Mảnh gốm, phận người
(Thethaovanhoa.vn) - Từ việc trưng bày những tác phẩm gốm đương đại “sạch nước cản” tới thư pháp trên gốm, tượng gốm, và những tác phẩm thuộc dòng men ngọc thời Lý tưởng đã thất truyền, những người tham gia đều hiểu tham vọng của giám tuyển Lê Thiết Cương trong triển lãm.
Và ý tưởng trưng bày “tất cả các tác phẩm mỹ thuật đương đại đáng xem về gốm” nghe chừng có thể bị xô đổ bởi sự thiếu liên kết đã được vị giám tuyển xử lý tài tình.
Triển lãm “Gốm và người” trong khuôn khổ Chuỗi Hoạt động Nghệ thuật Davines- Davines Art Series 2014 do Tạp chí Đẹp và Davines Việt Nam tổ chức khai mạc hôm nay (10 /4) tại TTTM Tràng Tiền Plaza.
1. Triển lãm khai mạc trong tiếng nhạc dặt dìu của bài hát Trở về làng gốm (do nhạc sĩ Phạm Quang Minh sáng tác, được phối lại bởi 2 nghệ sĩ guitar và 1 kèn cùng giọng ca của ca sĩ Giang Trang). Vẫn như mọi khi, Giang Trang thể hiện ca khúc thiên về tình nhiều hơn vì kỹ thuật. Cũng vì thế mà không gian triển lãm trở nên sâu lắng hơn, và thông điệp “Gốm và người” thể hiện tròn vành rõ chữ hơn.
“Nghệ thuật gốm Việt đẹp ở chỗ thật thà, đôn hậu, không quá gò và liêm luật, khuôn mẫu” – Giám tuyển Lê Thiết Cương phát biểu khai mạc- “Kỹ lưỡng quá, chính xác quá, phẳng nhẵng nuột nà gọn ghẽ quá thì không phải là bản tính của người Việt, không phải là nghệ thuật Việt, không phải là gốm của người Việt. Từ cách tạo dáng cho đến mầu men, cách vẽ, cách khắc hoa văn lên sản phẩm là làm như không làm, như tình cờ, tự nhiên như không, có có không không. Người Việt duy cảm hơn duy lý, chú trọng trực giác hơn lý trí”.
Nói là thế, song để ý kỹ, rõ ràng, những cảm xúc người xem có được trong triển lãm đều do những tính toán, cắt đặt rất tỉ mẩn của Lê Thiết Cương. Trong triển lãm, Cương chọn Phạm Anh Đạo (người Bát Tràng thiên về nghệ nhân hơn nghệ sĩ) để trưng bày và trình diễn những tác phẩm gốm trứ danh quê hương Bát Tràng của anh.
Bên cạnh một tác giả nặng tính “cầu toàn”, Lê Thiết Cương táo bạo chọn Nguyễn Khắc Quân với những tác phẩm gốm chứa đựng đầy… “rủi ro” trong giới phê bình. Những tác phẩm của Nguyễn Khắc Quân là sự giao thoa giữa dòng gốm Phù Lãng và Bát Tràng. Nhưng cách thể hiện của Quân gợi cho khán giả nhiều suy nghĩ. Những bức tượng gốm “vệ nữ không đầu” tạo tác bằng gốm tạo lên những hình khối đầy trăn trở. Đó không hẳn là những suy nghĩ nhục dục, mà đó là góc nhìn và thái độ của tác giả với người phụ nữ…
Bên cạnh đó, việc Nguyễn Quang Thu dùng gốm Hương Canh, Nguyễn Việt đánh thức men ngọc thời Lý hay Lê Quốc Việt dùng thư pháp để nhấn nhá những men đất quê hương… cũng tạo lên sự đa dạng của triển lãm. Theo Lê Thiết Cương, sự đa dạng này cũng nhằm gửi gắm thông điệp về sự trù phú những thớ đất quê hương và mạch ngầm mỹ thuật ngàn đời của dân tộc.
2. Trong các tác phẩm ở triển lãm, chiều sâu hơn cả có lẽ là cụm tác phẩm làm bằng gốm Phù Lãng của Nguyễn Tuấn. Cụm tác phẩm với những đầu tượng Phật bắt nối ra muôn ngàn tư duy tạo được sự ám ảnh cho người xem. Sự ám ảnh không đến từ những át chế của tôn giáo mà xuất phát từ lòng người. Những nụ cười nhà Phật từ bi bằng đất Việt khiến người xem bỗng mềm lại trước bao nghĩ suy nặng nhọc của cuộc sống gian truân.
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, Nguyễn Tuấn chia sẻ: 14 năm qua tôi đã đi nhiều làng gốm khắp đất nước. Tôi cũng ở lại nhiều nơi trong số đó để hiểu và cảm những men đất. Song tôi đã chọn gốm Phù Lãng. Tôi chẳng thể giải thích rõ vì sao nhưng tôi thấy yêu mảnh đất ấy, kỹ thuật gốm nơi ấy và cả những thân phận con người mảnh đất Phù Lãng chứa đựng.
Đồng tình với quan điểm của Nguyễn Tuấn, họa sỹ, giám tuyển Lê Thiết Cương chia sẻ: Mỗi quốc gia, mỗi vùng đất đều có những đặc tính riêng. Cũng vì hế mà đất, lửa, thuốc màu, kỹ thuật… ở mỗi nơi mỗi khác. Nên dáng, men, họa tiết… của mỗi tác phẩm trong triển lãm không chỉ là sản phẩm lao động của riêng người nghệ sỹ. Đó là sự kết tinh từ mạch nguồn mỹ thuật cổ ngàn đời của ông cha.
Triển lãm “Gốm và người” sẽ kéo dài tới ngày 20/4/2014.
Phạm Mỹ