Mặt tối của tấm huy chương
(Thethaovanhoa.vn) - Làng thể thao đang xôn xao trước hai sự vụ có thể không liên quan song suy cho cùng lại có chung một gốc, cựu tuyển thủ bóng đá quốc gia Phan Thanh Bình chia tay vợ và cựu võ sĩ karatedo từng đoạt HCB SEA Games Đoàn Đình Lân lần thứ hai phạm pháp.
- Cựu tuyển thủ Phan Thanh Bình: 'Công Phượng khác Văn Quyến'
- Sân Mỹ Đình, Nhật Bản và ký ức Phan Thanh Bình
“Sao hụt” Phan Thanh Bình
Cuộc chia tay với người vợ Thảo Trang sau 6 năm gắn bó không chỉ là một nỗi đau cá nhân thường tình mà còn giống như một cuộc sụp đổ tới tận cùng của một tài năng trẻ đặc biệt một thời Phan Thanh Bình. Phần nào đó, nó đánh dấu thất bại của cả một quá trình… vươn tới một ngôi sao, gắn với sự nửa vời cùng những thiếu hụt cơ bản về năng lực, điều kiện từ chính cầu thủ quê Đồng Tháp.
Sau SEA Games 2003, đặc biệt với bàn thắng quyết định trong trận bán kết trước Malaysia, Thanh Bình nổi lên như một gương mặt triển vọng bậc nhất của bóng đá Việt Nam. Giới chuyên môn kỳ vọng anh sẽ vươn tới đẳng cấp hàng đầu, còn bản thân Bình có lẽ cũng nghĩ không có gì mình không làm được. Thế nhưng, cho đến tận bây giờ, anh vẫn chỉ… mãi mãi tuổi “sao mai” ở tầm mức của một tiền đạo loại khá, với một hành trình du mục trầy trật qua rất nhiều đội bóng. Thậm chí, hiện tại, Bình đang ngụp lặn ở mãi ở Tây Nguyên với một đội bóng hạng dưới.
Phan Thanh Bình và vợ thuở còn mặn nồng. Ảnh: NV
Cũng kể từ khi Bình nên duyên với cô gái xinh đẹp, duyên dáng và đảm đang Thảo Trang đúng ở thời đỉnh cao nhất của riêng mình, ai cũng tưởng họ sẽ sớm vươn tới một mẫu hình của một cặp Beck – Vic ở làng túc cầu Việt. Và ở đây, một lần nữa cầu thủ xứ Tháp mười lại có sự ngộ nhận đến mức ảo tưởng để rồi vỡ mộng hoàn toàn. Dù có chủ động và nỗ lực tới cùng để lấn sân vào showbiz, từ tham gia quảng bá thương hiệu, góp mặt ở các sự kiện lớn cho đến đóng phim, Bình đều luôn phơi bày một diện mạo khá thảm hại, mà chung quy không phù hợp một chút nào.
Trường hợp “sao hụt” của Phan Thanh Bình thực ra hoàn toàn dễ hiểu, và chỉ bất ngờ với chính anh. Rõ ràng Bình chưa hề hội đủ các yếu tố cần thiết của một “sao” ngay ở lĩnh vực hẹp bóng đá, chứ chưa nói đến tầm mức rộng hơn liên quan đến showbiz hay xã hội.
Võ sư “nhà nòi” và 2 lần trượt
Công an quận Cầu Giấy vừa có quyết định khởi tố đối với võ sư Đoàn Đình Lân, cựu tuyển thủ quốc gia karatedo từng đoạt HCB SEA Games 2001, hiện đang là chủ đầu tư kiêm thầy dạy chính của một CLB võ thuật đang lên trên đất Hà Thanh. Theo kết quả điều tra, qua mạng xã hội, Lân đã làm quen với một nữ sinh quê Sơn La 19 tuổi đang trọ học tại Hà Nội rồi mời cô làm người mẫu ảnh. Vào chiều 20/11 khi hai người gặp nhau để chụp ảnh mẫu, Lân đã đưa nữ sinh tới một địa điểm ở khu đô thị trên địa bàn Cầu Giấy. Tại đây, Lân đã dùng vũ lực để khống chế, hiếp dâm nạn nhân, bất chấp những lời van xin và sự chống trả quyết liệt. Lân đã thực hiện hành vi thú tính 2 lần, và còn dùng điện thoại ghi lại nhằm làm công cụ khống chế nạn nhân về sau.
Đoàn Đình Lân, cựu tuyển thủ karatedo quốc gia
Khi ấy cả làng karateodo Việt bị sốc vì không thể lý giải nổi tại sao võ sư 39 tuổi con nhà “nòi” với người bố nổi tiếng Đoàn Đình Long, lại có thể có hành vi đồi bại đến vậy. Càng bi hài hơn bởi theo lý giải của Lân, khi đã ở trong trại tạm giam, bản thân cũng chẳng hiểu tại sao. Lân còn ngụy biện rằng đó chỉ là sai lầm tệ hại của một phút giây đánh mất mình vì… say rượu.
