Mất kiểm soát cảm xúc: Từ Will Smith đến liên tiếp các vụ án nghiêm trọng trong tuần
(Thethaovanhoa.vn) - Từ cái tát của Will Smith và nhiều vụ án nghiêm trọng vừa xảy ra do mất kiểm soát cảm xúc, mục "Điểm tuần" (VTV) đưa ra bình luận và góc nhìn với chủ đề "trí tuệ xúc cảm".
Cái tát khiến Will Smith đối diện nhiều rắc rối
Năm 2001, tài tử Will Smith - với vai võ sĩ quyền anh Muhammad Ali - đã lỡ hẹn đáng tiếc với giải Oscar. 21 năm sau, Oscar đã về tay Will trong vai diễn mới ở môn quần vợt. Nhưng điều khiến cả thế giới bàng hoàng và nhắc đến suốt tuần qua lại là hành động khi Will biến sân khấu thành võ đài.
Câu đùa kém duyên của MC Chris Rock về vợ của Will là nguồn cơn của cú tát. Nhưng sau đó Will cũng hiểu hành vi của mình đã đi quá giới hạn, vì thế lúc nhận giải, anh đã xin lỗi Viện Hàn lâm trước cả lời cảm ơn. Còn về phía Chris Rock, bài học anh đem lại cho những người dẫn chương trình, đó là "vạ miệng" là điều mà mọi người dẫn sợ nhất. Có thể do suy nghĩ chưa chuẩn mực, cũng có thể đơn giản là não bộ chưa kịp xử lý chính xác ngôn từ.
Dù MC Chris Rock có vạ miệng thế nào thì hành động của Will Smith vẫn nhận về chê trách, bởi phải bất lực lắm mới cần dùng đến bạo lực. Trong khi nhìn lại chuỗi phản ứng của Will, mọi người đều thấy chỉ cần việc hét lên để bảo vệ vợ mình trước một câu nói đùa, đã đủ hiệu quả không kém một cái tát.
Will Smith hiện giờ đối diện với nhiều rắc rối hơn anh tưởng. Ngoài việc bị chỉ trích bởi các đồng nghiệp và báo giới Mỹ, Viện Hàn lâm Điện ảnh cũng xem xét mức kỷ luật với nam tài tử. Thậm chí cảnh sát cũng tuyên bố sẵn sàng vào cuộc nếu Chris Rock nộp đơn kiện.
Chính Will Smith trong dòng xin lỗi đăng lên trang cá nhân cũng thừa nhận: "Bạo lực dưới mọi hình thức đều độc hại và có tính hủy diệt. Hành vi của tôi tại Lễ trao giải Oscar là không thể chấp nhận và bào chữa được".
Từ câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng khi không kiểm chế được cảm xúc thì hành vi của chúng ta rất dễ mất kiểm soát. Đây cũng là lời lý giải chung cho một loạt các vụ án gây sốc trong tuần vừa qua.
Các vụ án nghiêm trọng xảy ra trong tuần do mất kiểm soát cảm xúc
Một tuần với nhiều vụ việc thương tâm xảy ra đều có nguyên nhân từ những mâu thuẫn trong tình cảm cá nhân. Ngày 25/3, chỉ vì mâu thuẫn với người tình, đối tượng Phạm Văn Dũng ở Ninh Bình đã ra tay sát hại rồi phân xác người tình để phi tang.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, một nam thanh niên sinh năm 1996 tìm đến nhà người yêu để nói chuyện. Do không gặp được, cơn giận bùng lên, thanh niên này đã tưới 18 lít dầu ra nhà và châm lửa đốt.
Sự việc đau lòng hơn xảy ngày 25/3 vừa qua, chỉ vì mẫu thuẫn với người yêu, một đối tượng ở Quảng Ngãi đã tìm đến và cắt gân con trai người yêu, khiến cháu bé tổn hại sức khỏe 35%.
Tối ngày 30/3 tại Hà Nội, do bạn gái không nghe điện thoại nên đối tượng Lê Xuân Dân nảy sinh ghen tuông và quyết định mua xăng về dọa đốt nhà cùng con gái 7 tuổi để gây sức ép.
Không chỉ là lời dọa dẫm, chiều 31/3, một phụ nữ đã phóng hỏa khiến 6 người thương vong. Tại cơ quan công an, nghi phạm khai nhận đã mua xăng đến đốt xe máy của người nhà gia đình người yêu để trả thù, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, người phụ nữ này đã đập phá máy tính, điện thoại của người yêu vì ghen tuông.
Sự cần thiết của chỉ số trí tuệ cảm xúc
Hành động dựa trên cảm xúc thì rất dễ - bạn cảm nhận, bạn làm - giống như gãi ngứa vậy, một sự thỏa mãn nhanh chóng, nhưng chỉ vài giây sau thì bạn nhận ra nó thật đau và rát. Cảm xúc vì thế không phải lúc nào cũng đưa chúng ta đến việc làm đúng đắn.
