Loạt ngôi sao lỡ hẹn với ASEAN Cup: Mất giá vì lịch đấu bất hợp lý?
Việc đội tuyển Indonesia mang đội hình cực trẻ dự ASEAN Cup 2024 là cực chẳng đã, trong khi đó, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Singapore cũng rơi vào tình trạng không có đội hình mạnh nhất…
Tiền đạo kỳ cựu của Thái Lan, Teerasil Dangda, sẽ không có cơ hội nâng cao kỷ lục ghi 25 bàn tại ASEAN Cup. Anh không góp mặt lần này, và điều đó cũng đúng với đồng đội của anh – tiền vệ sáng tạo Chanathip Songkrasin.
Phần lớn các ngôi sao của đội tuyển Indonesia – những người đã gây bất ngờ khi đánh bại Saudi Arabia 2-0 trong chiến dịch vòng loại World Cup 2026 – cũng sẽ vắng mặt. Trong số đó có thủ môn Maarten Paes, các hậu vệ Sandy Walsh, Rizky Ridho, Jay Idzes, Calvin Verdonk, tiền vệ Thom Haye và tiền đạo Ragnar Oratmangoen.
Malaysia, Philippines, và Singapore cũng không thể có đội hình mạnh nhất. Các CLB Thái Lan như BG Pathum United và Muangthong United đã từ chối nhả cầu thủ, khiến Singapore mất đi hai tiền đạo chủ lực Ikhsan và Ilhan Fandi, trong khi Philippines không có được cặp hậu vệ Scott Woods và John-Patrick Strauss.
Mất dần ý nghĩa nếu không cải tiến
Lý do nào dẫn tới sự thiếu vắng các ngôi sao này? Giải đấu – còn được biết đến với tên gọi ASEAN Mitsubishi Electric Cup – không được tổ chức trong thời gian thi đấu quốc tế của FIFA, nên các CLB không có nghĩa vụ phải nhả cầu thủ cho đội tuyển quốc gia.
Điều này thật ra hoàn toàn có thể tránh được nếu Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF), đơn vị tổ chức giải đấu, lắng nghe ý kiến từ các thành viên và lên kế hoạch tốt hơn về thời gian tổ chức. Thay vào đó, AFF lại tổ chức sự kiện được xem là giải đấu hàng đầu cho các đội tuyển quốc gia Đông Nam Á mà thiếu vắng nhiều cầu thủ xuất sắc nhất khu vực.
Có tin đồn rằng Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đang cân nhắc việc khởi động một giải Nations League tương tự UEFA, và điều này có thể khiến giải vô địch Đông Nam Á thêm phần mất giá trị.
Kể từ khi ra đời năm 1996 với tên gọi Tiger Cup, giải đấu đã được tổ chức vào nhiều thời điểm khác nhau như tháng 8, 9, 11, 12, và đôi khi kéo dài sang tháng 1 hoặc thậm chí tháng 2. Trong bối cảnh các giải quốc nội tại châu Á dần chuyển đổi lịch thi đấu để đồng bộ với lịch bóng đá châu Âu – bắt đầu từ mùa thu và kết thúc vào mùa xuân – việc AFF vẫn chưa thích ứng là một điều khó hiểu.
ASEAN Cup 2024 ban đầu được lên lịch từ 23/11 đến 21/12, trùng thời điểm với các trận đấu AFC Champions League Elite (25-27/11, 2-4/12) và AFC Champions League Two (26-28/11, 3-5/12). Dù lịch thi đấu đã được điều chỉnh, nó vẫn gây xung đột với các giải quốc nội ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Trong khi đó, Singapore và Việt Nam là hai giải vô địch hiếm hoi trong khu vực đã quyết định tạm dừng giải quốc nội để đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho ASEAN Cup.
Giải pháp cần thiết
AFF trả lời câu hỏi của The Sunday Times rằng họ đã chọn lịch thi đấu sau khi tham vấn các liên đoàn thành viên và xem xét "lịch trình dày đặc của các giải quốc nội và quốc tế". Tuy nhiên, cựu Tổng thư ký Hiệp hội bóng đá Singapore Yazeen Buhari cho biết: "Các ngày thi đấu của giải vô địch Đông Nam Á hoàn toàn do AFF quyết định và luôn được tổ chức ngoài lịch thi đấu quốc tế của FIFA".
Theo nguồn tin từ New Straight Times, nhiều liên đoàn muốn giải được tổ chức vào tháng Bảy, sau khi các giải quốc nội kết thúc. Điều này cho thấy AFF không thực sự lắng nghe ý kiến từ các liên đoàn thành viên. Thú vị là, mặc dù lo ngại về lịch thi đấu dày đặc, AFF đã khởi động giải vô địch các CLB Đông Nam Á vào tháng 8/2024 và tìm cách điều chỉnh để tránh xung đột với các giải đấu cấp CLB của AFC. AFF cũng kỳ vọng giải đấu này sẽ trở thành bước đệm để hướng tới FIFA Club World Cup mở rộng với 32 đội.
Vậy, AFF cũng nên có tầm nhìn xa hơn cho giải vô địch Đông Nam Á. Việc hợp tác với FIFA để chọn một thời điểm cố định – có thể là tháng 7 – và biến giải đấu này thành vòng loại cho World Cup 48 đội trong tương lai là một hướng đi hợp lý.
Với một kế hoạch rõ ràng và tuân thủ lịch thi đấu quốc tế, Đông Nam Á – với dân số hơn 680 triệu người – hoàn toàn có cơ hội được FIFA xem xét dành một suất đặc biệt tại vòng chung kết, thay vì phải vượt qua vòng loại châu Á khắc nghiệt. Tổ chức giải đấu vào một tháng cố định mỗi 2 năm cũng giúp các liên đoàn thành viên dễ dàng lên kế hoạch cho giải quốc nội và đội tuyển quốc gia hơn.
ASEAN Cup đã mang lại niềm vui và sự phấn khích lớn cho người hâm mộ khu vực, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho các cầu thủ. Nhưng cũng như các đội bóng, AFF cần thích ứng nhanh chóng với thời cuộc, nếu không, sự kiện lớn nhất của họ có nguy cơ bị lu mờ.