Nguyễn Trọng Tạo: Một đời sóng gió và trải nghiệm
(TT&VH) - Không biết có phải do trời tạo, đất sinh mà từ miền quê huyền sử ấy đã hun đúc nên một chàng nghệ sĩ đa tài cầm - kỳ - thi - họa cho thời hiện đại này. “Kẻ ham chơi” vẫn cứ “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” cho thỏa chí tang bồng cùng trời đất. Cứ như thế Nguyễn Trọng Tạo trải qua hơn 60 năm sóng gió và đầy trải nghiệm của mình. Vâng, nếu không thế thì “hắn” không còn là Tạo nữa.
Như TT&VH đã đưa tin, cuối tuần trước, tại Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây (Hà Nội), nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã có buổi giới thiệu tác phẩm Nguyễn Trọng Tạo - thơ và trường ca. Tác phẩm này được dư luận đánh giá là có những nỗ lực tìm tòi, cách tân thơ truyền thống và khơi lên những nguồn cảm hứng mới. Tuyển tập gồm 269 bài thơ và 2 trường ca này được xem là những gì tiêu biểu nhất của trong sự nghiệp thơ ca của cuộc đời Nguyễn Trọng Tạo đầy sóng gió.
Ông đã có vài chia sẻ với TT&VH về những trải nghiệm cuộc đời mà nó như chất xúc tác để dệt nên những vần thơ...
Hai lần “đứt gánh” tình duyên
* Được biết ông có biệt danh là “kẻ ham chơi”, cái tên đó bắt nguồn từ đâu, nó có ý nghĩa và liên hệ gì về cuộc đời của ông?
- Biệt danh “kẻ ham chơi” là do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tặng cho tôi khi ông viết lời tựa cho tập thơ Đồng dao cho người lớn. Tập thơ đó “rong chơi” qua nhiều đề tài con người và xã hội, chắc đã gây cho ông Tường cái cảm giác về tôi như vậy. Đời tôi phiêu dạt lênh đênh. Nhưng trên hết là công việc. Có khi tôi nghĩ, chơi cũng là một việc khó đó thôi...
* Ông có gặp sóng gió trong tình yêu không?
- Tình yêu là một câu chuyện bất tận. Không có sóng gió thì làm sao có được tình yêu? Ông Tố Hữu viết “Mỗi lần ngã là một lần bớt dại”, nhưng với tình yêu thì hầu như chả mấy ai rút được kinh nghiệm để “bớt dại” như nhà thơ nghĩ. Tôi lập gia đình được một đoạn thì đứt gánh. Lập gia đình mới, được một đoạn dài hơn rồi cũng đứt gánh nốt. Cũng may là bố mẹ rất có trách nhiệm với con cái nên các con đều trưởng thành.
* Những sóng gió trong cuộc đời đã tạo nên những cảm xúc gì và ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp sáng tác của ông?
- Sóng gió cuộc đời sinh ra những bài thơ ứa máu lệ. Những bài thơ đầy đau đớn và cô đơn đã chia sẻ, giải tỏa tâm hồn tôi để vươn tới những khát vọng sống. Nhờ vậy mà nhiều bài thơ tình yêu của tôi đến được với bạn đọc nhiều thế hệ khác nhau, an ủi và sẻ chia nỗi cô đơn đau khổ của họ.
* Ông đã có một khoảng thời gian sống ngoài đảo với sóng gió biển khơi, những vầng thơ khởi lên từ nó có nhiều nỗi niềm như sóng gió cuộc đời?
- Năm 1980, tôi cùng nhà văn Chu Lai và Đình Kính đi ra đảo Vạn Hoa để viết về người lính canh giữ hải đảo. Điều làm chúng tôi cảm phục là lính đảo sống kham khổ, công việc nặng nhọc, lại chỉ toàn “đực rựa” giữa biển khơi mênh mông. Vậy mà họ vẫn yêu đời. Tôi đã viết cả chùm thơ về họ, trong đó có bài Anh đã yêu như vậy được nhiều bạn đọc yêu thích: “Nhưng em ơi, giữa muôn trùng biển sóng/ Anh đã yêu như vậy ngày ngày/ Như yêu em đắm say/ Yêu giấc ngủ hằng mơ về bờ cát/ Bởi anh biết: nếu lòng mình đổi khác/ Giặc sẽ tràn qua đảo của mình đây!”...
Bước ngoặt từ Đồng dao cho người lớn
* Cả cuộc đời gắn bó với nghiệp thơ ca, ông được bạn bè trong giới ví như “người tận lực cho thơ”, “Trạng Tạo”, ông cảm thấy như thế nào với những cái tên này?
- Làm thơ hay làm việc gì cũng phải say mê và “tận lực” mới mong có thành công. Khi đã chọn thơ làm nghiệp, thì nhà thơ phải biết vượt qua nhiều chông gai, sóng gió trên hành trình sự nghiệp. Tôi cũng vậy thôi. Nhưng bạn bè thường kêu tôi quá khắt khe, khó tính với thơ. Quá tiết kiệm lời khen. Bởi vậy có người thấy tôi khen “bài này khá” là họ coi như “hay” lắm rồi. Nhưng thực ra thơ hay đích thực luôn luôn hiếm nên tôi mới có cái ứng xử khắt khe thế. Một số người làm thơ không ưa tôi, thậm chí dèm pha cũng vì tôi quá khắt khe với thơ họ. Còn cái danh “Trạng Tạo” là do bạn bè cùng lớp viết văn đùa thế, vì tôi thường tham gia vào nhiều lĩnh vực, nhiều câu chuyện trên trời dưới biển cùng họ.
* Mọi người cho rằng Đồng dao cho người lớn là bài thơ tạo bước ngoặt trong sự nghiệp thơ ca của ông, có đúng như vậy không?
- Nói Đồng dao cho người lớn là bước ngoặt trong đời thơ của tôi là có lý, bởi đây là một bước chuyển về thi pháp trong thơ tôi. Sau khá nhiều tìm tòi cách tân hướng về thơ Tây, tôi đã quyết định hướng cách tân về Đông phương, đặc biệt là dựa trên truyền thống nhịp chẵn của thơ Việt.
Nhịp đồng dao 4 chữ của trẻ con đã được tôi nối dài thành 8 chữ và giữ trì tục như thế cho toàn bài, tạo ra một tiết tấu rất dễ chịu và có tính vang vọng. Loại “đồng dao mới” này lại tải được nhiều trạng thái tình cảm và tư tưởng của người Việt nên nó dễ “vào” người đọc. Lối thơ này trở nên hiện đại nhờ cảm quan và tư duy theo lối sống hiện đại của tác giả. Nó cũng đã ít nhiều tạo được từ trường trong thơ ta những năm cuối thế kỷ 20, và nó vẫn tồn tại như một dòng mạch trong thơ hiện đại hôm nay. Riêng bài thơ Đồng dao cho người lớn được khá nhiều người thuộc, và nhiều nhà phê bình nhắc tới như một bài thơ cắm mốc cho bước ngoặt thơ tôi. Điều đó khiến tôi thấy vui.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.