Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với quê hương
(Thethaovanhoa.vn) - Tưởng niệm 55 năm ngày Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đi xa (25/7/1960-25/7/2015), Hội thảo mang tên Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - Từ khởi nguồn Dục Tú, Đông Anh sẽ được tổ chức tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Hội thảo sẽ nêu bật các khía cạnh khác nhau trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn, trong đó yếu tố quê hương là một nội dung xuyên suốt. Không chỉ nhằm cắt nghĩa nhiều vấn đề liên quan đến văn nghiệp của ông, mà còn nhằm khẳng định vị trí đặc biệt của Nguyễn Huy Tưởng trong đời sống tinh thần nơi quê hương.
Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn cách mạng thế hệ đầu, được biết đến qua nhiều vở kịch và tiểu thuyết lịch sử, cách mạng với các tác phẩm đỉnh cao như kịch Vũ Như Tô, tiểu thuyết Đêm hội Long Trì, tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô.
Nhà văn cũng là một cây bút xuất sắc viết cho thiếu nhi, là người sáng lập và giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng. Những tác phẩm của ông gắn với tuổi thơ phải kể đến Lá cờ thêu sáu chữ vàng, An Dương Vương xây thành ốc, Tìm mẹ, Con cóc là cậu ông trời, Kể chuyện Quang Trung, Chiến sĩ ca nô...
Với những đóng góp to lớn của mình cho nền văn học nước nhà, ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I năm 1996.
Hội thảo do UBND huyện Đông Anh, UBND xã Dục Tú, Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II, Nhà xuất bản Kim Đồng và gia đình nhà văn phối hợp tổ chức vào ngày 17/7.
P.V
Thể thao & Văn hóa