Lượng tử topo(*) trong 'vũ trụ thơ' Hàn Mặc Tử
LTS: Trung tuần tháng 7 vừa qua, tại Quy Nhơn (Bình Định), có một hội thảo khoa học quốc tế mang một cái tên chuyên ngành không dễ hiểu - Điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện - đã được tổ chức trong suốt một tuần lễ với sự tham gia của nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới, trong đó có cả chủ nhân của giải Nobel Vật lý danh giá. Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Bình Định đã có một sự liên hệ sâu sắc và bất ngờ giữa những vấn đề vật lý hiện đại với "vũ trụ thơ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử.
1. Có mối cơ duyên kỳ lạ, đầu thế kỷ XX, Hàn Mặc Tử đã tạo nên dấu ấn của một không gian thơ thao thiết cảm quan vũ trụ: "Ra không gian là vượt hẳn thượng tầng/ Tấp tới đến ở ngoài kia vũ trụ/ Nơi khí tượng bốc ngàn muôn tinh tú"; thì đầu thế kỷ XXI, nơi đây đã lừng lững cơ sở hạ tầng của chốn "hoàng cung vật lý" với sự hội tụ của giới tinh hoa khoa học thế giới tạo nên "Quy Nhơn - cửa sổ nhìn ra vũ trụ".
Bây giờ, liên hoàn với thắng cảnh Ghềnh Ráng Tiên Sa - nơi Hàn Mặc Tử yên giấc ngàn thu - và vùng eo biển phía Nam là Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa, nổi tiếng với Trung tâm Quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) - nơi đến nay đã có hàng chục nhà Nobel, hàng nghìn nhà khoa học trong nước và quốc tế với hàng trăm hội thảo thúc đẩy những đột phá trong hiểu biết cơ bản về vũ trụ của chúng ta, từ những hạt nhỏ nhất đến toàn bộ vũ trụ...
Đời sống Quy Nhơn của hôm nay đương nhiên khác với Quy Nhơn thời Hàn Mặc Tử nhưng số phận thơ kỳ lạ đã đưa những dòng cảm xúc của ông vào một trạng thái tương thích với hiện đại, như sự liên thông của của những đơn vị thông tin trong máy tính: "Thơ chưa ra khỏi bút/ Giọt mực đã rụng rồi/ Lòng tôi chưa kịp nói/ Giấy đã toát mồ hôi".
2. Hồi đầu Thu năm 2022 tại ICISE, GS Ducan Haldane thực hiện nghi lễ thắp đuốc đánh dấu sự kiện hưởng ứng năm quốc tế khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững 2022 và nói chuyện với Trường Đại học Quy Nhơn chủ đề Vật chất lượng tử topo, vướng víu lượng tử và cuộc cách mạng lượng tử lần hai. Ông là người thứ 16 trong các nhà Nobel đến Quy Nhơn, người đoạt giải Nobel năm 2016 "cho những khám phá lý thuyết về sự chuyển pha topo và pha topo của vật chất", góp luồng sáng giải mã những bí ẩn của vật chất trong cấu trúc liên kết của vũ trụ này.
Bên cạnh đó là Hội nghị khoa học quốc tế Điện tử lượng tử topo tương tác trực diện có một tuần lễ bàn bạc các khía cạnh lý thuyết và thực nghiệm của vật liệu lượng tử...; về tính chất cân bằng và không cân bằng của các vật liệu lượng tử mới như: trạng thái topo của vật chất, hệ hai lớp xoắn, vật liệu từ tính, dichalcogenide kim loại và các chuyển tiếp, chất siêu dẫn hiện tượng lượng tử trong hệ trung mô...
Vâng, đó là câu chuyện trong hệ hình khoa học và cái duyên tương tác giao lưu của đất Quy Nhơn với giới tinh hoa khoa học trong vận hội mới.
Ai cũng biết, dù khoa học hay nghệ thuật, hành trang của nó không thể thiếu sự hiện diện của một thái cực có tên là đam mê. Sự đam mê ấy, Hàn Mặc Tử diễn đạt là: "Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút/ Mỗi lời thơ đều dính não cân ta/ Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt/ Như mê man chết điếng cả làn da" để xem thiên hà là nơi hò hẹn: "Chúng ta biến em ơi làm thanh khí/ Cho tan ra hòa hợp với tình anh/ Của Trời Đất của muôn vàn ý nhị/ Và tình ta sáng láng như trăng thanh" trong cảnh quan diệu vợi những tinh cầu: "Để nghe tiếng nhạc Nghê Thường trỗi/ Để hớp tinh anh của nguyệt cầu/ Và để thoát ly ngoài thế giới/ Để cười, để trửng, để yêu nhau"… Nó như một dạng lượng tử topo, chuyển động từ thần khí của nhà thơ vào dung mạo ngôn từ.
