London - nơi thu hút nhân tài nhất thế giới 10 năm qua
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, việc sinh sống và làm việc ở nước ngoài đang trở thành giấc mơ có thể đạt được đối với nhiều người.
Báo cáo Giải mã Tài năng Toàn cầu 2024 của Boston Consulting Group (BCG) hợp tác với The Network và The Stepstone Group cho biết trên toàn cầu, cứ bốn chuyên gia thì có một người đang tìm kiếm việc làm ở nước ngoài.
Báo cáo cho thấy bất chấp những lo ngại về kinh tế và địa chính trị gần đây, ngày càng có nhiều người chủ động tìm kiếm việc làm ở nước ngoài. Khảo sát trên 150.000 người tham gia từ 188 quốc gia cho thấy tỷ lệ người tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài đã tăng từ 21% trong năm 2020 lên 23% vào năm 2023.
Báo cáo ước tính có tới 800 triệu chuyên gia có thể đang tích cực tìm kiếm việc làm ở nước ngoài. Ba lý do phổ biến nhất để tìm kiếm công việc ở nước ngoài theo những người được khảo sát bao gồm cơ hội kinh tế, thăng tiến nghề nghiệp và tiềm năng cho một cuộc sống chất lượng tốt hơn. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có tới 92% lãnh đạo của các nhà tuyển dụng toàn cầu cho biết thu hút và giữ chân nhân tài là một trong ba ưu tiên hàng đầu của họ.
Theo một báo cáo riêng của BCG vào năm 2022, việc tuyển dụng lao động nước ngoài không chỉ lấp đầy lỗ hổng năng lực, các công ty có tính đa dạng toàn cầu cao hơn thì sáng tạo và thành công hơn. Họ tạo ra lợi nhuận cao hơn và có khả năng trở thành nhà đổi mới đẳng cấp thế giới cao hơn 75%.
Theo báo cáo trên, London đã duy trì vị trí dẫn đầu kể từ năm 2014. Khảo sát cho thấy 9% số người được hỏi sẵn sàng chuyển đến London. Các yếu tố hàng đầu mang lại vị thế cho London gồm: tiếng Anh là ngôn ngữ chính, mạng lưới toàn cầu mạnh mẽ với phần lớn nhân tài trong thành phố đến từ các quốc gia khác, cơ hội tài chính dồi dào, thương hiệu chào đón và đa văn hóa, và khả năng tiếp cận cả châu Âu và Mỹ.
Singapore là điểm đến hàng đầu ở châu Á và đứng thứ 7 trong danh sách những điểm đến hàng đầu thế giới. Quốc đảo này đã chứng kiến dòng nhân tài đổ về lớn nhất từ các khu vực lân cận như Malaysia (30%), Thái Lan (22%), Indonesia (19%), Philippines (14%) và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong của Trung Quốc (13%).
Trong số những người sẵn sàng chuyển đến Singapore sinh sống và làm việc, có 74% số người cho biết chất lượng cơ hội việc làm là yếu tố thu hút họ đến đảo quốc này.
Khảo sát cho thấy 57% số người được hỏi cũng thích chất lượng cuộc sống của Singapore cũng như thu nhập, thuế và chi phí sinh hoạt. 55% số người cho biết an toàn, ổn định và an ninh cũng là một yếu tố khiến họ chọn Singapore là điểm đến hàng đầu để làm việc.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng việc nhân tài di cư ra nước ngoài có thể được coi là "chảy máu" chất xám và gây thiệt hại cho các quốc gia là quê hương của nhân tài đó. Song một báo cáo khác cho rằng sự ra đi của nhân tài cũng có thể mang lại "sự gia tăng chất xám" cho quốc gia là quê hương của nhân tài đó bởi những người di cư có thể đem kiến thức và công nghệ mới học được ở nước ngoài về đóng góp cho quê hương. Ngoài ra, họ cũng giúp đất nước kết nối chặt chẽ hơn với "bộ não toàn cầu", tập hợp tri thức của cả thế giới.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, việc tuyển dụng nhân tài toàn cầu đem lại lợi ích cho cả người lao động và nhà tuyển dụng. Báo cáo nhấn mạnh, các quốc gia và doanh nghiệp biết tận dụng nguồn nhân lực dồi dào với mong muốn chuyển đổi nơi làm việc sẽ đạt được lợi thế cạnh tranh đáng kể.