Khoa học đưa ra một chỉ số gọi "trí tuệ xúc cảm", viết tắt là EI, hay thường được gọi là EQ. Chỉ số này mô tả khả năng tự nhận thức để điều tiết được cảm xúc của mỗi người. Với nhiều đơn vị tuyển dụng hiện nay, chỉ số EI của ứng viên thậm chí còn quan trọng hơn cả chỉ số thông minh IQ. Thậm chí, Gorman - một tiến sĩ tâm lý học ở Đại học Harvard còn cho rằng: 80% thành công của một con người là nhờ vào trí tuệ xúc cảm, chỉ 20% dựa vào chỉ số thông minh.
Nếu bạn còn nghi ngờ về sự cần thiết của chỉ số này thì có một ví dụ kinh điển, thường được dạy ở các trường quốc tế. Đó là vào ngày 13/4/1970, khi tàu Apollo 13 mang theo 3 phi hành gia đang ở gần mặt trăng, một vụ nổ ở bể chứa oxy đã khiến cho con tàu phải lập tức quay trở lại trái đất. Nhưng vấn đề là nguồn cung năng lượng của tàu đã bị hư hỏng. Khoang chứa các phi hành gia chỉ đủ trang bị để cho 2 người sống sót trong 2 ngày, mà lúc này có tận 3 người và cần duy trì sự sống trong 4 ngày. Nếu càng lo sợ, lượng C02 thở ra sẽ càng rút ngắn khả năng sinh tồn. Một loạt các biện pháp tức thời sau đó đã được thực hiện và Apollo 13 đã sống sót một cách thần kỳ. Điểm mấu chốt không nằm ở các phương pháp kỹ thuật, mà chính là trí tuệ xúc cảm của chỉ huy James Lovell. Ông đã giúp cho bản thân và 2 người đồng đội của mình không rơi vào hoảng loạn, từ đó mới nghĩ ra được cách để tìm ra đường sống trong cái chết.
Để kiểm soát cảm xúc không đơn giản, nhưng khác với chỉ số thông minh, nó lại là thứ dễ học tập hơn và có thể rèn luyện trong chính những sinh hoạt hàng ngày. Đơn giản nhất là cứ nhớ câu nói của Shakespeare: "Chẳng có gì là xấu hay tốt, nhưng suy nghĩ khiến nó trở thành như vậy". Tuy nhiên, công bằng mà nói, thời của Shakespeare không có mạng xã hội, trong khi đây lại là nhân tố ảnh hưởng rất nhiều trí tuệ xúc cảm, nhất là ở người trẻ. Nếu chỉ cứ loanh quanh ngồi gõ bàn phím hay bấm điện thoại để giao tiếp từ xa với nhau thì người ta không mấy để ý đến cảm xúc của đối phương, cũng như kiểm soát cảm xúc của mình. Nhiều người vì thế cứ thoải mái văng ra mọi thứ mà người ta thích, dần trở thành một thói quen hạ thấp chỉ số EQ của mình.
- Will Smith xin lỗi Chris Rock sau cú tát ‘trời giáng’ tại giải Oscar 2022
- Yêu vợ tới mức này, bảo sao Will Smith lại 'đi đường quyền' với Chris Rock ở Oscar
- Will Smith 'đi đường quyền' với diễn viên hài Chris Rock: Từ tuổi thơ khắc nghiệt
Mất kiểm soát cảm xúc trên mạng xã hội
Chửi thề khi bình luận trò chơi, chửi bới khi livestream bán hàng, người nổi tiếng cũng phát ngôn tục tĩu gây thù ghét... là những chuyện không hiếm trên trên mạng xã hội. Trở thành nô lệ của cảm xúc là cách dễ nhất để tự hủy hoại bản thân, dễ biến chuyện bé thành chuyện to, biến một chút buồn thành bi ai, sầu khổ.
Để rèn luyện trí tuệ xúc cảm, một trong những vai trò lớn nhất nằm ở cuộc sống gia đình - đó chính là trường học đầu tiên của chúng ta về cảm xúc. Cha mẹ có EQ cao thì những đứa con cũng có EQ cao, đừng bỏ rơi cảm xúc của trẻ để chúng đi nhầm đường, để chúng ta phải ân hận.
Với mỗi người có nhiều phương pháp khác nhau để nâng cao trí tuệ xúc cảm của mình. Câu chuyện của Đức Bảo - cậu thiếu niên 16 tuổi vừa phải trải qua nỗi đau mất cha mẹ vì COVID-19, phải trở thành trụ cột gia đình, chăm sóc anh hai mắc hội chứng Down - cho thấy một thói quen giúp Bảo giải tỏa và cân bằng cảm xúc của mình là âm nhạc.
Theo VTV