Tại sao '10 khu đất vàng' bị Hà Nội thu hồi?
Theo hồ sơ của Sở TN-MT Hà Nội, trong các đơn vị có đất bị thu hồi gồm khá nhiều DN "máu mặt" như Cty CP Tập đoàn Nam Cường, TCty Vàng Agribank Việt Nam. Vi phạm của các đơn vị này rất đa dạng, có DN "ôm" đất rồi bỏ không. Có đơn vị lại tự ý cho DN khác thuê lại, sử dụng sai mục đích hay cố tình không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Nam Cường bị thu hồi 8,03ha đất tại 7 xã và 1 thị trấn ở huyện Thạch Thất- đây là khu đất được giao để xây dựng khu đô thị Thạch Thất. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra là 46 tháng, Cty này vẫn chưa phối hợp với UBND huyện thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để triển khai dự án; không thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất, vi phạm Luật Đất đai. Mặt khác, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án này không còn phù hợp với quy hoạch định hướng phát triển đô thị của Thủ đô.
Nhà máy cơ khí công trình, một trong những khu đất vàng đang bị đề nghị thu hồi (Ảnh: diachiso)
Tiếp đó là TCty Vàng Agribank để hoang 10.000m2 đất trong nhiều năm tại Cụm công nghiệp Duyên Thái, huyện Thường Tín. Sở TN-MT cho biết, TCty Vàng Agribank Việt Nam - Cty CP (hiện đang sử dụng đất tại Cụm công nghiệp Duyên Thái, đã không sử dụng đất sau 45 tháng kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép là vi phạm Điều 15 Luật Đất đai; khoản 12 Điều 38 Luật Đất đai; khoản 2, Điều 20 Nghị định 105/2009/NĐ-CP.
Nhà máy Cơ khí Công trình (số 199 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) bị đề nghị thu hồi hơn 23.700m2 hiện đang để cho thuê nhà, văn phòng, kho tàng với hơn 2.000m2 đất tại số 449A và 449B phố Ngọc Lâm, doanh nghiệp này cũng sử dụng đất không hiệu quả, mang cho thuê lại sai mục đích. Cũng theo Sở TN-MT, nhà máy Cơ khí Công trình đã không lập hồ sơ đăng ký sử dụng đất tại cơ quan Nhà nước để được ký hợp đồng thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuê đất từ năm 1996 đến năm 2011 (mặc dù đã được kiểm tra, đôn đốc).
Cty CP thiết bị Giáo dục I (số 64 Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân) với diện tích 22.340m2 đất không thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trong suốt thời gian dài. Tại vị trí số 583 đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã dùng hơn 1.500m2 cho siêu thị Fivimart thuê lại.
Cty CP cầu 5 Thăng Long bỏ hoang cả khu đất 1.172m2 tại khu bờ Bắc sông Hồng thuộc phường Ngọc Lâm, quận Long Biên trong thời gian hơn 10 năm. Chi nhánh Lương thực Phú Tín thuộc Cty Lương thực Hà Sơn Bình bỏ hoang cả nghìn mét vuông đất tại tiểu khu Mỹ Lâm thuộc huyện Phú Xuyên. Cty TNHH Apolootech bỏ hoang và không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hơn 13.000m2 tại khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Cty TNHH Xây dựng Thuận Đạt bị đề nghị thu hồi 22.583m2 đất tại thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ. HTX Vận tải Hoà Hưng bị đề nghị thu hồi 1.200m2 đất tại tổ 8 phường Phú La, quận Hà Đông. Cty TNHH Hương Đạt bị đề nghị thu hồi 400m2 đất tại số 46 ngõ 325 Kim Ngưu, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng...
Đây là đợt đề nghị thu hồi đất đai có vi phạm lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn Hà Nội. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội cho biết, liên tiếp trong ba năm qua (2009-2011), các lực lượng chức năng đã tham mưu cho UBND TP ra quyết định thu hồi đất của 29 tổ chức có vi phạm pháp luật đất đai với tổng diện tích 214.286,5m2 đất. Trong đó, năm 2010, số thu hồi lớn nhất với 13 đơn vị và 135.913m2 đất.Ngoài hình thức thu hồi, TP cũng ra quyết định xử phạt hành chính với 68 đơn vị, với tổng số tiền phạt gần 1,4 tỷ đồng... Cùng với việc chỉ đạo kiên quyết thu hồi và xử lý vi phạm để sử dụng đất đúng mục đích và có hiệu quả, TP giao Trung tâm Giao dịch đất đai và phát triển quỹ đất TP phối hợp với Quỹ phát triển đất lập kế hoạch bố trí kinh phí để thực hiện giải phóng mặt bằng, hoàn trả kinh phí cho các doanh nghiệp đã đầu tư trên đất theo quy định.
Theo PL & XH