Lượng thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thấp
Chỉ còn gần 2 tuần nữa kết thúc thời hạn đăng ký dự thi Đánh giá năng lực đợt 1 Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đến nay lượng thí sinh đăng ký dự thi còn rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến 9 giờ ngày 21/2, sau một tháng mở cổng đăng ký thi đợt 1, có 35.837 thí sinh đăng ký dự thi (32.723 thí sinh xác nhận dự thi - đóng lệ phí). Số thí sinh đăng ký dự thi ở điểm thi Thành phố Hồ Chí Minh đông nhất, với 16.461 thí sinh; tiếp đến là Đà Nẵng 2.137, Đồng Nai 1.897, Bình Định 1.844 thí sinh…
Trong khi đó, đợt 1 kỳ thi năm 2023 có gần 90.000 thí sinh dự thi. Về tình hình thí sinh đăng ký dự thi năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực tế những năm trước thí sinh thường chờ đến 2 tuần cuối cùng mới đăng ký. Phân tích số liệu các năm trước cho thấy có từ 60 - 80% thí sinh đăng ký dự thi vào 2 tuần cuối cùng trước khi kết thúc thời hạn. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích thí sinh đăng ký dự thi sớm để có thể chủ động giải quyết các vấn đề kỹ thuật, nếu có xảy ra.
Năm nay, kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được tổ chức với 2 đợt thi vào tháng 3 và tháng 6. Thí sinh có thể chọn dự thi đợt 1 hoặc đợt 2, hay cả 2 đợt thi để tăng cơ hội trúng tuyển. Trong đó, đợt 1 kỳ thi diễn ra tại 24 tỉnh, thành phố, gồm 21 địa phương như năm trước (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu) và mở rộng thêm 3 địa phương là Thừa Thiên - Huế, Bình Phước, Tây Ninh.
Đợt 2 kỳ thi được tổ chức tại 12 địa phương, gồm Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang.
Hiện, có hơn 100 trường đại học, cao đẳng trong và ngoài hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực này để xét tuyển đầu vào.
Cùng với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tại Thành phố có thêm 2 trường thông báo tiếp tục tổ chức kỳ thi riêng để phục vụ tuyển sinh đầu vào năm 2024 là Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 3 đợt thi Đánh giá năng lực chuyên biệt vào tháng 3 và tháng 5, tại Thành phố Hồ Chí Minh và Long An (tăng thêm một đợt thi và thêm một điểm thi so với năm ngoái). Thí sinh sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt kết hợp với điểm học tập Trung học phổ thông để xét tuyển vào một số ngành theo quy định của trường. Từ ngày 19/2 - 15/3, trường mở cổng đăng ký dự thi đợt 1.
Kỳ thi gồm 6 bài thi: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, tiếng Anh. Thí sinh có thể đăng ký một hoặc nhiều bài thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành học tương ứng theo tổ hợp xét tuyển. Kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt được bảo lưu để xét tuyển trong vòng 2 năm. Vì thế, cùng với học sinh lớp 12, học sinh lớp 11 có thể đăng ký dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển cho năm sau đó. Trước đó, năm 2023, kỳ thi Đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 4.400 thí sinh tham gia, tăng gấp đôi so với năm 2022 - năm đầu tiên tổ chức.
Năm 2024 là năm thứ 2 Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi Đánh giá đầu vào đại học trên máy tính để xét tuyển đầu vào. Dự kiến, kỳ thi sẽ được tổ chức 4 đợt thi, từ tháng 3 đến tháng 5, với 6 bài độc lập: Toán, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý. Trường dành 10 - 40% chỉ tiêu các chương trình chuẩn để xét tuyển bằng kết quả kỳ thi này.