Cố tình khiếu nại để kéo dài thời gian sử dụng đất - Cần xử lý kiên quyết
Hết hợp đồng thuê đất, hai doanh nghiệp ở Quảng Ninh cố tình trây ỳ, tổ chức khiếu nại hòng kéo dài thời gian sử dụng đất bất hợp pháp. Sự việc trên đã khiến công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng khu Cảng tổng hợp ở khu công nghiệp Cái Lân (TP. Hạ Long) bị đình trệ hơn 3 năm.
Hai doanh nghiệp kể trên là Công ty TNHH Quốc tế Sao Bắc và Công ty TNHH Hoài Nam. Từ năm 2003 và 2004, UBND tỉnh Quảng Ninh ra các quyết định số 1831 và 3660 cho hai doanh nghiệp trên thuê tổng số trên 33.000 m2 đất. Trong các quyết định, UBND tỉnh quy định rõ mục đích sử dụng chỉ là các bãi, bến tạm, doanh nghiệp không được phép xây dựng các công trình kiên cố và đặc biệt, khi nhà nước có nhu cầu sử dụng sẽ thu hồi, doanh nghiệp phải tự tháo dỡ trả lại mặt bằng, không được đền bù.
Quyết định cũng nêu rõ thời hạn cho thuê, cụ thể: Công ty Sao Bắc được thuê hàng năm (một năm ký một lần) với diện tích 18.257 m2; Công ty Hoài Nam được thuê 5 năm (từ năm 2004 đến năm 2009) với diện tích 14.771 m2. Trong quá trình sử dụng, hai doanh nghiệp này lấp đất làm bồi lắng ra khu vực cửa sông với diện tích hơn 10.000 m2 đất ngoài diện tích được thuê và sử dụng đất trái phép phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đầu năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án xây dựng Cảng tổng hợp, thuộc hệ thống Cảng Cái Lân tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long. Từ năm 2010, các hợp đồng thuê đất của 2 doanh nghiệp Sao Bắc và Hoài Nam theo các quyết định 1831 và 3660 không còn hiệu lực, UBND tỉnh cũng không gia hạn hợp đồng. Đồng thời để thực hiện dự án xây dựng Cảng tổng hợp, ngày 21/1/2010, UBND tỉnh ra Quyết định số 210 về việc thu hồi và giao đất cho UBND thành phố Hạ Long để bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án xây dựng cảng. Trong khu đất thu hồi có phần đất kể trên của hai Công ty Sao Bắc và Hoài Nam . Mặc dù chính quyền địa phương đã làm đầy đủ các thủ tục cần thiết như: công bố quy hoạch, thông báo tới các doanh nghiệp yêu cầu hợp tác trong công tác giải phóng mặt bằng… tuy nhiên cả hai doanh nghiệp này đều tỏ thái độ bất hợp tác, cử người không có tư cách pháp nhân đại diện, hoặc vắng mặt trong các buổi họp bàn với chính quyền.
Ông Đào Xuân Đan, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long cho biết: Cứ mỗi lần UBND thành phố ra văn bản thu hồi đất thì doanh nghiệp lại tiến hành khiếu nại, nên chính quyền buộc phải dừng lại việc xử lý giải phóng mặt bằng và chuyển sang giải quyết theo trình tự các bước khiếu nại. Vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng bị đình trệ, kéo dài đến nay đã hơn 3 năm. Thậm chí, UBND tỉnh cũng phải ban hành quyết định gia hạn thời gian thi hành quyết định 210 về việc thu hồi đất. Doanh nghiệp một mặt kéo dài khiếu nại, kiến nghị, nhưng mặt khác vẫn duy trì các hoạt động kinh doanh trên phần đất đã hết thời hạn được thuê.
Ông Vũ Kiên Cường, Phó Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Mỗi năm, các hoạt động băm gỗ, xuất khẩu dăm gỗ của các doanh nghiệp này có doanh thu đến 12 triệu USD. Doanh nghiệp cố tình trây ỳ trả mặt bằng, nên việc triển khai dự án xây dựng Cảng tổng hợp cũng vì thế bị đình trệ.
Ngoài phần đất kể trên, UBND tỉnh cũng quyết định thu hồi 1.696 m2 đất khác của Công ty Sao Bắc (được thuê 50 năm). Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Ninh cho biết: Việc thu hồi đất cho doanh nghiệp thuê 50 năm là được phép và hoàn toàn đúng Luật Đất đai năm 2003, vì Nhà nước thực hiện thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ. Dự án xây dựng Cảng tổng hợp nằm trong quy hoạch Khu Công nghiệp Cái Lân đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại Quyết định 578/TTg ngày 25/7/1997.
Doanh nghiệp khiếu nại hòng kéo dài việc sử dụng đất bất hợp pháp của mình đã tạo ra một tiền lệ xấu, khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra bất bình với cách giải quyết thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Đào Xuân Đan cam kết, đến tháng 6/2013, nếu hai doanh nghiệp không tự bàn giao đất, thì buộc chính quyền địa phương phải tổ chức cưỡng chế theo luật định vì thời gian đã kéo dài quá lâu.
TTXVN