A+ A A- Kiểu đọc sách

IS đang thực hiện cuộc phá hủy di sản văn hóa tàn bạo và có hệ thống nhất từ sau Thế chiến II

20:55 23/08/2015
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Các nhóm phiến quân của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và Iraq đang tiến thành cuộc phá hủy “tàn bạo và có hệ thống nhất” các di chỉ cổ đại kể từ sau Thế chiến II.

Đó là cảnh báo của bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESSCO sau khi phiến quân IS phá hủy tu viện St. Elian ở miền Trung Syria, nơi có một ngôi mộ có niên đại từ thế kỷ thứ 5 và là điểm hành hương lớn.

Theo bà Bokova, thế giới phải ngăn chặn các cuộc buôn bán di sản bị đánh cắp, qua đó cắt giảm được nguồn thu đáng kể của IS. Các cuộc tấn công gần đây khiến dấy lên mối lo ngại rằng IS đang tiến hành chiến dịch phá hủy và cướp phá các di chỉ di sản.


Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO

Kể từ khi nắm giữ được khoảng 1/3 Syria và Iraq từ hồi năm ngoái, phiến quân IS đã phá hủy nhiều đền thờ Hồi giáo, nhà thơ và các di chỉ khảo cổ, gây nên tổn hại nghiêm trọng tới các thành phố cổ Nimrud, Hatra và Dura Europos ở Iraq. Hồi tháng 5, chúng bắt đầu nắm quyền kiểm soát Palmyra, thành phố có niên đại từ thời La Mã.  

“Chúng ta chưa từng chứng kiến sự phá hủy tương tự kể từ sau Thế chiến II đến nay. Tôi nghĩ đây là nỗ lực lớn nhất, sự phá hủy có hệ thống tàn bạo nhất các di sản thế giới” – bà Bokova nói và nêu rằng, các bức ảnh gần đây về các di chỉ khảo cổ dưới sự kiểm soát của IS ở Iraq và Syria cho thấy dấu hiệu tàn phá và cướp phá đang lan rộng.


Tu viện St. Elian trước khi bị phiến quân IS phá hủy

“Nếu nhìn vào các bản đồ, ảnh chụp, ảnh vệ tinh về các di sản ở đây, bạn sẽ không thể nhận ra một di chỉ nào bởi xung quanh đó là hàng trăm chiếc lỗ”.  

Thế giới hiện nay chưa có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn hành động của những kẻ cực đoan, song việc ngăn chặn nạn buôn bán lậu các di sản văn hóa phải được ưu tiên hàng đầu.


Phiến quân IS dùng xe ủi phá hủy tu viện St. Elian

Nhiều cơ quan quốc tế, trong đó có Interpol, đang chia sẻ thông tin về các vụ buôn bán lậu di sản cổ, trong khi UNESCO đã kêu gọi nhiều nước thiết chặt luật hơn nữa. “Chúng tôi đã nhận được sự phản hồi của hơn 30 nước và ở những nước đó đang giới thiệu những biện pháp mới” – bà Bokova cho biết.

Tuấn Vĩ
Theo AFP

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...