Những khuất tất đằng sau vụ đấu thầu tại bệnh viện Thủ Đức
Đây là một trong rất nhiều sự việc được giải quyết theo kiểu “luật rừng” có liên quan đến các sai phạm đằng sau nhiều vụ đấu thầu, đấu giá ở bệnh viện này.
Từ khuất tất trong đấu thầu bãi giữ xe
Vụ đấu thầu cung cấp dịch vụ giữ xe trong bệnh viện năm 2010 được coi như giọt nước tràn ly, dẫn đến xô xát xảy ra. Trong số các đơn vị tham gia đấu thầu, có Công ty TNHH Công Minh (từng trúng thầu và có thâm niên 10 năm thầu dịch vụ giữ xe cho Bệnh viện Thủ Đức). Theo văn bản của Bệnh viện Thủ Đức phúc đáp Công ty Công Minh, Công ty này không đạt tiêu chuẩn về tư cách hợp lệ, nên bị loại, “không được bước vào vòng kế tiếp để xác định giá đánh giá”. Kết quả trúng thầu đã được giao cho Công ty CP dịch vụ bảo vệ Hoàn Cầu - hiện đang thầu dịch vụ bảo vệ Bệnh viện Thủ Đức.
Công ty Công Minh phản đối kết quả trúng thầu và cho rằng lãnh đạo Bệnh viện Thủ Đức không khách quan. Nếu Công ty Công Minh không đạt tiêu chuẩn, tại sao không bị loại từ vòng đầu? Ngược lại, Công ty Công Minh vẫn được vào vòng mở giá xét thầu; Công ty Công Minh bỏ thầu với giá cao nhất (110 triệu đồng/tháng), nhưng vẫn không được trúng thầu. Trong lúc đó, Công ty Hoàn Cầu bỏ thầu với giá thấp hơn lại được trúng thầu. Từ đây, Công ty Công Minh khiếu nại và không chấp nhận thanh lý hợp đồng giữ xe năm 2009 với bệnh viện. Tranh chấp căng thẳng giữa 2 bên được kết thúc bằng việc “giang hồ” đe dọa nhân viên trông giữ xe, và rồi tối ngày 6/1 xông vào bệnh viện đánh người. Ngay hôm sau, bãi giữ xe đã bị nhóm người khác thôn tính hoàn toàn, sau khi đã đánh bật toàn bộ người của Công ty Công Minh ra khỏi bãi giữ xe.
Tới sai phạm trong đấu thầu mua máy CT Scanner
Thời điểm tháng 5/2008, Bệnh viện Thủ Đức được thành phố cho vay vốn kích cầu để mua máy CT Scanner, với lãi suất vay được hỗ trợ 100%. Trong vụ vay vốn mua máy móc này, Hội đồng đấu thầu đã phạm nhiều sai phạm trong tổ chức đấu thầu. Trong hồ sơ mời thầu, lẽ ra phải đưa ra tiêu chuẩn khách quan nhất về tính năng kỹ thuật để các tổ chức có cơ hội được tham gia dự thầu, nhưng trong hồ sơ mời thầu lại bê nguyên si tính năng kỹ thuật độc quyền của máy CT Scanner do hãng Philips sản xuất, nên 4 nhà cung cấp khác là Toshiba, General Electric, Siemens và Shimazu không thể đáp ứng hồ sơ để tham gia đấu thầu?
Do vậy, chỉ có duy nhất Công ty Thương mại - Vật tư khoa học kỹ thuật (Tramatco) mua hồ sơ dự thầu. Không thể tổ chức đấu thầu với một mình Công ty Tramatco, sau này, xuất hiện thêm 2 công ty khác xin tham gia đấu thầu là Công ty Đỗ Thân và Công ty SMI.
Nhưng trớ trêu, Công ty Đỗ Thân thì mới khai sinh, chưa một lần bán máy CT Scanner, nên bắt buộc phải liên doanh với Công ty TNHH Việt Nhật. Riêng Công ty SMI nộp hồ sơ cho có để làm “quân xanh quân đỏ” lót đường, nên không thèm nộp bảo lãnh dự thầu. Mặc dù vậy, điều bất ngờ đã xảy ra ngay hôm mở thầu (ngày 10/2/2009) và xét thầu (ngày 11/2/2009). Hội đồng xét thầu đã đánh giá cả 3 công ty không đáp ứng đủ điều kiện, theo đó, cả 3 công ty bị loại.
Nhưng thật lạ lùng, bất chấp kết quả loại cả 3 công ty do Hội đồng xét thầu đưa ra, ngay trong ngày 11/2/2009, ông Giám đốc Trần Vĩnh Hưng đã ban hành văn bản số 44/BVĐKKVTĐ-TTB, yêu cầu Công ty Tramatco bổ sung hồ sơ dự thầu cho đủ tiêu chuẩn để trúng thầu. (Hồ sơ mời thầu đòi hỏi phải có 3 nhân viên được đào tạo chính hãng, Tramatco chỉ đáp ứng có 2 nhân viên). Ngày 12/2/2009, Công ty Tramatco ra công văn phúc đáp, bổ sung cấp thời kỹ sư Phạm Ngọc Thành vào hồ sơ. Và cuối cùng Công ty Tramatco trúng thầu bán máy CT Scanner nhãn hiệu Philips, với giá 8,5 tỷ đồng cho Bệnh viện Thủ Đức. Hành vi trên của ông Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức đã vi phạm nghiêm trọng điều 36 - Luật Đấu thầu là: “Khi đã mở thầu công khai thì không được phép bổ sung bất kỳ hồ sơ có liên quan làm thay đổi nội dung, kết quả thầu…”. Chưa kể, theo giá thị trường, máy CT Scanner do Philips sản xuất chỉ có giá 6,5 – 7,5 tỷ đồng thời điểm đó; nhưng Công ty Tramatco lại thầu bán cho bệnh viện với giá 8,5 tỷ đồng, làm nhà nước thiệt hại tiền tỷ.
Từ khoảng tháng 3/2009 đến nay đã có nhiều đơn thư tố cáo ông Giám đốc Trần Vĩnh Hưng có liên quan trực tiếp đến các sai phạm kể trên. Nhưng điều khó hiểu là cơ quan chủ quản Sở Y tế TP.HCM cùng chính quyền địa phương vẫn chưa có chỉ đạo xử lý những vấn đề mà cán bộ, nhân viên ở Bệnh viện Thủ Đức tố cáo. Dư luận đã chờ cơ quan chức năng xem xét trả lời công luận những khuất tất đằng sau những sai phạm tại Bệnh viện Thủ Đức, để công tác khám chữa bệnh đi vào nề nếp.