Nguyễn Trọng Tạo và những cái mới không hề gây “sốc”
(TT&VH) - Những ai đã từng biết đến Nguyễn Trọng Tạo qua các ca khúc nổi tiếng như Khúc hát sông quê, hay Làng quan họ quê tôi hẳn sẽ rất ngạc nhiên trước một gia tài thơ đồ sộ của ông. Cuối tuần qua, tại Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, 11A Trần Quý Kiên, Hà Nội đã diễn ra buổi giới thiệu ấn phẩm Nguyễn Trọng Tạo – thơ và trường ca.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947, tại Diễn Châu, Nghệ An. Ông vừa là nhà thơ, vừa là nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ vẽ bìa sách Việt Nam. Ông là tác giả của những tập thơ, trường ca nổi tiếng được nhiều thế hệ yêu thích như Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (hay còn được biết đến với cái tên Trường ca Đồng Lộc)...
Những ai đã từng biết đến Nguyễn Trọng Tạo qua các ca khúc nổi tiếng như Khúc hát sông quê, hay Làng quan họ quê tôi hẳn sẽ rất ngạc nhiên trước một gia tài thơ đồ sộ của ông. Mặc dù đây mới chỉ là tập sơ tuyển nhưng Nguyễn Trọng Tạo – thơ và trường ca đã dày tới 556 trang, gồm 296 bài thơ, và 2 trường ca là Con đường của những vì sao và Trường ca người lính. Đây là cuốn sách được nhà nước đặt hàng, cấp kinh phí để in 500 cuốn cho các thư viện trung ương và địa phương. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ, ông đã tự mình lựa chọn các tác phẩm để đưa vào cuốn sách này và có thể coi đó là những tác phẩm tiêu biểu nhất, đánh dấu một chặng đường sáng tác đầy say mê và trách nhiệm của nhà thơ xứ Nghệ kể từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đến sau đổi mới và cho tới ngày hôm nay.
Buổi giới thiệu Nguyễn Trọng Tạo – thơ và trường ca
“Nỗ lực cách tân của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bắt đầu được thể hiện rõ nét từ bài Tản mạn thời tôi sống năm 1982. Thời điểm đó hầu như các cây bút vẫn còn đang bằng lòng với những gì đã có, nhưng Nguyễn Trọng Tạo đã dũng cảm làm mới mình không chỉ trong cách cảm nhận, cắt nghĩa về hiện thực đời sống thời bấy giờ mà còn đặt ra vấn đề phải đổi mới thơ ca để có thể theo kịp thời đại. Sau này anh Tạo còn sáng tạo ra loại thơ đồng dao tám chữ nhịp đôi đặc sắc, rồi cải tạo về nhịp của thơ lục bát. Đó là những cách tân trên nền truyền thống mà tôi gọi là đến hiện đại từ truyền thống, vì thế những cái mới của anh ấy không hề gây sốc mà được nhiều người yêu thích” – nhà phê bình văn học Văn Giá nhận định.
Trong buổi giao lưu, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vui vẻ chia sẻ, ông sẽ vẫn tiếp tục đi theo con đường thơ riêng của mình: “Tôi luôn cố gắng tìm một con đường để cho thơ của tôi gần gũi hơn với cuộc đời, với bạn đọc. Tôi không đi theo con đường cách tân mang hơi hướng thơ phương Tây mà nhiều bạn thơ của tôi đã làm. Tôi muốn thơ mình vừa hiện đại nhưng vẫn phảng phất hương vị truyền thống của phương Đông. Tạo ra được một giọng điệu riêng trên nền những cái đã quen thuộc thực sự là một điều rất khó”Kiến Văn