Lời khuyên của cụ ông 92 tuổi, rất đáng suy ngẫm: Cuộc đời suy cho cùng quan trọng nhất vẫn là HƯỚNG NỘI chứ không phải HƯỚNG NGOẠI
Hướng nội là cách tốt nhất để hiểu mình, biết mình, làm giàu cho mình, nắm bắt thời cơ và viết ra đáp án tiêu chuẩn của cuộc đời.
Đầu năm 2020, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, chương trình trò chuyện "Mười ba lời mời" của Trung Quốc đã có cuộc đối thoại với nhà sử học nổi tiếng của nước này, ông Hứa Trác Vân.
Sau khi chương trình được phát sóng, nhiều khán giả đã xem đi xem lại nhiều lần để xua tan hoang mang, bực bội và tìm lại sự bình yên, cởi mở trong tâm hồn.
Ông Hứa Trác Vân cũng từng có một khoảng thời gian trở thành "người thầy tinh thần" trong lòng giới trẻ quốc gia tỉ dân.
Trong chương trình, ông nói về sự xuất hiện của khủng hoảng tinh thần: "Con người không tìm được mục đích, không tìm được ý nghĩa của cuộc sống, nên không biết phải làm gì".
Đồng thời đưa ra phương pháp ứng phó: "Bạn phải có trái tim tự do và tâm hồn rộng mở. Xem những con đường mà con người trên khắp thế giới đã đi là một trong những con đường tôi cũng sẽ phải trải qua... Con người phải "hướng vào trong" và tìm được sự bình yên bên trong mình trước."
Nếu bạn cũng thường cảm thấy bối rối và lo lắng trong cuộc sống, trí tuệ nhân sinh của nhà sử học 92 tuổi này có lẽ sẽ đem lại cho bạn chút gợi mở.
Về bản thân
Năm 1930, ông Trác Vân được sinh ra ở Hạ Môn, Phúc Kiến, Trung Quốc.
Ông bị bệnh teo cơ bẩm sinh, mãi tới năm 13 tuổi mới có thể đi lại được bằng nạng.
Ông cũng đã trải qua phẫu thuật chỉnh sửa nhiều lần khi trưởng thành, nhưng vẫn không thể di chuyển tự do.
Khi đến tuổi kết hôn, chị gái và chị dâu nói với ông: "Hay là em về vùng nông thôn rồi tìm đại một cô gái nào đó để sinh con, chăm lo gia đình."
Ông hỏi ngược lại: "Tại sao em lại chỉ có thể tìm một người để sinh con, chăm lo cho gia đình?"
Mặc dù bị khuyết tật về thể chất nhưng ông không bao giờ đánh giá thấp bản thân, sau cùng, ông gặp được bà Tôn Mạn Lệ yêu dấu của mình, và họ tay trong tay bên nhau trọn đời.
Như chính ông đã từng nói: "Bạn cần tự biết mình, đừng quá tự cao nhưng cũng đừng đánh giá bản thân mình quá thấp".
Ông nói vậy, làm vậy, và cũng luôn nghĩ như vậy.
Ông cũng từng chia sẻ một chi tiết nhỏ về cuộc sống của mình với những người khác:
"Tôi là một người què, và tôi không thi đi bộ với Phùng Tuấn Văn (trợ lý). Phùng Tuấn Văn giúp tôi đẩy xe, giúp tôi mặc quần áo, tôi rất biết ơn. Tôi không ép mình phải làm những thứ mà tôi không thể làm. Bạn cần phải biết đâu là giới hạn của những gì mà mình có thể làm."
Con người, quý ở chỗ biết mình.
Phải biết năng lực mình tới đâu, thì cố gắng bằng ngần đó. Cứ cố chấp đi làm những việc nằm ngoài năng lực và tiềm lực của bản thân thì đó là tự làm khó mình.
Về cuộc đời
Vào đầu năm 2023, ông Hứa Trác Vân nhận được lời mời gửi lời chúc mừng năm mới tới mọi người.
Ông nói: "Cuộc sống, giống như con thuyền đi trên đại dương, không có giây phút nào là ổn định".
Với tư cách là một nhà sử học, ông dành cả đời nghiên cứu trong các trường đại học và cũng đã nhận được một vài sự công nhận của xã hội.
Nhưng ông không vì đó mà kiêu ngạo, thay vào đó luôn giữ một thái độ khiêm tốn.
Ông không qua loa trong nghiên cứu học thuật, cũng không bỏ qua một cuốn sách nào mà mình nên đọc. Ông nói: "Cuộc sống là sự bổ sung, là sự tiến bộ, không ai hoàn hảo ngay từ ban đầu."
Không hoàn hảo mới là trạng thái bình thường của cuộc sống.
Không ngừng "bổ sung" cho bản thân và tiếp tục tiến về phía trước chính là cách sống đúng đắn.
Sau khi nghỉ hưu, khi những người xung quanh đã từ bỏ việc học máy tính vì tuổi già, ông Hứa Trác Vân vẫn kiên quyết học, học từng chút từng chút một.
Ông không ngại khó, chỉ cần sinh viên nào có thời gian, ông sẽ mời sinh viên đó dạy về cách sử dụng máy tính cho mình.
Theo cách nói của ông, đó là "trạng thái học tập lý tưởng, phải luôn mang trong mình tư duy thay đổi, luôn mang trong mình năng lực sửa chữa sai lầm."
