Lý Quang Diệu, người một tay xây dựng Singapore hiện đại
(Thethaovanhoa.vn) - Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore đã qua đời vào sớm ngày 23/3, hưởng thọ 91 tuổi. Trước đó, ông đã nhập viện tại Singapore từ đầu tháng 2 do viêm phổi nặng và phải dùng máy trợ thở.
Lý Quang Diệu, một người Singapore thuộc thế hệ thứ 4, với tổ tiên di cư từ tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc trong những năm 1860, đóng vai trò chủ chốt trong việc dẫn dắt Singapore thời hậu thuộc địa tới chỗ thành công về kinh tế.
Carl Thayer, một nhà khoa học chính trị tại Đại học New South Wales ở Australia, nói rằng ông Lý Quang Diệu đã đưa Singapore tới tương lai ổn định lâu dài. "Người ta không thể kể câu chuyện về Singapore hiện đại nếu không có ông Lý Quang Diệu trong đó" - Thayer nói - "Ông đã đưa một quốc gia từ chế độ thuộc địa tới chỗ độc lập rồi đóng vai trò chủ chốt trong nền chính trị".
Sau Thế chiến thứ hai, ông Lý Quang Diệu theo học kinh tế tại London và có bằng cử nhân luật ở Đại học Cambridge. Đời sống chính trị của ông bắt đầu từ năm 1954, với việc thành lập đảng Nhân dân hành động (PAP), một liên minh gồm tầng lớp trung lưu và các công đoàn ủng hộ tư tưởng cánh tả. Năm 1955, ông trở thành lãnh đạo phe đối lập trong hội đồng lập pháp Singapore.
Đảng PAP giành chiến thắng áp đảo trong một cuộc bầu cử vào năm 1959 và Lý Quang Diệu trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore. Ông nắm giữ vị trí này tới năm 1990 trước khi đảm nhận vị trí Bộ trưởng Cao cấp.
Thời kỳ ngồi ghế Thủ tướng, ông đối diện với rất nhiều thách thức. Một trong những mục tiêu ban đầu là việc thành lập Liên bang Malaysia sau khi rời khỏi chế độ thuộc địa Anh, gồm Singapore Singapore, Malaya, Sabah và Sarawak. Nhưng sự khác biệt sớm nảy sinh giữa ông Lý và Thủ tướng Bán đảo Malaysia Tunku Abdul Rahman, đặc biệt là sau những cuộc xung đột sắc tộc giữa người gốc Trung Quốc và người Hồi giáo vào năm 1964 và năm 1965. Trong ngày 9/8/1965, Abdul Rahman đã kêu gọi việc trục xuất Singapore khỏi chính quyền hợp nhất.
Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, người vừa qua đời ở tuổi 91
“Đã có những khác biệt lớn giữa chính quyền trung ương và lãnh đạo chính quyền nhà nước Singapore" - Abdul Rahman tuyên bố - "Và những sự khác biệt đó hình thành dưới nhiều hình thức mà ta không thể giải quyết được. Vì thế chúng tôi quyết định rằng cần phải chia tay".
Các sử gia nói rằng ông Lý phải đối việc Abdul Rahman thiên vị người Malaysia bản địa hơn người gốc Trung Quốc thiểu số. Tin bị trục xuất khỏi chính quyền hợp nhất khiến Lý Quang Diệu hết sức buồn rầu.
Ở tuổi 42, ông trở thành nhà lãnh đạo duy nhất của Singapore, đã nỗ lực để vừa xây dựng sự đoàn kết, vừa phát triển kinh tế và chấn hưng đất nước. “Tôi không ở đây để chơi cuộc chơi của ai đó. Tôi có trách nhiệm với cuộc sống của vài triệu người và Singapore sẽ tồn tại" - ông nói.
Các nhà quan sát cho rằng sức mạnh của ông Lý Quang Diệu nằm ở khả năng đặt ra các tiêu chuẩn và mục tiêu. Ông là một nhà "tư duy chiến lược", đã đẩy mạnh nguồn lực giá trị nhất của Singapore, chính là con người của quốc đảo.
Nhờ chính sách của Lý Quang Diệu, đầu tư nước ngoài đã đổ mạnh vào Singapore. Với việc tăng trưởng kinh tế thường đạt mức gần 10% trong vòng nhiều thập kỷ, ông Lý đã giúp định nghĩa một mô hình phát triển chủ nghĩa tư bản mới, đã được những "con hổ châu Á" khác sử dụng, gồm Hong Kong, Đài Loan và Hàn Quốc.
Singapore dưới tay Lý Quang Diệu cứ thế từ từ đi lên. Đất nước này trở thành một trong những cảng biển sầm uất nhất thế giới và mới chỉ bị Thượng Hải (Trung Quốc) qua mặt gần đây.
Đầu tư chảy vào lĩnh vực hóa dầu. Singapore biến đổi thành một cổng vận tải của khu vực. Hãng hàng không quốc gia của nước này nổi tiếng thế giới. Ngoài ra Singapore cũng có một bộ phận ngân hàng đóng vai trò chủ chốt, cốt yếu trong thị trường tài chính toàn cầu.
Michael Barr, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Flinders ở Nam Australia đánh giá ông Lý Quang Diệu còn tập hợp dưới trướng một đội ngũ các nhà quản lý có khả năng hoạch định tốt tương lai của Singapore. "Ông tạo ra một nhóm lãnh đạo gồm những con người có năng lực trí tuệ, tư tưởng mạnh, những nhà quản lý có thực tài. Nếu thiếu Lý Quang Diệu, người ta đã không thể tạo được sự lãnh đạo về chính trị mạnh như thế" - Barr nói.
Lối tiếp cận cứng rắn với chính trị và các đối thủ khiến ông từng bị coi là người "độc đoán". Chính quyền áp dụng Luật an ninh nội địa (ISA) chống lại các đối thủ và các nhà phê bình. Lý Quang Diệu chưa từng thấy hối hận về việc đã có thái độ cứng rắn như thế.
"Ai quản lý Singapore cũng phải có chất thép đó trong con người hoặc nên bỏ cuộc. Đây không phải là một cuộc chơi bài. Đây là cuộc đời của bạn và của tôi" - ông nói - "Tôi đã dành cả đời mình để xây dựng những điều này và chừng nào tôi còn ngồi ghế lãnh đạo, không ai có thể phá hỏng nó".
Tường Linh (tổng hợp)