Lý Thế Dân hỏi “Đại Đường bao giờ diệt vong?”, bậc thầy tướng số chỉ nói 5 từ: Hơn 200 năm sau bất ngờ ứng nghiệm
Hoàng đế tài giỏi như Lý Thế Dân cũng lo ngại giang sơn nhà Đường có ngày diệt vong. Bậc thầy tướng số chỉ nói 5 từ nhưng không ngờ hơn 200 năm sau lại ứng nghiệm. Vì sao?
Vào thời phong kiến, ngay cả các triều đại phát triển cực thịnh cũng luôn muốn cho con cháu mình đời đời được làm hoàng đế, kéo dài thời gian trị vì đất nước.
Chính vì vậy, nhiều vị hoàng đế tin vào tướng thuật và những lời tiên đoán với hy vọng sử dụng sức mạnh bí ẩn này để đảm bảo rằng ngai vàng của hoàng đế sẽ được truyền từ đời này sang đời khác.
Trên thực tế, ngay cả Đường Thái Tông Lý Thế Dân (598 – 649), thường được coi là một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc, cũng từng hỏi Viên Thiên Cang (Cương), bậc thầy tướng số thời nhà Đường, về sự diệt vong của triều đại này.
Tuy nhiên, trước khi phân tích về tiên đoán của Viên Thiên Cang, bậc thầy tướng số này rốt cục là ai? Vì sao lời tiên đoán của ông lại có thể ứng nghiệm sau hàng trăm năm?
Viên Thiên Cang - bậc thầy tướng số nổi tiếng
Viên Thiên Cang sinh ra vào cuối triều nhà Tùy. Ông quê ở Giang Tân, tỉnh Tứ Xuyên. Dù khi còn nhỏ thường xuyên bị đói do gia cảnh rất nghèo nhưng Viên thiên Cang lại là một người có chí, học hành chăm chỉ và rất thích đọc sách.
Do các kỳ thi của triều đình không được tổ chức đầy đủ vào thời điểm đó nên Viên Thiên Cang không có nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu Tứ thư, Ngũ kinh cùng nhiều tác phẩm kinh điển khác, ông đã học và hiểu được nhiều giáo lý của Đạo giáo. Điều này cũng tạo cơ sở cho sự phát triển của ông về sau.
Huyền học chính là trào lưu triết học có ảnh hưởng rất lớn tới Viên Thiên Cang. Theo đó, huyền học thịnh hành vào thời Ngụy – Tấn – Nam – Bắc triều, ban đầu được dùng để giải thích "tam huyền" (Lão Tử, Trang Tử và Chu Dịch). Trong thời kỳ này, cuộc sống của người dân rất khó khăn và chiến tranh liên miên, khiến nhiều người bắt đầu tìm kiếm sự bảo vệ từ các thế lực huyền bí.
Tuy nhiên, về sau, hyền học trở thành công cụ thảo luận và giải thích cho các kinh điển của Đạo gia, Nho gia. Ngoài ra, ý nghĩa của "huyền học" còn được dùng là từ để gọi chung cho những môn học thần bí của Trung Quốc, chẳng hạn như phong thủy, tướng số, bói toán…
Nhà Đường là triều đại phát triển cực thịnh. Các sử gia thường coi nhà Đường là thời kỳ hoàng kim của văn hóa đa quốc gia với tư tưởng cởi mở. Chính vì vậy, có nhiều trường phái tư tưởng khác nhau phát triển trong triều đại này. Huyền học chính là một trong những trường phái được hưởng lợi.
Lúc còn trẻ, Viên Thiên Cang đã nổi danh khi đặt chân đến Lạc Dương. Ông từng xem tướng cho ba người là Đỗ Yêm, Viêm Khuê và Vi Đĩnh. Cả ba đều là quan của nhà Đường và số mệnh của họ đều được Viên Thiên Cang dự đoán đúng.
Danh tiếng của Viên Thiên Cang chẳng mấy chốc đã đến tai Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Vị hoàng đế nổi tiếng của nhà Đường đã triệu Viên Thiên Cang về Trường An. Nhờ khả năng xem tướng số, bói toán mà Viên Thiên Cang có thể giành được sự sủng ái của hoàng đế Lý Thế Dân. Ông trở thành một trong những cố vấn của vị hoàng đế này. Đương nhiên, những lời tiên đoán của Viên Thiên Cang cũng rất nổi tiếng.
