Luật Di sản văn hóa cần chi tiết quy định về sở hữu di sản văn hoá, hợp tác quản lý di tích
Để công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa ngày tốt hơn thì quy định về sở hữu di tích, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu di tích được quy định tại các Điều trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2023 cần được đảm bảo và thông qua.
Vấn đề phát huy vai trò của chủ sở hữu di tích trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản được các chuyên gia, nhà quản lý quan tâm trong góp ý dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Những nảy sinh từ sở hữu cá nhân di sản
Dự thảo Luật Di sản Văn hóa có 9 chương, 154 điều (So với Luật Di sản văn hóa năm 2001, đã được sửa đổi và bổ sung năm 2009 có 7 chương và 74 điều) đã bao trùm lên tất cả các lĩnh vực liên quan đến Di sản văn hoá, kế thừa, bổ sung và cập nhật các nội dung phát sinh từ thực tiễn quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa từ các địa phương trên cả nước qua hơn 2 thập kỷ kể từ khi Luật Di sản văn hóa có hiệu lực. Đặc biệt, trong Dự thảo luật đã coi Di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của Di sản văn hóa nhân loại… cùng các quy định về sở hữu di sản văn hoá, hợp tác quản lý di tích theo phương thúc công tư, chuyển đổi số trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và các hoạt động về kinh doanh dịch vụ về di sản văn hóa nhằm tạo cho Di sản văn hóa có sức sống, vừa có tính truyền thống, vừa có tính thời sự, mang bản sắc riêng và phát triển song hành với bức tranh phát triển kinh tế xã hội của các địa phương nơi có di tích, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập của người dân nơi có di tích.
Theo ông Đỗ Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, thực tiễn cho thấy, trong những năm qua, quy định về sở hữu di tích, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu di tích trong công tác phát huy giá trị di tích, nhất là di tích xếp hạng tại Nam Định đã đạt được những thành tích đáng kể. Nhiều di tích ở Nam Định là địa điểm du lịch hấp dẫn, điểm đến tham quan, học tập, nghiên cứu, hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Nhiều di tích, cụm di tích đã trở thành sản phẩm du lịch, khẳng định vị trí, vai trò trong đời sống, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, ông Đỗ Quang Trung cho biết, bên cạnh những mặt tích cực trên thì trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu di tích trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như sự quản lý chồng chéo, đan xen giữa các cấp, các cơ quan, đơn vị và tư nhân hóa di tích nên một số di tích, cụm di tích ít nhiều bị cá nhân hóa, gia đình/tập thể hóa, xem nhẹ quy định của pháp luật về di sản; Chủ sở hữu di tích chưa phát huy, làm đúng vai trò quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu di tích dẫn đến nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng tự ý tu bổ, tôn tạo; mất trộm di vật, cổ vật; thương mại hóa; hàng quán không được quy hoạch; bổ sung, thay thế đồ thờ tự, đưa linh vật ngoại lai vào di tích. Nhiều di tích sau khi xếp hạng dường như bị lãng quên, chỉ được quản lý trên hồ sơ, thậm chí có di tích bị xâm hại nghiêm trọng mà chủ sở hữu chưa hoặc không có biện pháp can thiệp kịp thời.
Còn tại phố cổ Hội An, theo ông Phạm Phú Ngọc, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết: Số liệu thống kê trong khu vực I cho thấy: Di tích thuộc sở hữu tư nhân chiếm 82,3%, di tích thuộc sở hữu cộng đồng chiếm 1,2%, di tích thuộc sở hữu nhà nước chiếm 16,5%. Sự mất - còn của di sản phụ thuộc vào ý thức, sự đồng hành của các chủ sở hữu.
Từ thực tiễn đó, ở Hội An có những vấn đề như tình trạng mua bán, chuyển nhượng nhà ở thuộc sở hữu tư nhân có chiều hướng gia tăng làm thay đổi chủ sở hữu di tích.
Việc mua bán, chuyển nhượng là quyền của chủ sở hữu được pháp luật bảo vệ, nhưng đối với việc mua bán, chuyển nhượng là di tích thì bên cạnh thay đổi chủ sở hữu còn dẫn đến tình trạng biến đổi chức năng cấu trúc, không gian của các di tích, ảnh hưởng đến việc gìn giữ "phần hồn" của di tích, sự bảo tồn toàn vẹn giá trị văn hóa chung (vật thể và phi vật thể) của khu phố cổ. Đặc biệt đối với các di tích có giá trị cao (được phân loại đặc biệt, loại I) – khi có thay đổi chủ sở hữu sẽ dẫn đến nguy cơ cao suy giảm mạnh giá trị di tích. Trong khi đó, hiện nay vẫn chưa có cơ chế để chủ di tích ưu tiên chuyển nhượng lại cho nhà nước/để nhà nước được ưu tiên mua lại nhằm mục đích bảo vệ di tích đó.
