bị một hệ thống tản nhiệt chủ động (như quạt tản nhiệt) trên X21. Thay vào đó, mẫu card mở rộng này chỉ tích hợp duy nhất một miếng tản nhiệt kim loại cỡ lớn nằm giữa tại một mặt của card.
Do vậy, hãng APEX khuyến cáo hệ thống PC của người dùng phải trang bị hệ thống quạt có khả năng thổi gió mát có cường độ đủ lớn (đạt tối thiểu khoảng 400 LFM) để tránh tình trạng quá nhiệt.
Được biết, Apex Storage X21 hỗ trợ các cấu hình RAID khác nhau trong Linux, cũng như Windows Server 10 và 1. Mẫu card mở rộng này có thể lắp đặt trên các hệ thống chạy CPU AMD lẫn Intel, với mainboard tích hợp khe cắm PCIe x16 chuẩn 3.0 hoặc 4.0
Card cũng hỗ trợ tất cả các loại SSD chuẩn M.2 NVME, bao gồm TLC, MLC, QLC, Intel Optane và cả SSD PCIe 3.0 cũ hơn. Do sử dụng phân nhánh PCIe, người dùng không cần cài thêm phần mềm đặc biệt nào khi lắp đặt Apex Storage X21.
Hiện tại, X21 vẫn chưa có giá bán chính thức. Tất nhiên, ngoài chi phí của card mở rộng, chi phí lớn nhất vẫn tới từ hệ thống ổ SSD. Hiện tại, một ổ SSD NVME dung lượng 8TB có giá trung bình khoảng 1000 USD, vì vậy một hệ thống gồm 21 ổ SSD sẽ có chi phí khoảng 21000 USD, tương đương khoảng 493,5 triệu đồng. Mức chi phí này sẽ phù hợp hơn cho đối tượng doanh nghiệp, thay vì người dùng cá nhân.
Trên thực tế, bản thân mẫu card Apex Storage X21 cũng được thiết kế để trang bị cho các hệ thống máy học và cơ sở hạ tầng siêu hội tụ, theo hãng APEX.
Tham khảo Extreme Tech