Lý giải sức hút của truyền hình từ 'hiện tượng' rap show 'song đấu'
(Thethaovanhoa.vn) - Rap Việt, King of rap cùng những bộ phim “hot” như Về nhà đi con, Hoa hồng trên ngực trái… đã chứng minh truyền hình Việt vẫn có sức hút nếu có những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu khán giả.
Mới đây, đêm chung kết 2 Rap Việt đã thu hút hơn 1 triệu lượt xem trực tuyến trên Youtube, là chương trình giải trí truyền hình chiếu trên YouTube có số lượng người xem trực tuyến cao nhất ở Việt Nam.
MC Trấn Thành đã chia sẻ trong đêm chung kết: “Rap Việt khiến nhiều người cùng yêu thích một dòng nhạc mới. Bây giờ, nhà nhà rap, người người rap, tôi đi từ nhà tới trường quay thấy các quán nhậu không truyền hình trực tiếp bóng đá nữa mà truyền hình trực tiếp Rap Việt. Một điều chưa bao giờ lịch sử truyền hình làm được, chỉ có thể nói là một cuộc cách mạng từ rapper Việt Nam”.
Mới nghe, khán giả có thể cho rằng lời Trấn Thành nói là cảm tính, nhưng số liệu đo lường khán giả xem truyền hình của Công ty Kantar Media Vietnam (KMV) cho thấy những nhận định của Trấn Thành là có cơ sở.
Cụ thể, số liệu của KMV cho thấy, trung bình trên cả nước mỗi tập Rap Việt phát trên HTV2 có 630 nghìn người xem trên sóng truyền hình. Trong đó, có những tập đạt trên 1 triệu người xem cùng lúc, chẳng hạn tập phát ngày 22/8 có 1,022 triệu người xem, hay tập phát ngày 5/9 đạt 1,094 triệu người xem.
Tương tự, với King of rap phát trên VTV3, tuy lượng khán giả cho mỗi tập không ổn định như Rap Việt song có những tập King of rap lập đỉnh trên 1,4 triệu người xem (tập phát ngày 8/8).
Chia theo cơ cấu tuổi, tính chung cho cả hai chương trình, số khán giả dưới 44 tuổi chiếm 65,5%. Theo cơ cấu giới tính có 47,1% là nam và 52,9% là nữ.
- Diễn viên đồng loạt đăng poster 'Hồ sơ cá sấu', fan chờ 'bom tấn' truyền hình mới
- Phim truyền hình 'Lửa ấm' – tôn vinh những 'người lính thời bình'
Trước hai gameshow “hot” kể trên, một số bộ phim truyền hình dài tập thời gian gần đây cũng gặt hái thành công rực rỡ. Loạt phim của VFC như: Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Quỳnh búp bê, Về nhà đi con, Hoa hồng trên ngực trái, Tình yêu và tham vọng… được cho là đã đủ sức hút để kéo khán giả trở lại với màn ảnh nhỏ sau thời gian bị lãng quên.
Ví dụ, với mỗi tập trong số 46 tập phim Hoa hồng trên ngực trái (phát sóng VTV3) có trung bình 455 nghìn khán giả ở Hà Nội và 48 nghìn khán giả ở Thành phố Hồ Chí Minh theo dõi. Tổng số lượt người xem trên truyền hình tại hai thành phố này tính cho toàn bộ phim đạt tới 23.169.000 lượt người.
Một nghiên cứu mới đây về “Xu hướng thời gian sử dụng phương tiện truyền thông và gợi ý của nó tới tính gắn kết gia đình” của ThS Nguyễn Thị Hiền - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho thấy, thời gian xem truyền hình của nhóm cư dân đô thị tại một số thành phố lớn từ năm 2015 đến 2020 đã giảm đáng kể (từ gần 200 phút/người/ngày xuống còn xấp xỉ150 phút/người/ngày - tương đương mức giảm là 25%).
Ngược lại, xu hướng sử dụng internet trên các phương tiện cá nhân có sự tăng trưởng đột biến (từ 50 phút/người/ngày năm 2015 lên gần 200 phút/người/ngày năm 2019).
Có nhiều người tin rằng, với tốc độ phát triển nhanh chóng của mạng 3G, 4G trong thời gian qua và 5G trong tương lai gần cùng với sự bùng nổ của các loại nội dung trên môi trường số, khán giả truyền hình sẽ "một đi không trở lại".
Song, có thể dễ dàng nhận thấy với những gameshow như Rap Việt, King of rap và loạt phim truyền hình gần đây của VFC đã chứng minh rằng, truyền hình Việt vẫn còn có sức hút nếu những gì phát trên đó được đầu tư bài bản, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khán giả.
Bảo Anh