Marilyn Monroe - Huyền thoại không thể 'giải mã'
(Thethaovanhoa.vn) - Những câu hỏi về chân dung con người thật của Marilyn Monroe (1926 - 1962) vẫn luôn được đặt ra, kể từ khi huyền thoại điện ảnh này qua đời một cách bí hiểm năm 1962. Và cuộc triển lãm vừa được khai mạc tại Bảo tàng thành phố Speyer (Đức) là dịp để chúng ta nhìn lại cuộc sống riêng tư của “quả bom sex tóc vàng”.
Có tên Marilyn Monroe: The Unknown, triển lãm trưng bày khoảng 400 kỷ vật của Monroe. Nổi bật trong đó có bộ váy satin mà Monroe mặc tại trường quay phim Gentlemen Prefer Blondes (1953), một chiếc dép cũ, một hộp lông mi giả, nhiều đồ trang điểm. Chúng là một phần trong bộ sưu tập riêng của nhà sưu tầm người Đức Ted Stampfer và được đánh giá là bộ sưu tập đầy đủ nhất về kỷ vật của một người nổi tiếng trên thế giới.
Đa diện và khó nắm bắt
Sinh thời, Marilyn Monroe là một biểu tượng mang tính vĩnh cửu về sự gợi cảm của phụ nữ. Trong cuốn sách của mình, Myth And Muse, nhà nghiên cứu Barbara Sichtermann viết: “Hầu như không có một nét quyến rũ nữ tính nào mà bà không sở hữu. Thậm chí, sự gợi cảm ấy đã khiến người ta quên hẳn khả năng diễn xuất vốn không thật sự xuất sắc của Monroe.”
Norma Jean Baker, tên thật của Monroe, là một cô gái nhút nhát sinh ra ở Los Angeles năm 1926. Norma lớn lên trong những gia đình nuôi dưỡng mình và trong một trại trẻ mồ côi. Để rồi, khi trở thành ngôi sao nữ Hollywood được chụp nhiều ảnh nhất, người ta gọi bà là một Cinderella (nàng Lọ Lem) của thế kỷ 20.
Tương truyền, Monroe luôn phải vật lộn với những định kiến rằng bà là một người đẹp tóc vàng gợi cảm nhưng ngốc nghếch. Sự thực, trong 2 thập niên 1940 và 1950, dư luận Mỹ thường có xu hướng mặc định rằng vẻ đẹp giới tính và khả năng trí tuệ của những nữ diễn viên rất khó đồng hành cùng nhau. Phần nào, nhận định ấy xuất phát từ việc nền công nghiệp điện ảnh Mỹ luôn hạn chế tài năng diễn xuất của phụ nữ mà chỉ quan tâm nhiều đến vẻ đẹp hình thể của họ.
Đặc biệt, chính cái chết ở tuổi 36 với hàng loạt câu hỏi không được giải đáp đã khiến Marilyn Monroe trở thành một huyền thoại – hoặc nói cách khác, một biểu tượng vượt thời gian như nhiều người vẫn gọi.
Đến bây giờ, nhiều người vẫn không tin đây là vụ tự vẫn. Nguyên nhân cái chết được bác sĩ Thomas Noguchi của Sở Điều tra hạt Los Angeles kết luận là “nhiễm độc thuốc an thần” - nghĩa là một dạng tai nạn. Sau khi giám định pháp y, 8mg muối clohydrat và 4,5mg Nembutal được tìm thấy trong thi thể nữ minh tinh. Chừng đó là chưa đủ cho những bằng chứng xác thực, do vậy cơ quan điều tra không thể kết luận là bà gặp tai nạn, tự sát hay bị mưu sát.
Nhiều câu chuyện được kể còn cho thấy những nét tính cách khác nhau của Monroe. Chẳng hạn, Monroe còn có tài viết lách. Khi cuốn nhật ký của bà được xuất bản bằng tiếng Đức với tựa đề Tapfer Lieben (Fragments) hồi năm 2010, BBC ca ngợi đây là “ghi chép của một nhà thơ”.