Ngoài ra là các vấn đề về: Mua bán, chuyển nhượng nhà ở thuộc sở hữu tư nhân; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tách thửa của di tích thuộc sở hữu tư nhân và tập thể được thực hiện theo quy định pháp luật, nhưng trong các thủ tục hiện hành không có quy định thông qua cơ quan quản lý di sản nên cơ quan quản lý di sản không được cập nhật, nắm bắt tình hình di tích trong công tác quản lý.
Những di tích sở hữu cộng đồng (đình, miếu, hội quán) khó xác định chủ thể để thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Những di tích có đồng sở hữu gặp khó khăn trong việc xác định quyền thừa kế, xác định người đại diện để thực hiện các thủ tục hành chính trong việc bảo vệ di tích, như trong việc huy động kinh phí tu bổ di tích khi bị xuống cấp, thực hiện quyền giao dịch dân sự liên quan đến di tích…
Ưu tiên chuyển nhượng cho nhà nước?
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Thạo, đại diện Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) chỉ ra thực tế tại Đường Lâm hiện nay có tình trạng mua bán chuyển nhượng các thửa đất có nhà cổ để làm du lịch. Bên cạnh đó, những ngôi nhà cổ có nhiều chủ sở hữu do chia thừa kế. Do đó, việc thực hiện tu bổ bảo tồn các ngôi nhà cổ rất khó triển khai vì không có được sự đồng thuận giữa các chủ sở hữu.
Hiện nay, luật chưa quy định việc cấm hay hạn chế mua bán, chuyển nhượng các loại hình di tích sở hữu tư nhân này nên cũng không thể ngăn cấm hành vi này. Nên chăng chúng ta cũng phải có quy định cấm không cho chuyển nhượng, thừa kế, chia lô tách thửa các loại hình di tích sở hữu tư nhân, có như vậy mới giữ được di sản," ông Nguyễn Đăng Thạo nêu vấn đề.
Ông Đỗ Quang Trung cho rằng, việc xếp hạng di tích là sự tôn vinh của Nhà nước đối với giá trị của di tích để di tích được gìn giữ lâu dài. Do đó các chủ sở hữu di tích cần tuân theo các quy định về bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Ngoài ra, trong thẩm quyền của mình, các địa phương cần chủ động trong việc bảo vệ, phát huy, khai thác giá trị của di tích. Đồng thời, chủ động vấn đề xã hội hóa, dịch vụ hóa và thu hút nguồn lực trong hoạt động bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích. Đó là những cơ sở để thực hiện hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa tư nhân, cộng đồng và Nhà nước trong việc sở hữu, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
ThS. Phạm Phú Ngọc cho rằng, các quy định của nhà nước, nhất là Luật Di sản Văn hóa cần có những quy định cụ thể, có tính đặc thù về vấn đề sở hữu di tích, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu di tích để đảm bảo vấn đề về mặt quản lý nhà nước và thực thi các giải pháp quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản được hiệu quả, nhằm đạt được mục tiêu vừa bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản, vừa giải quyết được quyền và nghĩa vụ hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích mang lại từ di sản với việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ di sản của chủ sở hữu.
Thực tiễn ở Hội An trong thời gian qua đã có nhiều giải pháp tập trung để giải quyết hài hòa mối quan hệ này. Quan trọng hàng đầu là hoạt động tuyên truyền, giáo dục được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức đã giúp cho chủ sở hữu di tích nhận thức sâu sắc giá trị di sản mình đang nắm giữ, dần dần bồi đắp lòng trân quý đối với di sản, ý thức rằng di sản đó không chỉ thuộc quyền sở hữu của bản thân họ, là giá trị kinh tế mang lại cho cuộc sống hiện tại của họ, mà di tích đó còn là tài sản được nhiều thế hệ đi trước lưu truyền từ quá khứ, cần có trách nhiệm gìn giữ lại cho thế hệ mai sau.
Song song với đó, nhiều chính sách, giải pháp phát huy quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu di tích cũng được thực hiện, hiệu quả nhất là ban hành Cơ chế hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa - cải tạo công trình, nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân - tập thể. Theo đó, tùy theo giá trị và vị trí di tích, đồng thời chủ sở hữu di tích phải có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, đồng thời nhà và đất chưa qua mua bán, chuyển nhượng từ năm 1999 trở về sau sẽ được Nhà nước hỗ trợ từ 40-75% kinh phí đầu tư khi chủ sở hữu tiến hành tu bổ di tích. Các trường hợp được hỗ trợ này đều được cơ quan chuyên môn là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An làm chủ đầu tư nhằm đảm bảo thủ tục đầu tư, giải pháp thi công theo nguyên tắc bảo tồn tính chân xác, nguyên vẹn của di tích. Các trường hợp chủ di tích xin phép tu bổ di tích cũng được Trung tâm kiểm tra, cấp phép, giám sát và hướng dẫn chủ di tích thực hiện theo nội dung được cấp, đảm bảo quy định của Quy chế đã được ban hành.