Nếu như topology là thuật ngữ toán học nghiên cứu việc các tính chất hình học và quan hệ không gian không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi liên tục của hình dạng hoặc kích thước của các hình (GS Duncan Haldane đã sử dụng giải thích tính chất từ của các chuỗi nguyên tử trong một số nguyên liệu vật chất nhất định), thì Hàn Mặc Tử thời xưa đã ngây ngất với "trường tương tư" vũ trụ của mình, và "vật liệu chữ nghĩa" của ông vướng víu với trăng sao, tạo ra những khúc du ca tình ái bản nguyên cõi mây trời: "Tôi đang đi trên con đường sáng láng tìm lấy Chân lý ngàn năm, mà hào quang của tinh tú, của những ngọc ngà, châu báu, trời tuôn xuống không biết hằng hà sa số nào nữa…".
Dường như, không gian thơ Hàn Mặc Tử có những nét tương đồng với không gian topo là những cấu trúc cho phép người ta hình thức hóa các khái niệm như là sự hội tụ, tính liên thông và tính liên tục. Vị GS người Hà Lan Gerard't Hooft, Giải Nobel Vật lý năm 1999, người tập trung vào lý thuyết trường chuẩn trong vật lý hạt cơ bản, lý thuyết về hấp dẫn lượng tử, lý thuyết đo, các lỗ đen, trọng lực lượng tử, đã về ICISE Quy Nhơn dự tham dự lễ khai mạc sự kiện khoa học Khám phá vũ trụ tối.
Nếu khám phá của ông bao gồm một bằng chứng rằng các lý thuyết đo được đều có thể tái chuẩn hóa, chuẩn theo chiều không gian, và tuân theo nguyên tắc holographic thì Hàn Mặc Tử đã từng ngất ngây diễn ngôn tiên báo: "Đo từ ngọn cỏ tới cung trăng/ Những sợi hào quang vạn thước vàng/ Bắt bắt thơ bay trong gió loạn/ Để xem tình tứ nặng bao cân". Hiểu theo nghĩa rộng, chất liệu của "văn hóa phi vật thể" dường như có những liên thông huyền ảo với chất liệu của "văn hóa vật thể", như bắt gặp của Hàn Mặc Tử: "Trí Người đã dâng cao và thơ Người dâng cao hơn nữa. Thì ra Người đang say sưa đi trong Mơ Ước, trong Huyền Diệu, trong Sáng Láng và vượt hẳn ngoài Hư Linh…"
Khi bàn về "vũ trụ toàn ảnh" - một khám phá của nhà Nobel Vật lý 1971 Hunggary Dennis Gabor, người ta thường nhắc đến những câu thơ của thi sĩ Anh William Blake (1757- 1827): "Để thấy vũ trụ trong một hạt cát/ Và bầu trời trong một bông hoa dại/ Hãy giữ cái vô biên trong lòng bàn tay bạn/ Và thiên thu trong một khoảnh khắc". Lòng tay nhà thơ, khoảnh khắc nhà thơ từng đón đỡ bao nhiêu cái vô hạn và ngàn trùng.
3. Thật hiếm có một nhà thơ mà cuộc đời, sự nghiệp cũng như nơi an nghỉ cuối cùng đã và đang tạo nguồn cảm xúc cho bước chân du khách viếng thăm cũng như gây hứng khởi sự ra đời các tác phẩm phái sinh của người yêu thơ nhiều và đa dạng như Hàn Mặc Tử.
Tôi nhớ mãi thời điểm bắt đầu Đổi mới, khi chúng tôi đã hoàn tất việc sưu tập tác phẩm Hàn Mặc Tử (1912- 1940) và Bích Khê (1916-1946), lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình lúc đó hết sức trọng thị mời các nhà thơ Quách Tấn, Chế Lan Viên và Yến Lan - bạn bè hai ông- về bàn bạc và sau đó chúng tôi trực tiếp hoàn chỉnh bản thảo và tiến hành việc xuất bản.