Monroe còn là một chính trị gia và lên tiếng ủng hộ các quyền bình đẳng cho người da màu và chống lại J. Edgar Hoover, Giám đốc FBI, và cả Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy, người đã lãnh đạo chiến dịch chống lại những người theo cánh tả ở Mỹ.
Có bức ảnh còn cho thấy Monroe đã đưa giọng ca huyền thoại da màu Ella Fitzgerald tới “Mocambo Club”, một hộp đêm nổi tiếng ở Mỹ trong những năm 1950. Trước đó, Fitzgerald đã bị đuổi ra khỏi câu lạc bộ này vì màu da của bà.
Biểu tượng luôn gây tranh cãi
Trong những năm sau khi qua đời, nhiều nhóm đấu tranh cho nữ quyền đã phủ nhận cách nhìn Marylyn Monroe như một quả bom sex - người đã “chung chăn gối” với nhiều nhân vật hàng đầu Hollywood. Họ luôn muốn xem bà là biểu tượng của sự giải phóng nữ quyền và luôn trích lại một câu nói của huyền thoại màn bạc này: “Một cô gái khôn ngoan sẽ hôn nhưng không yêu, sẽ lắng nghe nhưng không tin và sẽ chủ động rời đi trước khi bị bỏ rơi”.
Ngược lại, cũng có những nhận định rằng đằng sau nụ cười đầy quyến rũ, Monroe là một người phụ nữ rất biết tính toán cho sự nghiệp của mình. Họ cho rằng Monroe kết hôn với người chồng đầu tiên Jim Dougherty vào năm 16 tuổi chỉ với mục đích thoát khỏi trại trẻ mồ côi. Để rồi, sau 4 năm chung sống, bà quyết định ly hôn vì nhận ra những ưu thế đặc biệt của một người phụ nữ chưa chồng trong sự nghiệp, cũng như ngoài xã hội. Thực tế, sau khi ly hôn, Monroe thành lập công ty sản xuất riêng - Marilyn Monroe Productions Inc - và rất nỗ lực tìm kiếm thêm những hợp đồng có từ hãng phim Century Fox.
Đã có hơn 1.000 cuốn sách và nhiều phim tài liệu cố gắng “giải mã” hiện tượng Marilyn Monroe. Các bạn bè của Monroe đã kể về cuộc đời của nữ minh tinh trong nhiều cuộc phỏng vấn. Sự thực, bất cứ khi nào các đồng nghiệp Jane Fonda và Tony Curtis nói về Monroe, họ đều xúc động. Fonda từng giải thích trong một chương trình truyền hình rằng Monroe là người phụ nữ trẻ tuổi luôn tự làm khổ mình vì những lo âu.
Còn Curtis, người cùng đóng chính với Monroe trong phim Some Like It Hot, nói trong một chương trình khác rằng những câu chuyện mà người khác “dệt” cho Monroe không liên quan gì tới tính cách thực của bà. Thực chất, Monroe là người rất “dễ bị tổn thương, cực kỳ thiếu thốn tình cảm và rất hay nghi ngờ. Monroe yếu cả về tinh thần lẫn thể chất”.
Dù vậy, chắc chắn, bất cứ sự diễn giải nào cũng chỉ là một góc nhìn riêng về Monroe - một huyền thoại mà con người thật sẽ không bao giờ được biết đến một cách đầy đủ.
Người khiến đàn ông không thể chung thủy Một câu nói của nhà soạn kịch Arthur Miller, người chồng thứ 3 của Monroe, thường xuyên được trích dẫn trong nhiều bài viết: “Tại sao Marilyn Monroe luôn được coi là biểu tượng của sự trung thực? Có lẽ đơn giản, khi nhìn thấy cô, đàn ông sẽ rất khó để chung thủy, còn phụ nữ sẽ rất khó để không ghen tị”. |
Việt Lâm (tổng hợp)