Lưu trữ, phục chế phim trong thời đại 4.0: 'Số hóa' phim - Tốn kém, nhưng là lựa chọn duy nhất
(Thethaovanhoa.vn) - Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động lưu trữ, phục chế phim là một xu hướng tất yếu, là đòi hỏi cấp thiết đối với điện ảnh nói chung cũng như các cơ quan lưu trữ phim nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tác động sâu rộng, toàn diện tới tất cả các lĩnh vực xã hội trong đó có điện ảnh nói chung, cũng như công tác lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim nói riêng.
Số hóa là xu hướng tất yếu
Theo ông Nguyễn Xuân Dư, Phó viện trưởng Viện Phim Việt Nam, tại Việt Nam, trong khi các lĩnh vực sản xuất, phát hành, chiếu bóng của ngành điện ảnh đều đã chuyển đổi sang kỹ thuật số thì các đơn vị lưu trữ phim mới đang ở những giai đoạn đầu tiên của quá trình số hóa, phục chế tư liệu. Bởi thế, công việc này phức tạp khó khăn bởi vừa phải tiếp thu công nghệ mới, vừa phải tiếp tục duy trì bảo quản phim nhựa truyền thống.
Ông Đào Việt Hùng, Phó Giám đốc, Trung tâm Giải pháp & Dịch vụ Số Viettel IDC, cho hay: Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Số hóa phim lưu trữ trở thành một xu thế tất yếu với những ưu điểm về mở rộng quy mô lưu trữ, nhân bản và phổ biến phim thuận lợi.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga - Tổng giám đốc V-Startup, nhận định số hóa phim là trọng tâm của xu hướng chuyển đổi số lĩnh vực điện ảnh: “Để thuận tiện cho việc bảo quản và lưu trữ, điện ảnh Việt Nam cần khảo sát, phân định đối tượng số hóa và các thể loại một cách rõ ràng. Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế và đưa ra những chiến lược phù hợp đối với phân loại lưu trữ và số hóa điện ảnh tiên tiến, từ lâu đã thực hiện một cách khoa học trong việc phân loại các thể loại phim khác nhau”.
Theo ông Phạm Ngọc Quang, Giám đốc Công nghệ Công ty Cổ phần Nghe nhìn Việt Nam, số hóa phim là lựa chọn duy nhất tới thời điểm này và thực tế hầu hết các cường quốc về điện ảnh trên thế giới đã hoàn thành công đoạn số hóa kho phim của mình.
Tuy nhiên, với số lượng lưu trữ lên đến hàng trăm ngàn cuốn phim nhựa trong các kho phim, đã và đang xuống cấp, hư hại theo thời gian thì khối lượng công việc chuyển đổi phim nhựa truyền thống sang định dạng kỹ thuật số và sau đó là tu sửa, phục hồi theo yêu cầu thực tế, rồi cuối cùng là lưu trữ trên các hệ thống kỹ thuật số phù hợp, quả thực là khổng lồ và vô cùng tốn kém.
Cần có kế hoạch tổng thể, lâu dài
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Trưởng phòng Bảo quản tư liệu điện ảnh, Trung tâm Nghiên cứu & Lưu trữ Điện ảnh, trong tương lai, với bối cảnh phát triển của thời đại công nghệ 4.0, công nghệ số hóa và phục hồi hình ảnh tư liệu là một trong những biện pháp sống còn của công tác lưu trữ hình ảnh và âm thanh.
Tuy nhiên, cũng theo bà Nhung, vấn đề số hóa là công việc không có điểm dừng, một phần do khối lượng lớn số phim cần chuyển đổi, một phần tùy thuộc vào hệ thống thiết bị: “Lý tưởng nhất là đầu tư trang thiết bị đồng bộ, điều này đòi hỏi số kinh phí lớn và khó thực hiện trong cùng một lúc. Khả thi hơn là đầu tư từng phần trọng điểm trong từng giai đoạn, ưu tiên cho các khâu quan trọng nhất hoặc dễ tổn thương nhất nếu có sự cố.
Riêng trong lĩnh vực số hóa, việc đầu tư đồng bộ thiết bị là rất quan trọng vì sự tương thích giữa các hệ thống máy móc là yếu tố cần và đủ của công nghệ số, giúp công tác quản lý và vận hành được liên kết và hoạt động hiệu quả”.
ThS Phạm Minh Trường, Trưởng phòng Kỹ thuật, Viện Phim Việt Nam, cho hay, với nhân lực và trang thiết bị hiện nay của Viện, hàng năm chỉ số hóa được khoảng 700 cuốn phim nhựa và phục chế được khoảng 100 phút phim. Trong khi kho phim của Viện rất đồ sộ với gần 80.000 cuốn phim nhựa, để số hóa hết số phim trên cần vài chục năm. Chưa kể, hệ thống lưu trữ dữ liệu hiện nay cũng chỉ đủ khả năng lưu trữ được 600 cuốn phim đã số hóa ở độ phân giải 2K.
Để nâng cao hiệu quả hoạt lưu trữ, số hóa, phục chế phim tại Viện Phim Việt Nam, ThS Phạm Minh Trường cho rằng, cần xây dựng kế hoạch tổng thể, lộ trình cụ thể về số hóa toàn bộ kho phim. Công tác số hóa và phục chế phim cần đầu tư thêm về kỹ thuật, hệ thống trung tâm dữ liệu, đào tạo cán bộ…
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ dự án mà chị cùng các cộng sự đang theo đuổi là “Bảo tồn di sản điện ảnh Việt Nam thông qua phục chế và số hóa 4K phim 35mm chọn lọc”: “Trong dự án, chúng tôi xây dựng một mô hình hợp tác công tư - quy trình thực hiện nội địa và quốc tế hóa - nâng cao nhận thức của công chúng về di sản điện ảnh”.
Cụ thể hơn, mô hình đó sẽ là sự phối hợp giữa 3 đơn vị: Viện Phim Việt Nam cung cấp bản phim, chuyên gia, thiết bị, xây dựng quy trình, tham gia hoàn thiện bản phim số hóa, thực hiện lưu trữ; Ơ kìa Hà Nội film production là đơn vị khởi xướng xây dựng dự án, khảo sát hiện trạng, đánh giá, lập danh sách phim đợt thí điểm 1, mời chuyên gia cho các công đoạn: scan phim, phục chế, số hóa, tổ chức phát hành bao gồm chiếu cho công chúng trong nước và tham gia các liên hoan phim quốc tế; và Quỹ VINIF (Tập đoàn Vingroup) sẽ thông qua dự án/đề án, cấp tài chính theo lộ trình phù hợp.
Bên cạnh công tác số hóa lưu trữ phim, vấn đề phục chế phim cũng được các đơn vị lưu trữ quan tâm. Vẫn biết, công việc số hóa lưu trữ và phục chế phim trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 có vô vàn những khó khăn nhưng các đơn vị đã và đang quan tâm, cố gắng khắc phục, từng bước thực hiện việc lưu trữ bảo quản lâu dài các tư liệu hình ảnh động quý giá.
Tiểu Phong