Mâm cúng rằm tháng 7, mâm cúng phật, cúng gia tiên và mâm cúng cô hồn
Mâm cúng rằm tháng 7 gồm các lễ như mâm cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, cúng thí thực cô hồn và cúng phóng sinh.
Cúng rằm tháng 7 trong nhà: Cúng Phật
Trước tiên, đó là ngày lễ Vu Lan, xuất phát từ tích kể đức Mục Kiền Liên xả thân cứu mẹ. Lễ cúng Phật cần được đặt ở nơi cao nhất trên bàn thờ. Nếu dùng hoa tươi nên chọn hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu, hoa hồng, hoa cúc…
Đồ cúng thường là cỗ chay hoặc ngũ quả, nước lọc. Gia chủ có thể làm mâm cỗ chay gồm: Giò, chả chay, nem chay hoặc nem nấm, canh nấm hoặc rau củ quả, đậu hũ...
Khi cúng, tốt nhất là đọc một khoá kinh - Kinh Vu Lan - để hiểu rõ về ngày này, hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh.
Theo giáo lý nhà Phật, lễ cúng không quan trọng ở mâm cao cỗ đầy mà cốt ở lòng thành của mỗi người.
Cúng rằm tháng 7 trong nhà: Cúng thần linh và gia tiên
Ngày rằm tháng 7, theo tín ngưỡng dân gian, còn là ngày mở cửa ngục, các vong nhân được xá tội nên có lễ cúng cô hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa.
Một số người Việt Nam tin rằng Lễ Xá tội vong nhân bắt nguồn từ công việc đồng áng của người nông dân trước kia. Hằng năm, cứ đến tháng 6-7 âm lịch là vào vụ thu hoạch mùa màng. Để công việc được may mắn, không gặp trắc trở, người dân thường cầu xin thần linh, thổ địa... bắt giam những yêu ma, oan hồn lại cho khỏi quấy nhiễu.
Đến đúng ngày 15/7, mọi việc phải được hoàn tất, đó cũng là lúc "ông thần tha ma, chủ nhà tha thợ cấy", "mở cửa ngục xá tội vong nhân". Và cũng vào ngày này, người ta thường làm một lễ cúng tạ ơn các thần linh, và một mâm tưởng nhớ ông bà tổ tiên để cầu nguyện cho các vong hồn siêu thoát và cầu bình an cho gia đình.
Đối với mâm lễ cúng tổ tiên chúng ta thường sắp xếp "trên chay dưới mặn" tức là trên hoa quả, dưới là cỗ mâm mặn. Các món ăn nấu tùy theo điều kiện gia đình hoặc là các món mà ngày xưa ông bà tổ tiên thích ăn.
Mâm cúng cơ bản cho ngày rằm tháng 7 thường có gà luộc, canh miến mọc, xôi đỗ xanh, thịt bò xào, chả nem, tôm hấp sả...
Các gia đình có thể chọn thực phẩm theo mùa, chế biến món ăn phù hợp với khẩu vị gia đình mình.
Bạn nên cúng Phật và cúng gia tiên vào buổi sáng.
Cúng rằm tháng 7: Mâm cúng chúng sinh
Theo tín ngưỡng dân gian thì ngày Rằm tháng 7 còn gọi là ngày “Xá tội vong nhân”, tức là ngày mà Diêm Vương mở cửa địa ngục cho các vong hồn khi tại thế thất cơ lỡ vận, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái ở kiếp trước...
Những vong hồn này rất đáng thương vì không được ai thờ cúng, hoặc chết đường chết chợ lang thang vạ vật không tìm được đường về với tổ tiên. Vì vậy, dân gian thường làm một mâm lễ cho các vong hồn này để chúng không quấy nhiễu dương gian.
Lễ cúng chúng sinh phải được bày ngoài trời hoặc trước cửa chính của ngôi nhà, gia chủ đọc văn khấn hoặc bài cúng nôm theo tâm nguyện và rải lòng thương của mình đối với các cô hồn, mong linh hồn giải thoát khỏi trần thế đau khổ. Khi lễ cúng chúng sinh xong thì gạo, muối được vãi ra sân, đường còn vàng mã thì đem đốt.
