Lý giải hiện tượng quầng mặt trời xuất hiện giữa trưa ở Điện Biên
Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 23/5, trên bầu trời khu vực thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) xuất hiện hiện tượng quầng mặt trời.
Quầng sáng gồm nhiều màu sắc xuất hiện bao quanh mặt trời. Khi mới xuất hiện, vòng tròn sáng còn nhỏ và có màu sắc nhạt nhưng sau đó vòng tròn to dần, màu sắc cũng đậm hơn. Hiện tượng quầng mặt trời kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ và biến mất. Hiện tượng tự nhiên kỳ lạ đã thu hút nhiều người dân sinh sống trong khu vực lòng chảo Mường Thanh chiêm ngưỡng, chụp ảnh lưu lại khoảnh khắc hiếm có.
Theo khoa học, quầng mặt trời là hiện tượng quang học do ánh sáng mặt trời chiếu qua các đám mây tầng cao (ở độ cao khoảng 7- 8km), thường xuất hiện cảnh báo hiện tượng thời tiết cực đoan.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên, toàn tỉnh đang xảy ra nắng nóng trên diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt, với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 37 độ C, có nơi trên 38 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất từ 35 - 45%. Tình trạng nắng nóng này sẽ còn kéo dài trong khoảng 10 ngày tới.
Do ảnh hưởng của nắng nóng, nhiều chùm hồ trên địa bàn tỉnh cũng đang diễn ra tình trạng khô hạn kéo dài, mực nước xuống thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Tình hình mực nước tại các hồ chứa thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 0,37-10,25m.
Ông Lê Văn Thi, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quản lý Thủy nông Điện Biên cho biết: Thời điểm này, mực nước ở các hồ chứa tuy có xuống thấp hơn so với cùng kỳ nhưng chưa gây ảnh hưởng đến việc cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Đơn vị đang chủ động phối hợp và thống nhất với các nhà máy thủy điện có kế hoạch điều tiết cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất cho vụ tiếp theo cũng như sinh hoạt trên tinh thần đảm bảo hài hòa giữa hai mục tiêu cấp nước và phát điện.