Mason Mount mặc chiếc áo số 7 ở Man United, trên con đường trở thành biểu tượng mới
Chiếc áo số 7 là biểu tượng của Manchester United nhưng không phải ai sở hữu số áo này cũng có thể trở thành một huyền thoại của đội bóng.
Erik ten Hag muốn làm điều gì đó uy quyền giống như Alex Ferguson khi đích thân trao cho Mason Mount chiếc áo số 7, hành động này không phải là đặc tính "di truyền" mà biểu hiện cho thông điệp: Tôi làm chủ và cậu sẽ trở thành biểu tượng.
Lịch sử của Old Trafford
Chiến lược gia người Hà Lan đã có những thảo luận trước khi Mason Mount tới Old Trafford, như để minh họa mức độ mong muốn của ông và tầm quan trọng của vai trò tiềm năng của Mount ở đội bóng.
Số 7 có một lịch sử và thường đưa đến hai kết quả: Hoặc thành công hoặc thất bại và thước đo là danh hiệu. Mason Mount có 5 năm để chứng minh giá trị và đóng góp của anh cho số 7 nói riêng và Manchester United nói chung. Nhưng cũng có thể chỉ sau một khoảng thời gian ngắn ngủi, cả thế giới sẽ biết được anh có xứng đáng hay không.
Những giá trị tham khảo: George Best, Robson, Cantona, Beckham và rực rỡ nhất là Ronaldo. Những thất bại đối chứng: Antonio Valencia, Micheal Owen, Di Maria, Memphis Depay và Alexis Sanchez, phần nào đó là Cavani.
Và hiển nhiên, Mason Mount trở thành một điều gì đó vừa tò mò, vừa chờ đợi nhưng cũng đầy hoài nghi. Có hai yếu tố cốt lõi để chiếc áo số 7 của Mason Mount có cơ hội thăng hoa trở lại, đó là khả năng thành công của Man United trong những năm tới và năng lực của tiền vệ 24 tuổi đóng góp cho thành công đấy đến đâu.
Xét theo khía cạnh đầu tiên, đó là điều không thể dự báo và mang tính bí ẩn, vì vậy, xét theo góc độ cá nhân Mason Mount, chúng ta sẽ lấy những chỉ số gần nhất trong màu áo Chelsea mùa trước để tham khảo, dù nó có thể không phải tham chiếu đại diện cho tiềm năng của Mason Mount ở Man United.
Điểm đầu tiên để Chelsea cân nhắc là họ sẽ không thua nhiều như vậy dựa trên phong độ thi đấu của Mason Mount ở mùa giải trước mùa. Và thực tế là sự sụt giảm của Mount rất đáng chú ý: Anh chỉ ghi được 3 bàn thắng và 2 pha kiến tạo trong các trận đấu ở Premier League so với 11 và 10 ở mùa giải trước.
Dưới sự dẫn dắt của Tuchel, Potter và Lampard, tiền vệ 24 tuổi tạo ra 1,6 cơ hội mỗi 90 phút thi đấu, so với 2,2 cơ hội ở mùa trước. Trung bình anh chỉ có 1,8 cú sút mỗi trận so với 2,9 trong mùa giải 2021-22.
Nhìn vào những lần chạm bóng của anh cũng cho thấy một mùa giải kém cỏi. Ở vòng cấm địa của đối thủ, số lần chạm bóng của Mount trong một trận từ 1,3 giảm xuống còn 0,1 lần chạm. Ở 1/3 sân của đối phương, bên cánh trái từ 5,8 lần chạm xuống còn 1,3 lần chạm, bên cánh phải từ 3,1 xuống dưới 0,9 mỗi trận, ở trung lộ từ 3,3 xuống còn 0,2.
Giải thích cho việc Mason Mount ít chạm bóng bên cánh phải nhiều chỉ đơn giản là anh hầu như chỉ chơi bên cánh trái trong mùa giải này. Tuy nhiên, sự sụt giảm về số lần chạm bóng của anh ở bên phải không được bù đắp bằng sự gia tăng tương đương ở bên cánh trái. Hơn nữa, số lần chạm bóng trên 90 phút của anh ở 1/3 cuối sân nhìn chung thấp hơn đáng kể.
Sự chờ đợi ở Old Trafford
Tuy nhiên, thi đấu trong một đội bóng kém cỏi và thay tới 3 HLV trong một mùa giải là lý do chính khiến Mason Mount có một mùa giải tệ hại như vậy. Và nó không đi đến kết luận rằng ngôi sao 24 tuổi sẽ thất bại tương tự ở Old Trafford.
Để tìm hiểu những gì anh có thể mang lại cho Man United (chưa xét đến hệ thống chiến thuật, lựa chọn không gian chơi bóng cho số 7 của Erik ten Hag) cần phải xem cách anh chơi bóng và những con số ấn tượng của Mount trong hai mùa giải trước đó.
Mặc dù Frank Lampard là người trao cơ hội đầu tiên cho Mount ở Chelsea, nhưng chính dưới thời Tuchel, anh mới thực sự bắt đầu cho thấy mình có thể làm được những gì. Là một số 10 hẹp trong sơ đồ 3-4-2-1 của Tuchel, Mount được yêu cầu dâng cao hơn, tăng khả năng tấn công trong vòng cấm đối phương, và anh đã thích ứng một cách ấn tượng.
Xuyên suốt các năm 2020-21 và 2021-22 – hai mùa giải bao gồm sáu tháng cuối cùng dưới triều đại của Lampard và 18 tháng đầu tiên dưới triều đại của Tuchel – Mount là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất Premier League, đồng thời là cầu thủ quan trọng nhất của Chelsea. Giai đoạn đó cũng bao gồm chức vô địch Champions League của Chelsea, khi Mount lập công trong chiến thắng 1-0 trước Manchester City.
Mount xếp thứ năm tại Premier League trong hai mùa giải đó về số cơ hội tạo ra (145), chỉ sau Kevin De Bruyne, Bruno Fernandes, Trent Alexander-Arnold và Son Heung Min. Anh đứng thứ tám về tổng số pha kiến tạo (15) nhưng xếp thứ tư về số pha kiến tạo dự kiến (13,8), cho thấy rằng tổng số pha kiến tạo của những người khác đã tăng lên nhờ khả năng dứt điểm tốt theo cách mà Mount thì không.
Mount là một phần không thể thiếu trong thành công của Chelsea. Anh là một mắt xích quan trọng trong lối chơi pressing tầm cao của The Blues: Anh xếp thứ 21 trong giải đấu về tỉ lệ giành lại bóng ở hàng công (40), nhiều hơn 10 lần so với bất kỳ cầu thủ Chelsea nào khác. Mount được chờ đợi làm điều đó ở Manchester United hoặc nhiều hơn nữa.
Tại Manchester United, số 7 có rất nhiều câu chuyện để kể cả vinh quang lẫn thất bại, mang tới những kỳ vọng và cả sự tuyệt vọng. Nhưng dù muốn hay không Mason Mount cũng phải bắt đầu câu chuyện của mình với số áo nặng gánh nhưng vinh quang này.