Mâm cúng ngày vía Thần Tài 2023 có gì? Chi tiết bài văn khấn cổ truyền chuẩn nhất
Người xưa cho rằng, ngày mùng 10 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm chính là ngày vía Thần Tài. Vào ngày này, ngoài việc đi mua vàng, người dân Việt Nam cũng chuẩn bị mâm cơm cúng để hy vọng có một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió.
Theo truyền thống của văn hóa Việt Nam, ngày vía Thần Tài sẽ rơi vào mùng 10 tháng Giêng Âm lịch mỗi năm. Như vậy, ngày vía Thần Tài 2023 sẽ là thứ Ba, ngày 31/1/2023 Dương lịch. Đây là dịp để gia chủ bày tỏ lòng thành kính, cảm tạ những phước lành mà Thần Tài mang đến cho năm trước và cầu mong sự may mắn về tài lộc cho năm sau.
Thần Tài trong sự tích của người Việt
Thần Tài trong tín ngưỡng tâm linh người Việt là Thổ Địa - vị thần hộ mệnh cai quản đất đai, bảo trợ bình an cho con người. Thuở xưa, dân ta đi khai hoang lập ấp, đầy khó khăn, khổ ải và ý niệm về các vị thần hình thành từ đó để làm chỗ dựa tinh thần cho họ trên con đường mưu sinh.
Thổ Địa (Thần Đất) là vị thần bảo vệ cho cây trái, hoa màu gắn liền với nền văn minh nông nghiệp của người Việt từ cổ xưa. Đây cũng là vị thần trông coi, nắm giữ tiền tài.
Ngoài ra, còn một sự tích về Thần Tài trong dân gian gắn liền với hình tượng Tài Lộc Chân Quân.
Chuyện kể rằng, xưa kia Thần Tài là vị thần cai quản tiền bạc, tài lộc chỉ có ở trên trời. Trong một lần uống rượu say bị rơi xuống trần gian, đầu va vào đá nằm bất tỉnh. Sáng ra, dân chúng vây quanh, thấy một người ăn mặc như tuồng, bèn lấy làm lạ. Dân lột sạch quần áo, tư trang của Thần Tài mang đi bán. Do va đập khá mạnh nên Thần Tài tạm thời "mất trí nhớ", không nhớ mình là ai, thường xuyên lang thang đi xin ăn khắp nơi.
Một ngày kia, Thần đi xin ăn một nhà buôn gà, heo quay ế ẩm, chủ nhà gọi người ăn xin vào ăn. Thần Tài bị bỏ đói lâu ngày nên ăn rất nhiều, đặc biệt là thịt heo quay. Lạ thay, từ khi người ăn xin này vào ăn, khách ở đâu nườm nượp kéo đến, hút hết cả khách ở mấy quán bên cạnh. Bởi vậy, ngày nào chủ quán cũng gọi mời người ăn xin lạ kia vào ăn.
Đắt khách một thời gian dài, chủ quán kia kiếm được nhiều tiền và thấy "nóng mắt" vì Thần Tài chẳng làm gì, cả ngày chỉ biết ăn, mà lại toàn dùng tay bốc. Người thì ăn mặc rách rưới, hôi hám, bốc mùi. Trộm nghĩ, người ăn xin này sẽ làm khách sợ bỏ đi nên chủ quán liền đuổi ông đi.
Đối diện quán heo quay hồi trước cũng rất đông khách nay vắng hoe, thấy người chủ đuổi người ăn xin đi thì họ liền mời ông vào ăn. Thật không ngờ, khách hàng lại ùn ùn kéo đến quán này rất đông.
Thấy vậy, nhiều người ra sức tranh giành mời bằng được người ăn xin này vào quán của mình ăn để kéo khách.
Người dân xung quanh thấy vị Thần Tài này ăn mặc rách rưới nên dẫn ông đi mua quần áo mới. Đến đúng nơi quần áo, tư trang của ông bị bán, sau khi mặc lại đồ và đội mũ nón thì Thần Tài nhớ lại tất cả và vụt bay về trời.
Từ đó, dân chúng biết ơn và lập ban thờ tôn kính ông từ đó. Ngày vị thần bay về trời cũng chính là ngày 10 tháng Giêng âm lịch.
Giờ tốt để cúng ngày vía Thần Tài năm 2023
Theo nghiên cứu của những chuyên gia trong lĩnh vực phong thủy, buổi sáng là thời điểm cúng Thần Tài tốt nhất, cụ thể là trong khoảng 09 giờ – 11 giờ hay 11 giờ – 13 giờ. Bên cạnh đó, nếu bận các giờ kia thì bạn cũng có thể cầu xin thần linh phù hộ vào khung giờ tốt khác là 15 giờ – 17 giờ.