Tuy nhiên, xâu chuỗi lại cả quá trình, việc Lân phạm tội và phải trả giá đắt lần này không có gì để chia sẻ hay nuối tiếc. Đây đã là lần thứ 2 cựu tuyển thủ quốc gia nay phạm pháp. Lân từng có một tiền án tội cướp giật tài sản cách đây 10 năm, phải lĩnh án tù 3 năm. Như thừa nhận của Lân khi ấy, Lân đã cướp giật không phải vì thiếu tiền mà đơn giản là lòng tham cùng thói quen tiêu pha như phá. Lân chắc chắn sẽ phải nhận một án phạt nặng cho lần tái phạm này, mà hậu quả sẽ giáng cả xuống đầu người cha có trái tim đau, cùng người vợ và đứa con nhỏ.
Lổ hỗng lớn của một nền thể thao
Không chỉ Phan Thanh Bình mà còn có thể thấy hàng loạt các “sao” nửa vời ở bóng đá cũng như các môn khác của TTVN. Họ có thể có tài năng chuyên môn, thậm chí đặc biệt, có khát vọng và niềm tin vươn cao và vươn xa, song hầu hết đều bất thành. Cả làng thể thao có lẽ chỉ tìm thấy được mẫu hình toàn diện, chuyên nghiệp của tiền đạo nổi tiếng Lê Công Vinh, siêu kình ngư Ánh Viên, nhà vô địch thế giới cờ vua Lê Quang Liêm, hay hảo thủ cầu lông Nguyễn Tiến Minh.
Còn lại toàn là những “điển hình” sớm rơi vào tình cảnh hãm tài, tự đánh mất phong độ, nghiệp đấu ngay trên đỉnh cao hay chỉ mãi bó buộc trong một góc thuần túy quá hẹp. Đơn cử nhà Á quân Olympic 2008 môn cử tạ Hoàng Anh Tuấn thay vì trở thành một “thương hiệu” quốc gia đã liên tiếp gây ra những thảm họa, rõ nhất như sự cố doping không thể tin nổi ngay trước thềm ASIAD 2010. Anh đã tự phá hỏng sự nghiệp lớn của mình cũng bởi vốn sống, kỹ năng sống gần như không có gì, mà hoàn toàn suy nghĩ và hành động theo bản năng.
Nhóm cầu thủ V.Ninh Bình phải ra tòa vì cá độ và dàn xếp tỷ số. Ảnh: V.S.I
Võ sư Đoàn Đình Lân đã phạm pháp tới 2 lần. Và trước lần có tới cả một bản danh sách vài chục người đã từng dính vòng lao lý vì đủ các tội đanh: giết người, cướp của, hiếp dâm, đánh lộn. Cựu HLV ĐTQG taekwondo Nguyễn Văn Vạn phải nhận án tử hình vì chủ mưu một vụ giết người, cố tình gây thương tích.
Cựu Á quân trẻ môn wushu châu Á Trần Xuân Ánh vẫn đang trốn truy nã quốc tế do trực tiếp tham gia vào vụ ẩu đả, bắn người dẫn đến tử vong hồi 2009, thời điểm Ánh vừa ra tù sau án hiếp dâm. Hiện tại kiện tướng môn vật Nguyễn Thị Quy đang phải ăn ăn hối hận trong tù để chờ ngày làm lại cuộc đời vì liên quan vào một vụ hiếp dâm và tổ chức hiếp dâm…
Và ở đây, việc Phan Thanh Bình đánh mất hạnh phúc hay Đoàn Đình Lân phạm pháp tưởng như không liên quan suy cho cùng đều có chung một “gốc”. Đó là một lỗ hổng lớn từ nền tảng của cả một nền thể thao đang phát triển “nóng” khi chỉ quan tâm, tập trung tối đa cho việc nâng cao và giành thành tích, mà bỏ qua việc đào tạo văn hóa, vốn sống, kỹ năng sống. Việc đào tạo thực tế vẫn có song hoàn toàn chỉ mang tính hình thức, đối phó, được chăng hay chớ.
Dù qua năm này qua năm khác, mảng trọng yếu đối với sự nghiệp, tương lai của VĐV đều được gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh, nhất là qua những điển hình như Đoàn Đình Lân, song đâu lại vào đấy. Rất khó có thể mong gì ở ngành thể thao, bởi ngay một nhà vô địch thế giới Thạch Kim Tuấn, giờ đã 21 tuổi mà chỉ mới đang học… lớp 8, và quanh năm chỉ biết đến tập và đấu, đấu lại tập.
Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần