Lược sử bóng Vàng
(Thethaovanhoa.vn) - Không có bất ngờ nào, khi lần lượt Hoàng Đức, Huỳnh Như và Hồ Văn Ý đoạt danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam 2021 ở các hạng mục Nam, nữ và futsal. Họ đã có một năm thi đấu rất hay ở cấp độ ĐTQG.
Năm 2018, khi Quang Hải lần đầu bước lên bục cao nhất trong cuộc bầu chọn cá nhân ở tuổi 21, thì Hoàng Đức (ít hơn 1 tuổi) vẫn chỉ chơi bóng ở giải hạng Nhất, thậm chí ở cả giải trẻ và các cấp độ đội tuyên trẻ quốc gia. Nhưng, ngay từ thời điểm đó, giới chuyên môn đã nhận định sẽ có một cuộc đua song mã ở các cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng trong tương lai gần.
Đoạt Quả bóng Bạc 2021, Quang Hải có lần thứ 5 liên tiếp trong 6 năm qua lọt vào Top 3, trong khi Tiến Linh (bằng tuổi Hải) cũng là một gương mặt sáng nước.
Có thể thấy, Quang Hải, Tiến Linh và Hoàng Đức chính là những đại biểu ưu tú nhất cho thế hệ của các anh. Trước đó, người ta đánh giá cao lứa U19 Học viện HAGL - Arsenal - JMG, với Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh..., Nhưng là về sự đồng đều, cùng chất lượng lối chơi tổng thể. Còn về mặt cá nhân, khó thể so với 3 cái tên kể trên.
Kể từ năm 1995, khi danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam được phôi thai, đã ngót 30 năm, các cuộc bầu chọn diễn ra đều đặn. Rất nhiều cầu thủ được vinh danh và cho đến thời điểm này, vẫn chưa một ai xô đổ kỷ lục 4 Quả bóng Vàng của Phạm Thành Lương (CLB Hà Nội). Hà Nội cũng là đội bóng sở hữu nhiều Quả bóng Vàng nhất, dù chỉ mới qua 15 năm tuổi, với bắt đầu là Dương Hồng Sơn (2008), kế đó là Thành Lương, Quang Hải, Hùng Dũng và Văn Quyết...
Nỗ lực rất đáng khích lệ của báo Sài Gòn Giải Phóng trong việc duy trì giải thưởng và điều đó cho thấy rằng, việc xã hội hóa thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, quan trọng đến đâu. Ví như từ các giải bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng của báo Nhi Đồng trước đây, các VCK U19 cho đến U21 quốc gia được tổ chức đều đặn bởi báo Thanh Niên...
Tất nhiên, Liên đoàn (VFF) không chỉ ngồi rung đùi mà khoán trắng cho các đơn vị tư nhân hay truyền thông. Vì là cơ quan quản lý nền bóng đá, VFF phải có những hỗ trợ tích cực hơn nữa, với ngay từ mảng phong trào và đào tạo trẻ, với các đơn vị đã và đang làm, chứ không chỉ với bóng đá đỉnh cao.
Suy từ lịch sử Quả bóng Vàng Việt Nam trong khoảng 2 thập niên qua cho thấy, các tài năng bóng đá, kiểu anh hùng xuất thiếu niên, không thiếu. Cả Văn Quyến, Công Vinh đều có danh hiệu này khi mới 19 tuổi (2003-2004), Thành Lương và Quang Hải muộn hơn chút khi đoạt bóng vàng lần đầu ở tuổi 21. Còn Hoàng Đức, năm nay cũng chỉ mới 24 tuổi. Tre chưa già mà măng đã mọc, đấy là một tín hiệu tốt.
Trong năm 2022, nền bóng đá với đặc biệt là các cấp độ đội tuyển trẻ quốc gia, đã và sẽ gánh vác rất nhiều nhiệm vụ quan trọng. Bắt đầu từ giải U22 Đông Nam Á khởi tranh ở Campuchia, kế đến là VCK U23 châu Á, rồi SEA Games trên sân nhà. Một dịp may để chúng ta có thể tuyển chọn các nhân tố mới cho ĐTQG và người viết tin rằng, sẽ còn có thêm những Hoàng Đức, Quang Hải hay Tiến Linh ở các đội tuyển trẻ này.
Bóng đá là kế thừa, là tích lũy, là tính liên tục, để có thể nâng cấp và hướng đến sự tự cường. Chúng ta và cả các cầu thủ không được phép ngủ quên trên chiến thắng hay vinh quang nhất thời.
CCKM