Mâm cúng ngày vía Thần Tài 2023 có những thứ gì?
Để có thể thực hiện được lễ cúng ngày Thần Tài 2023 chu đáo và đầy đủ nhất, các gia chủ cần chuẩn bị những lễ vật bên dưới đây:
- Một bộ tam sên, có 3 món là: 300g thịt heo (quay hoặc luộc), 3 trái trứng luộc (gà hoặc vịt đều được) cùng với 3 con tôm hay cua luộc.
- Cá lóc nướng: Cá lóc nướng trui và để còn nguyên con. Nghi thức cúng cá lóc nướng trui để nguyên con chính là nhằm để tưởng nhớ những tháng ngày thiếu thốn và đói khổ của ông cha ta khi trong giai đoạn khai hoang và chẳng quan tâm tới việc ăn cá còn nguyên vảy nguyên con. Họ chỉ nhớ tới là cần được ăn đơn giản thôi và phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
- Mâm ngũ quả: Những loại trái cây mà các gia chủ có thể chọn lựa để cúng là: xoài, táo, cam, dưa hấu, chuối, thanh long,…
- 1 lọ hoa tươi: Nên chọn các hoa có nhiều màu sắc, đẹp, tươi (hoa cúc, hoa ly,…).
- 1 bộ giấy tiền vàng mã được soạn sẵn để cúng Thần Tài.
- Thuốc lá: Chuẩn bị sẵn cả gói, có 2 điếu được đặt thò đầu ra bên ngoài.
- Muối hột và gạo: 1 dĩa mỗi thứ, kích thước tùy tâm và điều kiện.
- Khay vàng giấy: 1 khay vừa đủ.
- 2 bát hương, 2 cây đèn nhỏ cùng 1 khay đựng có chứa 2 chén rượu, 3 cốc nước.
Vị trí để bày, sắp xếp đồ cúng Thần Tài
Dưới đây là cách để mọi người sắp xếp những đồ cúng ngày vía Thần Tài năm 2023 chi tiết nhất:
- Trong cùng của bàn thờ chính là tấm bài vị.
- Kế tiếp là Thổ Địa ở bên phải, Thần Tài ở bên trái.
- Trước mặt của 2 ông, chúng ta đặt hũ gạo, hũ muối và bát tụ lộc (bát thủy tinh có chứa nước sạch, đáy sâu và có rắc hoa tươi).
- Bát nhang đặt giữa bàn thờ.
- Trái cây để bên trái, lọ hoa tươi để ở bên phải.
- Bao lì xì 24K, tiền vàng có thể để trên dĩa hoặc để lên mâm ngũ quả phía bên phải.
- Bộ tam sên có thể để ở giữa hoặc bên tay phải.
Bài khấn Thần Tài theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam
Nam mô A Di Đà Phật!
- Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
- Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
- Con kính lạy Thần Tài vị tiền.
- Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.
Tín chủ con là…
Ngụ tại…
Hôm nay, ngày… tháng… năm…
Tín chủ thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bày ra trước án kính mời ngài Thần Tài vị tiền.
Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Một số lưu ý khi cúng ngày vía Thần Tài
- Chén để nước cần rửa sạch trước khi thay nước mới. Chỉ nên đặt 1 chén nước sạch, không cần đến 3 hay 5 chén nước và cũng không nên rót quá đầy.
- Bình hoa có thể dùng bình sứ hoặc bình thủy tinh đều được. Nên cúng hoa tươi, có hoa, có nụ, có hương thơm càng tốt, không dùng hoa giả để cúng Thần Tài.
- Hoa quả cúng nên chọn quả tươi ngon, nguyên vẹn, không bị dập nát. Mâm hoa quả luôn có chuối chín vàng, ngoài ra có thể thêm lê, táo, cam, quýt,...
- Tuyệt đối không dùng hoa quả nhựa, quả giả để dâng lên cúng.
- Hoa quả, bánh kẹo,... sau khi cúng được coi như lộc của Thần Tài ban cho gia chủ, chỉ nên thụ lộc trong nhà, không đem chia hay phân phát cho người ngoài.
- Rượu, nước tưới vào nhà thì nên đứng ở ngoài đường tưới vào trong nhà mới mang ý nghĩa tài lộc vào nhà.
- Gạo, muối sau khi cúng Thần Tài xong nên cất đi để giữ lộc.
*Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo
Khoe số tài khoản lên mạng để nhận lì xì, cẩn thận mất vui ngày Tết!