Nàng thơ của Hàn Mặc Tử trong cảm quan vũ trụ, nhiều khi đồng nhất với nàng Hằng Nga, thăng hoa Rượt trăng, Say trăng, Ngủ với trăng, Chơi giữa mùa trăng... và khi "Đầy mình lốm đốm những hào quang", nhà thơ đã vận dụng tiện nghi thiết yếu: "Ta lượm lá trăng làm chiếu trải "; lương thực: "Gió trăng có sẵn làm sao ăn"; thiết chế sáng tạo: "Cả miệng ta là trăng trăng trăng/ Cả lòng ta vô số gái ra hồng nhan/ Ta nhả đây một nàng"; chốn hò hẹn: "Ha ha, ta đuổi theo trăng/ Trăng rơi lả tả ngả trên cành vàng/ Đến đây là nơi tôi gặp được nàng" ; tạo mối giao cảm cực mạnh: "Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt/ Khép phòng đốt nến, nến rơi châu"… đến độ xác lập cái quyền của người có "sổ hồng chính chủ": "Ai mua trăng tôi bán trăng cho"!
Chắc linh hồn Hàn Mặc Tử nơi thượng giới sẽ thấu suốt xuống đêm trăng Quy Nhơn, bên bờ biển Ghềnh Ráng Tiên Sa, bóng những người bạn xưa trong nhóm Long Lân Quy Phụng của "Bàn Thành Tứ Hữu", nửa thế kỷ sau trân trọng đặt những trang thơ ông trên lòng tay cảm hoài của tình tri kỷ, không bút nào tả xiết. Đó là chuyện của năm 1986, 1987, chúng tôi có dịp trèo dốc Mộng Cầm lên thắp hương cho Hàn Mặc Tử, địa điểm như Chế Lan Viên mô tả: "những thành phố miền Trung thường có các nhà thơ ở trong và biển mé ngoài".
Những câu thơ xưa dào dạt cảm quan vũ trụ của "Bàn Thành Tứ Hữu", những người trẻ chúng tôi đã đọc cho chính các tác giả nghe lại, như Quách Tấn: "Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi/ Tình hoang mang gợi tứ hoang mang"; như Yến Lan: "Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả/ Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng"; như Chế Lan Viên: "Đêm hôm nay ngồi đây bên bờ bể/ Ta lặng đếm thử bao nhiêu thế kỷ/ Đã trôi trong một phút vội vàng qua/ Ta lắng nghe những thế giới bao la/ Tụ họp lại trong lòng muôn hột cát"…
Điều tôi muốn nói là sức tương tác của tinh thần thơ Hàn Mặc Tử và nhóm "Bàn Thành Tứ Hữu" như "hạt và sóng" của thế giới vật lý. Topo lượng tử là cách liên thông giữa toán học và vật lý học nhằm nghiên cứu topo của vũ trụ. Bằng vô số thí nghiệm hình học và nhiều dãy phép tính phức tạp, nhà vũ trụ học tạo các hình ảnh đa bội lặp lại để có thể suy ra kích thước và hình dáng thật sự của vũ trụ, tức xác định topo của vũ trụ và nhận ra vũ trụ là sân khấu của những ảo tưởng quang học khổng lồ phát sinh vì những hiệu ứng thấu kính topo (topological lens). Nhóm thơ "Bàn Thành Tứ Hữu", đặc biệt là Hàn Mặc Tử đương nhiên không phải là những nhà khoa học vũ trụ tìm đến quan sát Bức xạ Phông Vũ trụ CMB, (Cosmic Microwave Background), có vô số không gian với độ cong âm trong đó một số là không gian đóng (hữu hạn) một số là không gian mở (vô tận), nhưng họ có cái nhìn tiên nghiệm bằng trực cảm vô cùng nhạy bén và mãnh liệt, đã đưa cảm thức thi ca vũ trụ để xây dựng vũ trụ thi ca của mình: "Những lời năn nỉ của hư vô" (Hàn Mặc Tử), đến nỗi bạn ông, nhà thơ Chế Lan Viên đã sửng sốt: "Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử".
Nếu những nhà vật lý làm thơ bằng các định luật, giải mã bí ẩn vũ trụ từ hạt cơ bản đến tổng thể bầu trời và các hành tinh thì nhà thơ "làm vật lý" bằng trực cảm từ vang động của những con chữ đến sự thăng hoa của tâm hồn, những khát vọng, mơ tưởng có tốc độ ánh sáng và trọng lực của những hành tinh.
(*) Topo hay tô-pô hay topology, theo Wikipedia, là thuật ngữ toán học nghiên cứu "các đặc tính còn được bảo toàn qua các sự biến dạng, ngoại trừ việc xé rách và việc dán dính. Do đó, topo còn được gọi là "hình học của màng cao su".
Topo lượng tử là cách liên thông giữa toán học và vật lý học nhằm nghiên cứu topo của vũ trụ.