A+ A A- Kiểu đọc sách

Truyện tranh song ngữ Việt - Anh: Vừa đọc truyện cổ tích, vừa trau dồi ngoại ngữ

19:30 19/07/2015
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Thương hiệu sách Chibooks của dịch giả Nguyễn Lệ Chi lâu nay được độc giả biết đến với nhiều ấn phẩm chuyển ngữ được mua bản quyền từ Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc. Tuy nhiên thời gian gần đây, dịch giả Nguyễn Lệ Chi đã chuyển hướng sang truyện tranh Ấn Độ.

Mới đây, Chibooks đã liên kết với NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành cùng lúc 8 tập truyện tranh cổ tích thế giới song ngữ Việt - Anh. 8 tập truyện tranh này được Chibooks mua bản quyền quyền từ công ty sách Mammoth World, Ấn Độ.

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi, cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã mua bản quyền 20 tập truyện tranh cổ tích thế giới chuyển qua song ngữ Việt - Anh. Mục đích của Chibooks là đa dạng hình thức truyện tranh nói riêng và văn học nói chung, khi mà sách của Ấn Độ ít xuất hiện tại Việt Nam, truyện tranh gần như không có. Xem truyện tranh do Ấn Độ sản xuất cũng có nét thú vị riêng so với truyện tranh của các nước khác”.


Cuốn sách "Tình yêu của rừng" (Brazil)

Tủ sách này được Chibooks đặt tên là “Truyện cổ tích KIDBOOKS” dành cho trẻ em vừa học tiếng Anh vừa thưởng thức truyện cổ của nhân loại. 8 tựa sách mới phát hành trong tháng 7/2015 này gồm các câu chuyện cổ tích thế giới quen thuộc của nhiều quốc gia, phù hợp với lứa tuổi từ 7 - 12, như: Ngưu Lang Chức Nữ (Trung Quốc), Tình yêu của rừng (Brazil), Ngôn ngữ của loài chim (Nga), Chiếc gương thần kỳ (Tây Ban Nha), Công chúa và quả bóng vàng (Trung Đông), Chiếc hộp Pandora (Hy Lạp), Ánh bình minh đầu tiên (Úc), Cái giếng (châu Phi).

Vào tháng 6/2015, Chibooks cũng đã phát hành 5 tựa sách với những câu chuyện quen thuộc, như: Lọ Lem, Alice ở xứ sở thần tiên, Người đẹp và Quái vật, Người thổi sáo thành Hamelin, Cô bé quàng khăn đỏ.

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi cho biết lý do chọn những truyện tranh cổ tích này để ấn hành song ngữ Việt - Anh: “Nội dung mỗi câu chuyện đều được kể giản dị, dễ hiểu, với kết thúc có hậu, sẽ giúp cho các em những bài học quý báu. Chẳng hạn như: Chiếc hộp Pandora dạy các em phải luôn nghe theo những chỉ dẫn và hy vọng chính là món quà giúp các em tìm ra lối thoát khi khó khăn.

Trong khi Công chúa và quả bóng vàng khuyên các em biết giữ lời hứa và đối xử bình đẳng với mọi người. Chiếc gương thần kỳ dạy các em nhận biết lỗi lầm và khuyết điểm của bản thân, đồng thời cố gắng sửa sai... Do vậy tôi chọn những truyện này vì ý nghĩa giáo dục của nó”.

Trần Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...