loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Dự kiến từ ngày 10/7, tình hình dịch được kiểm soát hoàn toàn, Bắc Ninh, Bắc Giang quay lại trạng thái "bình thường mới" đến cấp quy mô xã, phường.
Quản lý chặt chẽ hoạt động của các khu công nghiệp
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, tình hình dịch COVID-19 tại Bắc Ninh và Bắc Giang đã tốt lên nhưng các địa phương cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là. Lãnh đạo các địa phương chỉ đạo tất cả nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp quay trở lại hoạt động phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, "làm đến đâu chắc đến đó".
Phó Thủ tướng biểu dương Bắc Giang trong việc tổ chức "mô hình mỗi khu nhà trọ cho công nhân một doanh nghiệp lưu trú"; đề nghị nhân rộng và phát huy mô hình tổ chức sản xuất an toàn trong trạng thái "bình thường mới".
Cùng với việc đảm bảo an toàn trong các khu, cụm công nghiệp, Bắc Ninh và Bắc Giang phải quản lý chặt chẽ một số hoạt động sản xuất, kinh doanh trong đời sống. Điển hình, các chợ dân sinh phải kiểm soát chặt chẽ người ra vào, hạn chếtập trung đông người, quản lý người liên quan đến các chuỗi cung ứng thực phẩm… Các địa phương tiếp tục xem xét việc hạn chế một số loại hình dịch vụ, hoạt động không thiết yếu.
"Qua đợt dịch, các địa phương phải rút ra bài học kinh nghiệm, đi từng bước chắc chắn, không để dịch quay trở lại khu công nghiệp", Phó Thủ tướng yêu cầu; đồng thời đề nghị, trong việc triển khai tự lấy mẫu xét nghiệm, hai địa phương sử dụng kết hợp phương pháp Realtime RT-PCR mẫu gộp để đảm bảo tính chính xác cao, tần suất sàng lọc hợp lý hơn so với chỉ sử dụng xét nghiệm nhanh.
Bắc Giang khởi động lại các khu công nghiệp an toàn
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhận định, những ngày gần đây, dịch bệnh tại địa phương diễn biến theo chiều hướng tương đối tích cực. Cụ thể, Bắc Giang có hai ổ dịch: Ổ dịch ở huyện Việt Yên (liên quan đến 4 khu công nghiệp), 5 ngày gần đây không phát hiện thêm ca F0, kể cả trong khu cách ly tập trung và ngoài cộng đồng. Các lực lượng liên tục tầm soát dịch ngoài cộng đồng, thực hiện giãn cách tối đa các khu cách ly tập trung. Huyện Việt Yên đang cách ly tập trung 3.400 người do thực hiện giãn cách các khu phong tỏa để giảm mật độ lưu trú. Dự kiến từ 6 giờ ngày 1/7, huyện Việt Yên dỡ bỏ cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đối với 14/17 xã, thị trấn, chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg; hai xã, một thị trấn còn lại tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg thêm một tuần.
Đối với ổ dịch ở huyện Lục Ngạn, toàn huyện đang cách ly 1.173 người, chia theo các nhóm nguy cơ cao, trung bình và thấp. Toàn tỉnh đã tiêu thụ hết 200.000 tấn vải theo kịch bản an toàn trong mùa dịch. Tiêu thụ đến đâu, Bắc Giang tạm thời cách ly xã hội đến đó để tầm soát dịch bệnh trong cộng đồng. Bắc Giang lập danh sách những người tham gia vận chuyển, buôn bán, qua lại… tại huyện Lục Ngạn; xét nghiệman toàn sẽ bàn giao về các địa phương để đảm bảo không lây lan dịch bệnh.
"Ổ dịch ở Việt Yên cơ bản đã chấm dứt và không có khả năng bùng phát mạnh. Nếu có trường hợp tái dương tính trở lại rất nhỏ, sẽ phát hiện và dập được ngay, không có khả năng hình thành ổ dịch mới", Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh.
Ông Lê Ánh Dương cho biết, Bắc Giang đã đưa 21.000 công nhân về 22 tỉnh, thành phố, chủ yếu là phụ nữ có bầu, phụ nữ nuôi con nhỏ, người cao tuổi có bệnh nền, người có nguyện vọng về quê… Các công nhân này có kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi đưa về địa phương.
