Mặt trái xu hướng “flex” tại Hàn Quốc: Khi người trẻ thu hút sự chú ý nhờ khoe giàu nhưng lại đau đầu với hóa đơn chất chồng
Những khoản nợ thuế, nợ hóa đơn bảo hiểm đã tiết lộ khía cạnh không ngờ đến của những người nổi tiếng với phong trào "khoe của".
"Flex" là một từ tiếng lóng thường mang nghĩa chỉ hành vi thể hiện, khoe khoang vật chất và thành tựu của bản thân. Với mức độ phủ sóng rộng rãi của các nền tảng mạng xã hội, các nội dung liên quan đến việc “flex” quần áo hàng hiệu, đồng hồ cao cấp, xe hơi hạng sang hay lối sống xa hoa đang dần trở lên phổ biến.
Tuy nhiên, những con số mới được cơ quan bảo hiểm và thuế tại Hàn Quốc đưa ra đã hoàn toàn bóc trần sự thật về một số người được coi là tiên phong xu hướng "flex" tại nước này.
Nghệ sĩ gây choáng với cuộc sống giàu có lại mắc nợ thuế và bảo hiểm
Theo Korea Herald, vừa qua, Cơ quan điều hành bảo hiểm y tế quốc gia Hàn Quốc đã công bố danh sách những người nợ khoản phí bảo hiểm vượt quá 10 triệu won (khoảng 184 triệu đồng). Chuyện không có gì đáng bàn luận nếu như trong danh sách này không xuất hiện tên của một rapper đình đám, nổi tiếng với lối sống giàu sang.
Đáng chú ý, chỉ một tháng trước, Dịch vụ Thuế Quốc gia tại Hàn Quốc cũng đã công khai số nợ thuế quá hạn tới 320 triệu won (khoảng 5,9 tỷ đồng) của chính nghệ sĩ kể trên.
Trường hợp của rapper này đã dấy lên một loạt những tranh cãi xung quanh việc những người nổi tiếng và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội kiếm được danh tiếng bằng cách "flexing" nhưng sự thật lại nợ nần với những hóa đơn chất đống.
Sức ảnh hưởng của hip-hop và xu hướng "flex"
Khoảng 10 năm trở lại đây, văn hóa hip-hop tại Hàn Quốc đã và đang ngày càng lan rộng và có sự ảnh hưởng lớn đến giới trẻ nước này cũng như tại các quốc gia khác trong khu vực. Chính điều này đã khiến cho các rapper xuất hiện trên truyền hình trở thành hình mẫu của nhiều thanh niên.
Rapper luôn check-in sang chảnh với xe sang đắt đỏ
Là một người nổi tiếng với văn hóa chi tiêu xa hoa, trước đây, nam rapper kể trên đã từng nhiều lần gây choáng khi tiết lộ trên TV rằng anh sở hữu vô số đồng hồ đắt tiền, xe sang và thậm chí còn từng rải những tờ 10.000 won (khoảng 185.000 đồng) cho người hâm mộ trong một buổi biểu diễn.
Sự phổ biến của xu hướng "flex" ngày càng trở nên phổ biến khi không ít các rapper trẻ khác như Giriboy và Yumdda, cặp đôi từng phát hành một bài hát có tên "flex" vào năm 2018, cũng dần thu hút sự chú ý bởi lối sống đắt tiền, sang trọng của mình khi Yumdda từng đăng tải video tiêu sạch 40 triệu won (khoảng 738 triệu đồng) chỉ trong một ngày và nhận được nhiều sự quan tâm từ người hâm mộ trẻ tuổi.
Những bức ảnh khoe giàu đã không còn quá xa lạ trên các nên tảng mạng xã hội
Mặt trái ít hào nhoáng hơn của "flex"
Xu hướng "flex" đã nổi lên như một hiện tượng văn hóa xã hội, không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở các đất nước khác.
Những người nổi tiếng, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và thậm chí cả những người bình thường đều đang thu hút được lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội bằng cách khoe những bộ quần áo hàng hiệu, những ngôi nhà đắt tiền và những kỳ nghỉ sang trọng ở nước ngoài,...
Những người bình thường cũng thu hút sự chú ý nếu biết "flex"
Một cuộc khảo sát năm 2022 của thương hiệu đồng phục trên 783 học sinh cấp hai và cấp ba cho thấy khoảng 46% trong số những học sinh này đã mua các sản phẩm có thương hiệu, với nguyên nhân chính là họ "thấy những người nổi tiếng sử dụng nó" và "không muốn bị thua kém bạn bè."
Nhưng phía sau cuộc sống xa hoa khiến nhiều người "chỉ biết ước" này, là những hiện thực hoàn toàn trái ngược với những gì được thể hiện trên mạng xã hội.
"Flex" trên mạng nhưng lại đau đầu với những hóa đơn dài dằng dặc ngoài đời thật
Xuất hiện trên truyền hình, rapper Hàn Quốc có nghệ danh Sleepy chia sẻ anh cảm thấy áp lực khi phải chạy theo xu hướng "flex" bất chấp những hạn chế về tài chính của mình. Theo đó, trong ngôi nhà thuê của nam rapper này xuất hiện đầy các hóa đơn chưa thanh toán. Bên cạnh đó là chiếc xe sang được một người bạn tặng và chiếc đồng hồ đắt tiền đã ngừng hoạt động từ lâu. Anh thậm chí còn tiết lộ rằng trong tài khoản của mình chỉ còn vỏn vẹn 70.000 won (khoảng 1,2 triệu đồng).
"Khi đó, các rapper đều 'flex'. Tôi cảm thấy áp lực khi phải đăng tải hình ảnh những món đồ đắt tiền lên mạng xã hội," - Sleepy nói.
Sau đó, rapper này còn cho biết thêm rằng hiện anh đã thay đổi cách sống của mình, ngừng mua hàng hiệu và làm việc bán thời gian để tiết kiệm thêm tiền.
Song Ji-Ah liên tục dính phốt sài hàng fake
Năm ngoái, YouTuber Song Ji-ah, người nổi tiếng sau khi tham gia chương trình Địa Ngục Độc Thân và sở hữu hơn 2 triệu người đăng ký trên YouTube cũng đã vướng vào một cuộc tranh cãi lớn.
Vào thời điểm đó, cư dân mạng phát hiện ra rằng nhiều quần áo và phụ kiện mang logo của các nhãn hiệu cao cấp mà cô mặc trong chương trình cũng như video được cô đăng tải hóa ra đều là hàng nhái. Sự việc này khiến nữ YouTuber phải đăng bài công khai xin lỗi và ở ẩn một khoảng thời gian dài sau đó.
Lim Myung-ho, giáo sư tâm lý học và tâm lý trị liệu tại Đại học Dankook, cho biết việc theo dõi cuộc sống giàu có, sang chảnh trên mạng xã hội mang lại cho người xem trải nghiệm gián tiếp.
"Nhiều người có mong muốn trở nên giàu có và việc xem những video này là một cách để đánh lừa bản thân rằng họ cũng đang tận hưởng phong cách sống đó."- ông phân tích.
Nguồn: Korea Herald