Marko Nikolic: Mong một cái Tết Việt trọn vẹn ở quê
(Thethaovanhoa.vn) - Hiếm có một người ngoại quốc nào lại có nhiều thời gian gắn bó và dành tình yêu đặc biệt cho Việt Nam như Marko Nikolic, nhà văn người Serbia. Sống và làm việc tại Hà Nội từ năm 2014 với công việc dạy tiếng Anh, mỗi cái Tết trôi qua lại để lại trong tác giả Phố Nhà Thờ nhiều trải nghiệm khác biệt.
Trải nghiệm với phong tục Tết Việt cho Marko Nikolic thêm nhiều chất liệu sống để viết. Anh từng ăn bánh chưng, một món mà theo anh rất khó ăn với người nước ngoài, anh cũng từng đi mua đào, quất để chuẩn bị cho Tết,… Trong ký ức về Tết Việt, Marko rất nhớ những bữa cơm quây quần cùng gia đình một người bạn ở Việt Nam. Ở đó, anh được sống trong lòng không gian Tết Việt, được trải nghiệm những phong tục đón Tết, ăn Tết mà theo anh rất thú vị.
Tết… cô đơn và những chuyến “phượt”
Nhưng Tết Việt cũng khiến Marko thấy cô đơn. “Tết là dịp người Việt Nam trở về quây quần với gia đình mình, trong khi tôi lại không có gia đình ở cạnh”. Như một cách để vơi bớt cô đơn, mỗi lần Tết đến, Marko lại đi phượt đến những vùng đất ở Việt Nam. Anh đã từng ăn Tết cùng người dân tộc Thái với những điệu múa mừng năm mới rộn ràng khác hẳn với Tết của người Kinh mà anh đã trải nghiệm khi sống và làm việc tại Hà Nội.
Là người ưa khám phá, yêu thích những vùng đất mới, Marko đã đến hơn 70 quốc gia trên thế giới, mỗi vùng đất lại mang đến cho anh nhiều điều mới mẻ. Hơn ai hết, Marko hiểu rõ về sự khác biệt giữa Tết Việt Nam với cách đón năm mới ở nhiều nước. Theo anh, có nhiều điều khác biệt giữa Tết Tây và Tết Việt Nam.
“Nếu Tết Tây chỉ diễn ra trong một ngày, sau khi đón giao thừa, người ta vui chơi thâu đêm, đi tiệc tùng hay đến quảng trường để đón năm mới thì ngày Tết Việt Nam là dịp để cả gia đình sum họp, nó giống như một ngày lễ của gia đình” – anh chia sẻ.
“2019 là một năm đầy nỗ lực”
Đối với Marko, trong suốt 6 năm sống tại Việt Nam, 2019 là một dấu ấn thật đặc biệt. Anh cảm thấy mình được sống trọn vẹn, được trải nghiệm nhiều hơn và đã đạt được một số thành tựu nhất định.
“Có ba điều mà tôi đã đạt được trong năm 2019, thứ nhất là vấn đề sức khỏe. 2018 tôi thường xuyên ốm, thậm chí có lúc nhập viện nhưng năm 2019, sức khỏe của tôi đã được cải thiện khá nhiều. Thứ hai đó chính là Phố Nhà Thờ – sau nhiều ngày tháng ấp ủ, Phố Nhà Thờ đã được xuất bản và nhận được nhiều phản hồi tích cực của độc giả. Tôi tạm cho đó là một thành tựu nho nhỏ khiến bản thân tự hào…”
“Cuối cùng, tôi có cơ hội tham gia viết bài cho một vài chuyên mục trên báo chí hiện nay, dù không nhiều nhưng thật vui khi ngoài viết sách, tôi đã thử nghiệm sang một lĩnh vực mới” – Marko nói.
Tự nhận mình không phải quá hoạt ngôn, Marko chia sẻ anh cảm thấy hơi choáng ngợp khi liên tục được mời phỏng vấn từ các cơ quan báo đài. Chàng trai ngoại quốc gây ấn tượng với mọi người bằng ngoại hình cao ráo, chất giọng lơ lớ trầm ấm cùng nụ cười hiền. Anh khẳng định người Tây sống ở Việt Nam không hề dễ dàng, và để đi đến ngày hôm nay, với Marko là cả một sự nỗ lực.