Ông cùng với Lý Thuần Phong (một nhà chiêm tinh học, thiên văn học…) hợp sức để hoàn thành cuốn sách Thôi Bối Đồ. Đây là cuốn sách tiên tri nổi tiếng của Trung Quốc. Tương truyền, Thôi Bối Đồ sử dụng 60 lời sấm truyền để dự báo các sự kiện trọng đại từ thời nhà Đường cho tới thời hiện đại.
Câu chuyện dưới đây cho thấy tài năng tiên đoán của bậc thầy Viên Thiên Cang.
Lời tiên đoán vận mệnh của nhà Đường
Theo đó, vào những năm cuối đời, do lo lắng cho vận mệnh quốc gia, Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã tìm đến Viên Thiên Cang vào lúc rảnh rỗi và hỏi rằng: "Đại Đường sẽ tồn tại được bao lâu?"
Sau khi nghe câu hỏi đột ngột của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, Viên Thiên Cang cũng không khỏi kinh ngạc, bởi hai người đang nhàn nhã trò chuyện bình thường. Im lặng một chút và suy nghĩ, Viên Thiên Cang đã nói với Đường Thái Tông: "Chỉ khi lợn trèo cây". Câu nói này có nghĩa là triều đại nhà Đường sẽ diệt vong chỉ khi lợn biết trèo cây.
Câu trả lời này quả thực rất rõ ràng. Lợn không thể trèo cây, hay nói cách khác là nhà Đường sẽ không bị diệt vong. Lúc bấy giờ, sau khi nghe câu trả lời của Viên Thiên Cang, hoàng đế Lý Thế Dân ban đầu hơi sửng sốt nhưng rất vui mừng vì cho rằng giang sơn Đại Đường sẽ được lâu dài, truyền từ đời này sang đời khác.
Lời tiên đoán ứng nghiệm sau hơn 200 năm: "Lợn" biết trèo cây?
Đáng tiếc, không chỉ Lý Thế Dân mà cả những người lần đầu nghe lời tiên đoán này cũng bị hiểu sai. Bởi ý nghĩa sâu xa mà Viên Thiên Cang nhắc tới không phải là loài lợn bình thường.
Từ "lợn" mà Viên Thiên Cang nhắc đến trong lời tiên đoán trên thực chất không phải nhắc về động vật, thay vào đó là ám chỉ một người mang họ Chu. Từ "lợn" và từ Chu đồng âm với nhau. Do đó, thoạt đầu ai nghe đều hiểu rằng đó là "lợn biết trèo cây".
Trên thực tế, có một người là tướng lĩnh trong đội quân nổi dậy của Hoàng Sào, sau đó đầu hàng và trở thành tiết độ sứ của nhà Đường, đó là Chu Ôn. Đến năm 907, sau khi leo được được lên làm quan, và kết thân được với hoàng tộc, Chu Ôn bộc lộ dã tâm, lập mưu lật đổ triều đại nhà Đường và trở thành hoàng đế của triều đại Hậu Lương, mở ra thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Hơn 200 năm sau lời tiên đoán của Viên Thiên Cang, triều đại nhà Đường đã bị diệt vong. Quả thật kỳ lạ!
Năm xưa, lúc trả lời Đường Thái Tông Lý Thế Dân, do "thiên cơ bất khả lộ" nên Viên Thiên Cang chỉ có thể ngầm gửi gắm đáp án thông qua mấy từ ngắn ngủi. Ông rất khéo léo khi chọn từ "lợn" đồng âm với chữ "Chu".
Vận mệnh của cả một triều đại không chỉ dựa vào một lời tiên đoán, bởi còn rất nhiều yếu tố chi phối. Không rõ do trùng hợp hay là sự thật, nhưng không thể phủ nhận về tài năng cũng như lời tiên đoán vận mệnh quốc gia của bậc thầy tướng số Viên Thiên Cang.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, 163, Baidu