Học hành là vậy, đời người cũng là vậy.
Vì vậy, nếu bạn đang tạm thời dừng lại ở một ngã rẽ nào đó trong cuộc đời, đừng hoang mang, cũng đừng bối rối.
Ai cũng đến với thế giới với những "khoảng trống" nào đó, quá trình lấp đầy những "khoảng trống" đó cũng là một quá trình không ngừng làm phong phú thêm cho cuộc sống.
Từ từ mò mẫm tiến về phía trước, cuộc sống sẽ có thêm nhiều khả năng.
Về trưởng thành
Một cư dân mạng từng hỏi Hứa Trác Văn rằng: "Giới trẻ ngày nay phổ biến cụm từ Tangping (tạm dịch: "mặc kệ đời", một xu hướng buông lỏng bản thân trước những áp lực cuộc sống của người trẻ). Tại sao hiện tượng này lại xảy ra, và chúng ta nên làm gì?"
Câu trả lời ông đưa ra là "hãy làm chủ chính mình".
Ông cho rằng thời đại nào cũng có những vấn đề của riêng nó nhưng có rất ít xã hội cho phép người trẻ được "ngủ ngon". Điều mà người trẻ phải làm là trở thành những tay lướt sóng của thời đại, phải làm chủ được bánh lái của mình, "đối mặt với sóng to gió lớn, bạn phải vững, lướt cùng gió rồi cũng không được lười."
Và cuộc đời của Hứa Trác Vân đã trưởng thành theo cách này.
Năm ông 7 tuổi, Chiến tranh chống Nhật Bản nổ ra và mọi người xung quanh ông đều chạy trốn.
Vì cha ông là một công chức trong quân đội, cả gia đình phải cùng cha ở lại tiền tuyến, họ gặp vô số tai nạn và cả những cái chết trên đường chạy nạn, nhưng họ vẫn sống sót sau nghịch cảnh.
Trải qua mọi cung bậc cảm xúc từ cay đắng, nghèo khó, mệt mỏi, sợ hãi… Hứa Trác Vân thấu hiểu sâu sắc cảm giác đó là thế nào, đó là sự hoang mang, bất lực "không biết nương thân, không biết chốn an cư".
Sau khi trải qua những tháng ngày đó, ông trở nên ngoan cường hơn, không dám lãng phí cuộc đời, tranh thủ từng giây từng phút để làm giàu cho bản thân.
Sống sót trong thời chiến, và ông cũng không "mặc kệ đời" trong thời bình.
Ở tuổi 92, ông vẫn luôn đau đáu việc tìm ra lối thoát cho văn hóa Trung Quốc, giải đáp những nghi ngờ và thất vọng của giới trẻ, đồng thời đưa ra giải pháp cho thế giới đầy biến động này.
Ông nói: "Tôi làm nhiệm vụ của mình, tôi học ngành này, và tôi đang làm việc mà mình nên làm, tôi muốn mở ra một vài con đường nghiên cứu mới, góc nhìn mới, tôi cố gắng hết sức làm, và rồi truyền nó lại cho người trẻ."
Tìm kiếm sự ổn định giữa cuộc sống đầy bất định, Hứa Trác Vân nỗ lực hết mình để sống cuộc đời thuộc về chính mình.
Giống như ông đã từng nói: "Cuộc đời không có đáp án tiêu chuẩn, đáp an tiêu chuẩn nằm ở chính bạn. Bạn phải kiểm soát bản thân, phải có chính kiến của mình, có vậy bạn mới có thể thanh thản."
Trưởng thành chính là tu luyện, là làm chủ bản thân thật tốt, là dùng những quan điểm cố định để ổn định tâm trí và cố gắng tiến bộ trong sự ổn định.
Thời đại bạn đang sống có thể gây khó khăn cho những người sống ở trong đó, nhưng đích đến cuối cùng của bạn, nên là sự lựa chọn của riêng bạn.
Lời kết,
"Hướng vào trong và tìm sự bình yên trong tâm hồn mình trước." Đây là triết lý sống của Hứa Trác Vân.
Có lẽ với những người khác, nó chỉ đơn giản là một lời khuyên.
Nhưng chính bản thân ông đã thực hành câu nói này cả đời, và ông cũng đã chứng minh được rằng, mình làm được.
Vì vậy, nếu bạn của hiện tại cảm thấy hoang mang về cuộc sống, hãy thử "hướng nội" trước:
Biết mình, làm giàu cho mình, nắm bắt thời cơ và viết ra đáp án tiêu chuẩn của cuộc đời bạn.
Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ với các bạn một câu mà ông Hứa Trác Vân đã nói vào năm 2023:
"Có rất nhiều chuyện, không đáng để bạn tranh cãi, không đáng để bạn lo lắng, không đáng để bạn phiền muộn."
Cuộc sống chúng ta không liên quan tới thế giới bên ngoài, nó chỉ liên quan đến chính bản thân chúng ta, mong bạn và tôi, đều có thể tìm được sự bình yên trong tâm hồn mình!
'Trúng số hơn 10 tỷ, tôi sẽ nghỉ việc ngay': Đó chỉ là suy nghĩ ngây thơ của 10 năm trước, hiện thực đã đánh tôi tỉnh ra nhiều điều