“Để dành một từ nói về 2019, tôi sẽ chọn từ “vươn lên”. Vươn lên ở đây là tôi đã nỗ lực hết mình. Vượt qua cái tôi quá cao khi lần đầu tiên gửi bản thảo đến nhà sách Nhã Nam, tôi biết lắng nghe, sửa chữa và thành công trong việc đem Phố Nhà Thờ đến với độc giả”.
Bên cạnh những điều đã làm được, Marko Nikolic cũng có một vài thử nghiệm thất bại nho nhỏ trong năm qua. Đặc biệt, anh đã thử làm Youtube với các ý tưởng riêng nhưng sau cùng, Marko vẫn cảm thấy mình hợp với văn chương, sáng tác hơn cả.
Lên kế hoạch lấy vợ và viết tiểu thuyết tâm lý
“Mỗi năm, tôi đều ngồi lại vạch ra những kế hoạch mới để thực hiện và cuối năm sẽ đối chiếu. Năm nay tôi cũng có một vài dự định, tất nhiên công việc viết sách vẫn là ưu tiên hàng đầu. Tôi cần thời gian để nghiên cứu ý tưởng, viết, sau đó là chỉnh sửa. Có lẽ 2020 sẽ là một năm bận rộn.
Cuốn sách này sẽ đi sâu khai thác tâm lý con người, những biến đổi, va chạm trong tiềm thức. Tôi muốn thử thách bản thân ở một dòng văn học mới và hy vọng hoàn thành tốt nó”.
Ngoài những dự định về viết lách, Marko cũng dành một phần của năm 2020 để lên kế hoạch xây dựng tổ ấm riêng. Cô gái mà anh yêu là một người con gái xứ Nghệ dịu dàng, nấu ăn ngon và quan trọng là có thể lắng nghe, thấu hiểu anh trong từng điều nhỏ nhất. Trên trang Facebook, anh thường gọi trêu người yêu mình là “Trà My” (nhân vật trong tiểu thuyết Phố Nhà Thờ), điều đó đủ để thấy sự trân trọng, hết lòng của Marko dành cho “Trà My” ngoài đời thật.
“Trước mắt Tết năm 2020, tôi sẽ thăm nhà người yêu ở quê, tôi mong muốn sẽ được trải nghiệm một cái Tết Việt trọn vẹn hơn, ấm cúng vì có gia đình tương lai bên cạnh”.
Thêm một mùa Xuân mới tại Việt Nam, thêm một năm mới nữa với nhiều dự định cho văn chương, cho tình yêu, cho trải nghiệm. Và có lẽ, Tết với Marko sẽ không còn quá cô đơn khi trước mắt, một tương lai tươi sáng ở đây đang rộng mở chào đón anh!
“Phố Nhà Thờ” và dấu mốc “đầu tiên” Phố Nhà Thờ kể về Nicolas, một chàng trai Pháp với vẻ ngoài lịch lãm, lần đầu đặt chân đến Hà Nội. Tiêu tiền euro, Nicolas tận hưởng cuộc sống xa hoa, hưởng thụ phụ nữ và không ngừng phán xét xung quanh bằng con mắt đáo để. Cho đến khi gặp Trà My - cô gái yêu anh vì chính con người anh chứ không phải cái mác “ông Tây” trời xa - Nicolas mới nhận ra mình đã ngu ngốc, lố bịch đến nhường nào. Phố Nhà Thờ được coi là tiểu thuyết đầu tiên của người nước ngoài viết bằng tiếng Việt. Trước đó, có Joe Ruelle người Canada viết tản văn bằng tiếng Việt, Nhã Nam đã in hai cuốn Tớ là Dâu và Ngược chiều vun vút của anh năm 2013 - 2014. Trần Hùng John với cuốn du ký John đi tìm Hùng năm 2013. Năm 2019 có cuốn Ở đây vui quá, xin lỗi, cười hết nổi của Jesse Peterson, trình bày các suy nghĩ về cuộc sống ở Việt Nam. Nhưng tiểu thuyết, ở một cấp độ khác hẳn về mặt văn chương, thì Phố Nhà Thờ là cuốn đầu tiên. |
Công Bắc - Hiền Lương
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý