Mai Văn Phấn nhận giải Cikada của Thụy Điển: 'Đôi khi không biết thơ mình được dịch ở đâu'
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/12 tới, lễ trao giải trao giải thưởng văn học Cikada của Thụy Điển sẽ diễn ra tại Văn Miếu, Hà Nội. Và, tác giả người Việt Nam được xướng tên mùa giải 2017 này là nhà thơ Mai Văn Phấn.
- Dịch văn học Nga: Hai cánh bướm chẳng làm nên mùa Xuân
- Giúp trẻ tìm hiểu khoa học qua các tác phẩm văn học nổi tiếng
Trước ngày nhận giải, tác giả của Bầu trời không mái che đã có cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa ( TTXVN)
* Giải thưởng Cikada chứng minh rằng các nhà thơ Việt có thể "mang chuông đi đánh xứ người" được rồi. Anh là một người như thế vì ngoài giải thưởng này, nhiều năm trở lại đây, anh được nhiều người biết đến như là một "nhà xuất khẩu thơ". Đó là cơ duyên, hay đơn giản là như mọi người nói vui: Mình thích thì mình làm thôi?
- Những tập thơ của tôi, trước tiên được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp, đã khởi đầu cho việc xuất bản thơ tôi ở nước ngoài. Tôi biết ơn các dịch giả, nhà thơ Trần Nghi Hoàng, nhà thơ - GS Frederick Turner, nhà thơ Susan Blanshard, nhà thơ Lê Đình Nhất-Lang, nhà thơ - GS Pornpen Hantrakool, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tiến Văn, TS Bùi Thị Hoàng Anh, nhà thơ - GS Jean-Michel Maulpoix. Họ đồng thời là những nhà thơ, nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa đã dành thời gian và tâm huyết chuyển tải đầy đủ tinh thần thơ tôi, sát với nguyên tác tiếng Việt.
Như trong Thông cáo báo chí giải Cikada 2017, Hội đồng Giám khảo đã nhắc tới một số tập thơ tiếng Anh và tiếng Pháp của tôi. Những tập thơ này có thể ví như những hạt giống tốt được gieo, và sau đó, tiếp tục nảy nở trong 22 ngôn ngữ khác nữa (tính đến thời điểm hiện nay), như tiếng Đức, Thụy Điển, Albania, Serbia, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia…
Có lúc tôi cảm thấy như không “kiểm soát” hết được khi nghe tin thơ mình được dịch sang những ngôn ngữ khá lạ lẫm như Macedonia, Montenegro, Ả-Rập, Nepal, Hindi, Bengali... Xin được coi những điều tốt đẹp ấy là “ơn gọi”.
* Anh có thể kể thêm về những gì đã gặt hái được trên con đường "xuất khẩu thơ"? Và sắp tới anh định xuất khẩu thêm những gì?
- Tháng 12/2012, tập thơ Firmament Without Roof Cover (Bầu trời không mái che) của tôi trở thành 1 trong 100 tập thơ bán chạy nhất trên Amazon. Tháng 6/2014, tôi có 3 tập thơ vào Top 10 trong 100 tập thơ châu Á bán chạy nhất Amazon, gồm: 2 tập thơ song ngữ Việt – Anh: Ra vườn chùa xem cắt cỏ (Grass Cutting In A Temple Garden), Những hạt giống của đêm và ngày (Seeds Of Night And Day) và 1 tập thơ song ngữ Việt - Pháp Bầu trời không mái che (A Ciel Ouvert).
Còn hiện nay, dịch giả Sanja Vučinić và nhà thơ Dusan Djurisic (Cộng hòa Montenegro) đang hoàn thiện một tập thơ của tôi bằng tiếng Montenegro. Nhà thơ Kae Morii (Nhật Bản) cũng đang tiếp tục dịch thơ của tôi sang tiếng Nhật và sẽ sớm hoàn thiện một tập thơ trong năm tới.
* Anh vừa có một tập thơ được dịch và xuất bản ở Thụy Điển. Vậy anh có thể nói đôi dòng về cuốn sách này? Và tập thơ ấy có liên quan gì tới giải Cikada không?
- Đây là tập thơ nằm trong bộ sách các tác giả đoạt giải Cikada của Thụy Điển, do Nhà xuất bản Ngoại văn Tranan tuyển dịch và xuất bản. Cuốn đầu tiên là tập thơ của Sô Sakon (Nhật Bản). Höstens hastighet (Nhịp mùa thu) của tôi là tập thơ thứ hai trong bộ sách ấy. Nghe nói Tranan sẽ lần lượt tuyển dịch và xuất bản thơ của các tác giả đoạt giải Cikada.
Nhịp mùa thu gồm 75 bài thơ, được hai dịch giả Erik Bergqvist và Maja Thrane tuyển chọn và dịch từ 3 tập thơ bằng tiếng Anh của tôi sang tiếng Thụy Điển. Đó là Những hạt giống của đêm và ngày/ Seeds Of Night And Day” (NXB Page Addie Press – Anh Quốc, 2013), Buông tay cho trời rạng/ Out Of The Dark (NXB Page Addie Press, 2013), và Ra vườn chùa xem cắt cỏ/ Grass Cutting In A Temple Garden” (NXB Page Addie Press, 2014). Những bài thơ ba câu rút từ tuyển tập thơ tiếng Anh “The Selected Poems Of Mai Văn Phấn” (NXB Hội Nhà văn, 2015).
Hai dịch giả sử dụng các bản dịch tiếng Anh như một sự khởi đầu, sau đó đã làm việc trực tiếp và chi tiết với tôi. Tôi đã diễn giải cho họ từng bài thơ, nói rõ những ẩn dụ, hoàn cảnh cụ thể ra đời bài thơ đó, đồng thời giải thích thêm một số phong tục tập quán Việt Nam trong tác phẩm.
Sau khi cuốn sách được hình thành, hai dịch giả đã gửi bản thảo cho ba dịch giả Thụy Điển khác biết tiếng Việt là, Tobias Theander, Mimmi Diệu Hường Bergström và Lê Thị Sớm Mai kiểm tra đối chiếu lại từng câu trong nguyên tác. Dịch giả Mimmi Diệu Hường Bergström đã nói với tôi rằng, Nhịp mùa thu của tôi đã vang lên trong tiếng Thụy Điển rất đẹp, nhiều bài thơ vẫn giữ được tính đa nghĩa như trong bản tiếng Việt.
* Xin cảm ơn nhà thơ Mai Văn Phấn!
Tác giả Việt Nam thứ 2 giành giải Cikada Giải thưởng Cikada được thành lập năm 2004, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Harry Martinson (nhà thơ Thụy Điển đoạt giải Nobel Văn học năm 1974), do Viện Thụy Điển tài trợ. Tên của giải thưởng được lấy cảm hứng từ tập thơ Cikada (Con ve sầu) xuất bản năm 1953 của Martinson. Giải thưởng được trao cho các nhà thơ Đông Á, nơi "cảm quan thơ ca của họ chỉ ra tính bất khả xâm phạm của đời sống". Trước nhà thơ Mai Văn Phấn, nhà thơ Ý Nhi của Việt Nam cũng đã được giải thưởng này vinh danh vào năm 2015. |
Huy Thông (thực hiện)