'Mặt nạ máu': Từ tự truyện của Tinna Tình đến phim có gì lạ?
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu nhìn Mặt nạ máu như là một tác phẩm được chuyển thể từ tự truyện Mặt nạ - Treo gương trong phòng ngủ của Tinna Tình, thì rõ ràng đôi bên có sự khác nhau. Nhưng giả như cả đôi bên không nói ra, thì tự thân phim Mặt nạ máu nói được điều gì và vai bà Thu do Tinna Tình đảm trách có bị quá què quặt do cắt xén?
- Nhà sản xuất 'Mặt nạ máu' tuyên bố sẽ khởi kiện Tinna Tình
- VIDEO: Nghe Tinna Tình nghẹn ngào 'kể tội' phim ‘Mặt nạ máu’ trên Facebook
Sự khác biệt giữa truyện và phim
Theo Đỗ Thành An, kịch bản phim được ấp ủ từ mấy năm trước, được sửa đi sửa lại khoảng 20 lần trước khi bấm máy. “Tôi và Tinna Tình đã cùng nhau viết kịch bản cũ đầu tiên, sau đó tôi gửi mời một số nhà sản xuất đầu tư nhưng họ không đồng ý vì yếu tố kinh dị và ma quái quá nặng nên những nhà sản xuất ngại khâu kiểm duyệt. Cho đến khi tôi gặp anh Phạm Việt Anh Khoa, anh ấy đã đồng ý với ý tưởng kịch bản, nhưng phải chỉnh sửa lại câu chuyện cho hay hơn, yếu tố kinh dị và ma quái giảm xuống đến mức an toàn về kiểm duyệt” - Đỗ Thành An cho biết.
Do chỉnh sửa, nên có mấy điểm khác biệt lớn giữa tự truyện và phim. Nếu trong tự truyện Tinna Tình tiết lộ khá nhiều chuyện xấu trong giới giải trí, showbiz mà cô tham gia, từ chuyện yêu đại gia, làm vợ lẽ, chơi bùa ngải… cho tới các thủ đoạn hãm hại, vùi dập nhau. Trên phim chỉ còn lại khía cạnh làm vợ lẽ và bị trả thù.
Thứ hai, nếu trong tự truyện đưa ra nhiều yếu tố có tính chất huyền bí như bùa ngải, khó giải thích bằng lý lẽ thông thường, thì trong phim, dù chất kinh dị vẫn tràn ngập, nhưng tất cả đều do người giả ma quái mà thôi. Khía cạnh bùa ngải, sự cạnh tranh tiếng tăm, cơ hội thành danh… đã không có.
Thứ ba, điều quan trọng nhất, đó là trong tự truyện Tinna Tình cho thấy mình là một người phụ nữ dám yêu, dám sống độc lập. Chính vì vậy mà không bị lệ thuộc vào danh tiếng, đồng tiền cũng như không cần yêu và sống với đại gia. Phim thì xoay câu chuyện sang hướng khác, nơi các nhân vật nữ bị cuốn vào âm mưu trả thù của một người đàn ông mất vợ. Trong phim, cá tính riêng và sự độc lập của người phụ nữ bị mờ nhạt.
Trong quá trình chuyển thể, dàn dựng, hoàn chỉnh, phim hoàn toàn được phép làm khác, làm mới câu chuyện gốc. Vấn đề ở đây là cam kết, thỏa thuận trong hợp đồng như thế nào mà thôi.
Nếu không “cãi nhau” đã chẳng có chuyện gì
Nếu Tinna Tình không đăng đàn phàn nàn về chuyện “vai chính của cô bị cắt xén đến 90% thời lượng để thành một vai phụ” và đạo diễn không khẳng định rằng “phim đã làm giống 95% như kịch bản đưa vào sản xuất”. Chuyện gì sẽ xảy ra với khán giả?
Chắc sẽ không có chuyện gì cả. Dù bản dựng của nhà sản xuất không được tốt vì thiếu sự mượt mà, chuyên nghiệp, nhưng nhờ quay phim và mạch chuyện gốc rõ ràng, dễ hiểu nên người xem không thể hiểu lầm.
Vai bà Thu của Tinna Tình dù xuất hiện không nhiều, giống như một vai phụ, nhưng đúng là một móc xích quan trọng của câu chuyện. Diễn xuất của Tinna Tình không hề tệ như lời thị phi này kia, chứng tỏ cô vẫn giữ được phong độ có được từ phim Mất xác.
Thủ pháp của Mặt nạ máu khá quen thuộc, đó là dồn các nhân vật chính về một địa điểm với nhiều tình huống kinh dị, gây cấn. Phim còn là sự pha trộn giữa yếu tố kinh dị và yếu tố hài, không phải lúc nào cũng hiệu quả nhưng nhìn chung đã đạt được mục đích đề ra.
Cũng xin nói thêm, Mặt nạ máu phát hành đúng ngay giai đoạn có nhiều bom tấn quốc tế ra rạp, lại gặp lời khẳng định như “đinh đóng cột” của Tinna Tình: “phim thảm họa” nên chưa thật đông người xem. Nhưng nếu khán giả chỉ muốn tìm một phim Việt để giải trí, rùng rợn có mà hài hước nhẹ nhàng cũng có, thì phim này là một chọn lựa không đến nỗi nào.
Phim còn có sự tham gia diễn xuất của danh hài Hoài Linh, Dương Cẩm Lynh, Tấn Beo, Thu Trang, Khởi My, Nguyễn Phi Hùng…
Như Hà
Thể thao & Văn hóa