Lễ cúng cô hồn được tổ chức vào buổi chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7. Bởi vì, người ta quan niệm, đây là thời gian những vong linh trên đường trở về địa ngục nên cũng là lúc cúng cô hồn chuẩn nhất. Mọi việc cúng phải được hoàn tất vào ngày 15/7.
Mâm cúng cô hồn chỉ nên chuẩn bị các món đồ chay để các cô hồn không phát sinh lòng tham. Một mâm lễ cúng cô hồn điển hình gồm có: quần áo chúng sinh được gỡ ra thành từng món, rải xuống dưới mâm, một ít tiền vàng cũng làm như vậy, vài chén cháo trắng loãng, cốc gạo trộn lẫn với muối, cốc này sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong, một ít bỏng gạo và kẹo bánh các loại, ngô, khoai, sắn luộc rồi cắt thành khúc nhỏ... đường thẻ, nước, 3 ly cốc nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ. Lễ cúng chúng sinh nên cúng ngoài trời, hoặc trước cửa chính ngôi nhà.
Theo truyền thống xưa, các gia đình sẽ mua quần áo chúng sinh bằng giấy nhiều màu sắc xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng.... Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến cáo không nên sử dụng vàng mã, tránh lãng phí. Đồng thời Giáo hội cũng cấm đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự.
Cụ thể mâm cúng chúng sinh lễ vật gồm có:
- Muối gạo (1 đĩa sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong)
- Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ)
- Hoa quả (5 loại 5 mầu)
- 12 cục đường thẻ
- Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...)
- Các loại bỏng ngô, bánh, kẹo
- Tiền vàng (tiền thật các loại mệnh giá và tiền vàng mã)
- Nước: 3 chun (hay 3 ly nhỏ ), 3 cây nhang , 2 ngọn nến nhỏ.....
Món cháo loãng không thể thiếu trong trong lễ cúng cô hồn, bởi vì người ta tin rằng món này dành cho những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp không thể nuốt được thức ăn thông thường.
Bày lễ và cúng ngoài trời hoặc trước cửa chính ngôi nhà. Gia chủ có thể đọc các bài văn cúng hoặc khấn nôm theo tâm nguyện và rải lòng thương của mình đối với các cô hồn, mong linh hồn giải thoát khỏi trần thế đau khổ. Kết thúc lễ cô hồn, gạo, muối được vãi ra sân, đường, sau đó là đốt vàng mã.
Lưu ý trong lễ cúng rằm tháng 7
Theo truyền thuyết, hàng năm đến ngày 2/7 Âm lịch, Diêm Vương sẽ mở cửa Quỷ Môn Quan cho những linh hồn có thể tự do đi ở trần gian và nhận bố thí từ con người.
Sau 12h đêm ngày 14/7 sẽ bắt buộc phải trở về địa ngục.
Bởi thế nhân dân ta có nhiều người sẽ cúng cô hồn trước ngày Rằm tháng 7. Việc cúng cô hồn có thể thực hiện từ ngày mùng 2/7 đến trước 12h đêm ngày 14/7 Âm lịch.
- Mâm cúng Phật, thần linh và gia tiên làm trong nhà.
- Mâm cúng cô hồn phải đặt ở ngoài trời tránh các bậu cửa. Tốt nhất nên cúng ở Chùa.
- Mâm cúng Phật phải được đặt ở vị trí cao nhất trên bàn thờ tiếp đến là mâm cúng thần linh và cuối cùng là mâm cúng gia tiên.
- Vì ngày rằm tháng 7 sẽ có rất nhiều cô hồn vất vưởng nên các món đồ cúng như áo quần vàng mã dành cho gia tiên thì phải ghi rõ tên người nhận.
- Khi cúng trước tiên nên đọc văn khấn thần linh và thổ địa, sau đó đọc to, rõ tên hương hồn người nhận.
Thảo Nhi