Luật An ninh mạng nhắm vào tội phạm mạng, không phải người dân
(Thethaovanhoa.vn) - Bất kỳ ai có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác thì coi như xâm phạm vào quyền dân sự. Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019 không cấm tự do ngôn luận nhưng sẽ là một công cụ để làm lành mạnh thông tin mạng. Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, giúp lực lượng chuyên trách xử lý những nguy cơ, thách thức từ không gian mạng kịp thời, hiệu quả. Luật sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019.
- Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật An ninh mạng
- Luật An ninh mạng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp
- Bộ Ngoại giao: Việc xây dựng Luật An ninh mạng là cần thiết trong bối cảnh hiện nay
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhiều ý kiến lo ngại, khi Luật An ninh mạng được thông qua, quyền tự do ngôn luận sẽ bị hạn chế, hiểu như thế là không đúng. Vấn đề này không bắt đầu từ Luật An ninh mạng mà trong bộ Luật Dân sự đã quy định.
Bất kỳ ai có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác thì coi như xâm phạm vào quyền dân sự. Khi xâm phạm vào quyền dân sự, gây nguy hiểm xã hội sẽ có Bộ luật Hình sự điều chỉnh, vì có thể trở thành tội phạm. Luật An ninh mạng chỉ là một công cụ để kiểm soát những vấn đề an ninh trên mạng, không cấm tự do ngôn luận.
Hiểu rằng Luật An ninh mạng cấm tự do ngôn luận là hiểu sai, áp đặt với dụng ý khác là không đúng. Luật An ninh mạng nhắm vào tội phạm mạng, không phải người dân. Luật An ninh mạng tập trung cao độ vào việc phòng chống tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng. Còn vấn đề an ninh, trật tự an toàn xã hội đã nói có nhiều đạo luật khác điều chỉnh.
Tuy nhiên, không có một đạo luật nào là hoàn hảo. Nên tất cả các đạo luật đều phải có sơ kết, tổng kết và khi thực thi sẽ lấy thực tiễn làm thước đo và sẽ xem xét, đánh giá tính khả thi, vấn đề về xã hội pháp lý và điều chỉnh. Khi bấm nút thông qua luật, bản thân các đại biểu trước đó cũng có những lo ngại nhưng trong các sự lựa chọn thì phải đặt lợi ích quốc gia lên trên các lợi ích khác. Tội phạm mạng ngày càng tinh vi. Bất kỳ một đại biểu Quốc hội, người dân nào cũng cho rằng, vấn đề an ninh của quốc gia, an nguy của Tổ quốc là số một.
Về vấn đề này, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, người dân không bị giám sát bởi Luật An ninh mạng Tất cả các quốc gia đều quản lý hệ thống mạng, đặc biệt là trong tình hình hiện nay, trong không gian mạng, an ninh mạng, chúng ta phải nắm bắt được thông tin.
Mỗi quốc gia sẽ có cách làm, phương pháp quản lý riêng. Đặc biệt ở Việt Nam đa số phương tiện, thiết bị đều nhập từ nước ngoài. Vừa qua, trên lĩnh vực quản lý mạng, chúng ta đã làm nhưng chưa tốt, vẫn còn bỏ lọt, có hiện tượng lợi dụng mạng xã hội, hệ thống thông tin mạng để chống phá chế độ, ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh tế, hàng không, kể cả an ninh quốc gia. Việt Nam đã thấy được có những khiếm khuyết này.
Về việc có ý kiến lo ngại, Luật An ninh mạng khiến cho thông tin người dùng dễ dàng bị quản lý, chi phối, vì vậy, quyền công dân được Hiến định, người dân không bị ảnh hưởng hay bị giám sát hoạt động, nhưng cũng nên rà soát lại những thông tin quan trọng, an ninh quốc gia của các cơ quan chủ quản, như các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các tổ chức kinh tế lớn như sân bay, ngân hàng... những lĩnh vực này, chỉ một số cơ quan quản lý mạng. Luật sẽ can thiệp vào những thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Ví dụ một doanh nghiệp dùng hệ thống cơ sở hạ tầng để phát tán tài liệu chống phá, bôi nhọ, vi phạm nhân quyền... thì sẽ bị nhắc nhở. Do vậy, khi luật này ban hành chúng ta sẽ kiểm soát tốt hơn, thông qua luật này, có chế tài, làm lành mạnh hơn nữa không gian mạng.
TTXVN