Đến nay, tại 4 khu công nghiệp của Bắc Giang, 222 doanh nghiệp với 55.400 lao động đã quay lại hoạt động an toàn. Triển khai mô hình an toàn trong sản xuất, công nhân của các huyện thuộc "vùng màu xanh" - vùng an toàn, được phép đi làm bằng xe máy hoặc xe đưa đón của doanh nghiệp, được xét nghiệm 1 lần/tuần. Các doanh nghiệp áp dụng phần mềm quản lý công nhân, sắp xếp lại khu nhà trọ như các "ký túc xácủa doanh nghiệp". Trong tháng 7, các khu công nghiệp cơ bản quay lại hoạt động.
Dự kiến, từ ngày 10/7, Bắc Giang chuyển sang trạng thái "bình thường mới": Thành lập ban chỉ đạo khôi phục lại hoạt động kinh - xã hội địa phương, lập 8 tổ công tác chuyên trách để xử lý các nhóm vấn đề khác nhau, trong đó, trọng tâm sẽ khởi động lại các khu công nghiệp, các hoạt động kinh tế-xã hội an toàn.
Bắc Ninh khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch tại Bắc Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cho biết, trong đợt dịch lần thứ 4, tỉnh ghi nhận 1.608 ca mắc COVID-19, riêng ngày 30/6, ghi nhận 9 ca, trong đó có 2 ca mắc trong cộng đồng, phát hiện qua sàng lọc tại thành phố Bắc Ninh. Trong 5 ngày trở lại đây, số ca mắc dưới 10 ca/ngày, số ca trong cộng đồng dưới 5 ca/ngày; 7/8 huyện, thị xã không có ca mắc trong cộng đồng; 23 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc trong doanh nghiệp, nhà máy… của các khu, cụm công nghiệp.
"Đây là tín hiệu rất đáng mừng", ông Vương Quốc Tuấn nhận định.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, bắt đầu từ ngày 20/6, sau khi cơ bản dập được dịch trên toàn tỉnh, Bắc Ninh đã xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; ban hành quyết định về một số biện pháp tạm thời phòng, chống dịch trong điều kiện mới. Cụ thể, công nhân ở các địa phương thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 19/CT-TTg không phải ăn ở tại nhà máy, doanh nghiệp; các doanh nghiệp không phải giảm số lao động, tạo điều kiện phục hồi sản xuất… Đến nay, 977 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động với 255.000 công nhân làm việc trở lại.
Trên tinh thần "công nhân là đối tượng được bảo vệ", các doanh nghiệp Bắc Ninh tổ chức cho công nhân ăn 3 bữa/ngày tại doanh nghiệp. Công nhân, người lao động phải ký cam kết với doanh nghiệp và địa phương trong việc di chuyển từ doanh nghiệp đến nhà máy và ngược lại. Cùng với đó, chủ nhà trọ ký cam kết không bán hàng cho công nhân, người lao động quá 21 giờ… Cùng với việc giám sát hoạt động phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp, Bắc Ninh thành lập 40 tổ công tác rà soát điều kiện an toàn để các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; duy trì khu vực lưu trú tạm thời cho công nhân trong nhà máy, phân xưởng để phòng tình huống dịch bệnh quay trở lại; công nhân, người lao động, chuyên gia ngoại tỉnh phải xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần. Sau thời gian thí điểm, Bắc Ninh sẽ triển khai cho công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm tại các doanh nghiệp.
Đến nay, qua các đợt, Bắc Ninh đã tiêm được 226.000 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó có 138.000 liều cho công nhân, người lao động, trên 13.000 người được tiêm đủ 2 liều. "Cố gắng đến ngày 5/7, các ca trong cộng đồng được sàng lọc, nỗ lực đến ngày 10/7 đưa toàn tỉnh về trạng thái bình thường mới", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhận định.
Liên quan đến công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021 đợt 1 trong điều kiện dịch, Bắc Ninh tiến hành xét nghiệm 2 lần cho toàn bộ hơn 20.000 học sinh, cán bộ tham gia, đảm bảo các điều kiện thi.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ông Vương Quốc Tuấn cho biết, Bắc Ninh sẽ tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; nâng cao các chỉ số năng lực điều hành của chính quyền địa phương, tích cực tổ chức xúc tiến đầu tư. Dự kiến, cuối tháng 7, đầu tháng 8/2021, Bắc Ninh sẽ khởi công Khu Công nghiệp VSIP 2 cùng với trao giấy chứng nhận đầu tư trên 300 triệu USD, đồng thời khởi công Khu Công nghiệp Thuận Thành 1 và trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp. Trong tháng 8, 9/2021, Bắc Ninh tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, giải phóng mặt bằng 4 khu công nghiệp đã được thành lập thời gian qua, thành lập 2 khu công nghiệp mới… Trong thời gian tới, Bắc Ninh có 6 khu công nghiệp đi vào hoạt động.
Theo TTXVN
loading...