Đặng Hoàng Giang - người thông minh 'đọc vị' đám đông Việt
(Thethaovanhoa.vn) - “Bức xúc không làm ta vô can” của Đặng Hoàng Giang là cuốn sách có cái tên khiến nhiều người thấy khó hiểu (vì cấu trúc câu hơi Tây)? Nhưng nếu tập trung vào 2 từ khóa “bức xúc” và “vô can” thì sẽ rất dễ hiểu: nhiều người đang bức xúc để tỏ ra mình vô can trước thực trạng xã hội.
Cuốn sách tập hợp các bài báo bình luận xã hội của tác giả Đặng Hoàng Giang đăng trên một số tờ báo của Việt Nam những năm gần đây. Sách ra mắt sáng 31/10 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội.
Xã hội ngày nay không thiếu người bức xúc, thậm chí bức xúc như một trào lưu, nhưng phải chăng cũng là “tiểu xảo” để tỏ ra mình tử tế? Đó dường như là câu hỏi mà tác giả muốn người đọc phải tư duy.
Cái gì thời thượng đều... đáng ngờ
Google có một công cụ thú vị là Google Trends. Theo Đặng Hoàng Giang, từ năm 2010, từ “bức xúc” bắt đầu xuất hiện, và từ đó tần suất xuất hiện càng nhiều hơn.
Bây giờ, anh nhận định từ đó đã trở thành xu hướng ở Việt Nam: “Không một từ tiếng Việt nào lại có một sự nghiệp thăng tiến ngoạn mục như vậy. Từ chỗ vô danh cách đây 7, 8 năm, bây giờ, nếu gõ “bức xúc” vào Google, ra sẽ được 29 triệu kết quả, gấp gần 10 lần “Ngọc Trinh”, một con số ấn tượng cho một từ có “làn da xấu xí” như vậy”.
“Tuy nhiên khi cái gì trở thành thời thượng, tôi thấy nó khá là đáng ngờ” – anh nói trong buổi ra mắt sách. “Có thể bức xúc là một tiểu xảo chứng tỏ chúng ta mới là người tử tế, còn những người xung quanh đang khiến cuộc sống của chúng ta trở nên khó khăn. Những người hay “bức xúc” thường cho rằng mình xứng đáng sống ở Thụy Điển cơ”.
Sau những bài báo như Vẻ đẹp của người đứng một mình, Bức xúc không làm ta vô can, Bi kịch của sự hào nhoáng hay Từ thiện câu like, Đặng Hoàng Giang nổi lên như một cây bút bình luận xã hội sắc sảo, có vốn kiến thức sâu rộng.
Nhưng nếu chỉ thông minh thôi thì chưa đặc biệt. “Xã hội ngày nay có rất nhiều người thông minh” – TS Trần Ngọc Hiếu nhận định - “Nhưng tôi nhận thấy điều đặc biệt ở anh Giang qua các bài viết, đó là anh ấy có 3 thứ: vị tha, độ lượng và hài hước”.
“Họ viết một status bày tỏ bức xúc mạnh mẽ về một vấn đề rồi đi nghỉ trong căn phòng ở một resort Đà Nẵng, trước khi ngủ còn kiếm tra xem đã đủ 50 like chưa” – một ví dụ của Đặng Hoàng Giang về cách cư dân mạng bày tỏ bức xúc, vừa thật vừa giễu nhại.
Người viết thông minh cho người đọc thông minh
Trong các bài viết của Đặng Hoàng Giang, người đọc có thể thấy rất nhiều câu văn trái khoáy như thế. Đám đông và hành động của đám đông là chủ đề yêu thích của anh. Không chỉ dựa trên hiện tượng cụ thể, anh bình luận về chiều sâu của hiện tượng với khả năng khái quát và liên tưởng rất cao.
Hoặc nói như Trần Ngọc Hiếu, Đặng Hoàng Giang là người “bình tĩnh trước các vấn đề thời thượng”.
Có thể nói, các bài viết của anh làm độc giả thông minh hơn. Tử tế hơn thì còn tùy. Bởi để tử tế, người ta không chỉ tỏ ra bức xúc là xong. Nói cách khác, đúng như tên cuốn sách: bức xúc không làm họ vô can.
“Bức xúc không thôi là không đủ. Người muốn thay đổi xã hội thì phải tỉnh táo và không dừng lại ở bức xúc” - Đặng Hoàng Giang nói. Thực ra anh không phản đối bức xúc, nhưng với anh đó chỉ là sự khởi đầu cho cả một công cuộc gọi là “thay đổi xã hội”. Là người thông minh, hẳn nhiên anh hiểu có những người tỏ ra bức xúc nhưng không định hành động để thay đổi bất cứ thứ gì.
Bám sát dòng thời sự như một nhà “phê bình xã hội” chuyên nghiệp (theo cách gọi của bà Tôn Nữ Thị Ninh trong lời nói đầu), Đặng Hoàng Giang không từ bỏ bất cứ đề tài nào gây tranh luận: hôi bia, ấn đền Trần, thói hào nhoáng, Việt Nam có tỷ phú USD, du lịch tàn phá văn hóa…
Vì vậy, cuốn sách sẽ khiến trí nhớ của độc giả phải hoạt động đôi chút, vì khi sách ra đời, các sự kiện từng gây “bức xúc” một thời đã trôi vào quên lãng. Thời nay chẳng nỗi bức xúc nào được ghi nhớ quá lâu.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa