Lương cứng 35 triệu/tháng nhưng lại bị công ty cho nghỉ việc: Nhiều người có chung 1 sai lầm lớn giữa bão sa thải!
Bão sa thải ập đến, việc sống dựa vào 1 nguồn thu nhập duy nhất cực kỳ rủi ro!
Bỗng dưng mất việc chỉ vì...?
“Cuối năm ngoái, mình buộc phải dừng lại công việc đã theo đuổi gần 7 năm. Quyết định cho thôi việc đến đột ngột, mình thậm chí còn không biết nguyên nhân là gì." Đây là chia sẻ đến từ Hoài Nam (29 tuổi, Vĩnh Phúc) trong lúc thị trường lao động khủng hoảng vì bão sa thải. Thật không may, thời điểm đó Nam bị mất đi công việc mang lại nguồn thu lớn nhất của mình.
Nam kể câu chuyện của chính mình: "Mình làm việc cho 1 công ty nước ngoài, với mức lương khởi điểm khoảng 500-600$ ~ hơn 10 triệu đồng. Đó là mức lương cho vị trí chuyên viên kỹ thuật phần mềm năm 2015, khá cao so với 1 sinh viên mới tốt nghiệp. Cơ hội đó đến với mình là nhờ sự nỗ lực rèn dũa khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau đó, mình cố gắng học hỏi từng ngày, nhanh nhẹn nắm bắt các kỹ năng liên quan đến công việc, dần dần lấy được sự tín nhiệm của sếp. Vốn tiếng Anh của mình khá tốt nên thường xuyên là người làm báo cáo cho cả đội. Trải qua 2 năm cũng được cất nhắc lên vị trí trưởng phòng, dẫn dắt 1 nhóm riêng. Mức lương theo đó cũng tăng lên hơn 1000$ (22-23 triệu/tháng).
5 năm sau thì vị trí và mức lương cứng của mình cũng dần đi vào ổn định. Duy trì khoảng 35 triệu đồng/tháng. Nhưng có lẽ đây cũng là con dao 2 lưỡi, khi mọi thứ dần trở nên nhàm chán. Công việc không có gì thay đổi, kiến thức cũ kỹ, đôi khi làm việc cũng theo 1 thói quen chứ không còn sự nhiệt huyết ban đầu. Nhưng mình không muốn bước ra khỏi vùng an toàn. Cho đến khi bão sa thải ập đến, khoảng cuối năm 2022, mình chính thức nhận đơn thôi việc. Lúc nhận được thông báo mình bàng hoàng, vì không hiểu có lý do gì lại khiến 1 người làm việc lâu năm bị cho nghỉ. Hỏi sếp, thì cũng chỉ nhận lại câu nói "Công ty gặp khó khăn, buộc phải cắt bớt chi phí, trong đó có nhân sự." Qua được 1 khoảng thời gian bình tâm, nghĩ kỹ lại thì có lẽ là do khả năng của mình không thể tiến xa hơn trong công việc nữa.”
Trong giai đoạn khó khăn, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra: nhiều người thất nghiệp, công ty phá sản, gia đình ly tán,... và trong mọi trường hợp, đều cần chuẩn bị phương án dự phòng. Nam chia sẻ thêm: "Thật may trong những năm đi làm, mình luôn có khoản tích lũy cho tương lai. Thất nghiệp cũng là 1 trong số đó. Mình chỉ không nghĩ nó lại đến nhanh như vậy." Trải qua khoảng thời gian nghỉ ngơi, Nam cũng đưa ra dự định mới của mình: "Mất đi sự ổn định, mình rút ra được bài học: Nếu đi làm thuê, đó không phải sự ổn định, mà tiềm tàng của rất nhiều rủi ro. Vậy nên, bước vào giai đoạn mới của cuộc đời, mình sẽ tập trung hơn vào sự nghiệp riêng. Bên cạnh đó, là bổ sung những nguồn thu nhập thụ động ở các lĩnh vực mình quan tâm như đá quý hoặc bất động sản."
Giải quyết vấn đề thất nghiệp trong bão sa thải
Để không bị sốc tâm lý nếu bỗng dưng bị cho nghỉ việc: Hoặc là bạn chuẩn bị kiến thức, kỹ năng có thể xin việc bất cứ lúc nào; Hoặc là làm song song nghề tay trái để chủ động hơn trong thu nhập. Đa phần những người trẻ hiện nay đều làm thêm các công việc tự do song hành cùng công việc chính.
Thanh Thanh (24 tuổi, Hà Nội) vừa đi làm được 2 năm nhưng luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trong công việc mới: "Thật ra mình nhận thấy tư duy của những người trẻ giống mình có 1 điểm chung, là không ngại làm quen với môi trường mới. Bạn bè mình cũng vậy, tụi mình cũng hay tâm sự chuyện đổi công việc. Không còn quá áp lực nếu như bỗng dưng có quyết định cho thôi việc, vì bây giờ cơ hội mới rất nhiều. Thay vào đó, mình luôn có suy nghĩ: Cách tốt nhất để tồn tại trong môi trường công ty là phải chuyên nghiệp. Cụ thể là không ngừng nâng cao năng lực bản thân. Và nhận biết được 1 điều, đem đến thu nhập cho mình là công việc, nên phải đặt lợi ích của công ty lên hàng đầu. Từ đó, mình sẽ làm việc bằng cái tâm.
Bên cạnh đó, mình cũng chuẩn bị cho bản thân 1 đường lui, bằng cách đa dạng hơn nguồn thu nhập. Mình cảm thấy, nếu bây giờ chỉ làm 8 tiếng/ngày, sau đó không làm gì nữa thật quá lãng phí. Vừa tốn thời gian lại không ra tiền. Nên lúc nào mình cũng xoay xở để có hơn 2 nguồn thu. Như hiện nay, mình chọn đầu tư vào dự án của bạn mình về thời trang, góp 30% vốn để ăn lợi nhuận lâu dài. Còn về cá nhân, mình luôn có nghề tay trái để phòng hờ rủi ro, như nhận làm thêm các công việc freelance với người nước ngoài. Lương sẽ cao hơn nếu như bạn biết 1 chút ngoại ngữ. Từ lúc đa dạng thu nhập, mình không còn lo lắng nếu như lỡ nghe tin công ty cắt giảm nhân sự, hay tiền lương bị ảnh hưởng gián đoạn bởi lý do nào đó."
Người có năng lực thật sự, khả năng thích nghi tốt thì công việc nào cũng có thể đáp ứng được. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ không còn lo lắng đến vấn đề công ty cắt giảm nhân sự. Hồng Đức (1994, Ninh Bình), đã có kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề tuyển dụng, chia sẻ: "Cái giá của việc thích ổn định là lựa chọn làm thuê. Nhu cầu tuyển dụng của công ty tuy nhiều, nhưng lựa chọn được nhân viên đúng với vị trí rất khó. Từ đó, thúc đẩy quá trình đào thải nhân viên ngày càng nhanh. Chỉ cần bạn biểu hiện trong công việc không tốt, lập tức sẽ có người thay thế vị trí của bạn. Chính vì thế, nếu xác định muốn ổn định lâu dài, thì hãy không ngừng học hỏi và phát triển bản thân."