Loại quả bán ngập đường phố hoá ra là 'thuốc' bổ khoẻ tim, đường ruột, ngừa cả ung thư
Dâu tây được bán nhiều trên khắp đường phố tại Hà Nội. Loại quả này không chỉ giàu giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ mà còn là 'thuốc bổ' cho tim và nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
Tác dụng làm thuốc của dâu tây
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết, dâu tây là loại quả có nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ. Không chỉ là một loại trái cây ăn đơn thuần, dâu tây còn được xem là vị thuốc trong Đông y.
Trong đông y, dâu tây có vị ngọt, chua, tính mát, có công dụng bổ phổi, điều hòa chức năng tiêu hóa, bồi bổ cơ thể, mát máu, giải độc. Dùng chữa các chứng như ho do phổi nóng, cổ họng sưng đau, chán ăn, tiểu ngắn, tiểu gắt, thiếu máu suy nhược, ung nhọt, say rượu...
Dâu tây dùng làm thuốc bổ dưỡng cho cơ thể, trị ho khan, bổ phổi như sau: Dâu tươi 100g, đường phèn 30g. Dâu tây giã nhuyễn lọc lấy nước pha thêm đường phèn uống.
Lương y Bùi Đắc Sáng cho hay, người chán ăn, ăn không ngon miệng dùng dâu tươi 200g, bưởi tươi 100g, đường trắng 100g, nước vừa đủ nấu to lửa, khi sôi tắt bếp để nước nguội uống giúp cải thiện chức năng tiêu hoá.
Người có thân thể ốm gầy, miệng khô khát nước, đại tiện khô táo, suy nhược thần kinh, mất ngủ dùng dâu tươi 250g, kem bơ 50ml ăn giúp nâng cao thể trạng cho cơ thể.
Theo y học hiện đại dâu tây là loại quả có nhiều dinh dưỡng, cụ thể trong 100g dâu tây chứa: Lượng calo: 32 kcal, chất đạm: 0,7g, carb: 7,7g, đường: 4,9g, chất xơ: 2g, chất béo: 0,3g. Một số chất dinh dưỡng khác có trong dâu tây có thể kể tới như protein: 1g, vitamin C: 4mg, mangan: 6mg, magiê: 8mg, folate…
Theo nhà khoa học Bùi Đắc Sáng, trong quả dâu tây có chứa nhiều chất chống oxy hóa tốt cho tim như: axit ellagic và flavonoid như anthocyanin, catechin, quercetin và kaempferol. Các chất chống oxy hoá này giúp hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nhờ vào việc ức chế sự hình thành cholesterol toàn phần và LDL (có hại).
Ngoài ra, trong quả dâu còn có rất nhiều kali, tốt cho sức khoẻ của tim mạch. Kali có thể giúp hỗ trợ giảm huyết áp, vì nó giúp giảm tác động của natri lên huyết áp, giảm nguy cơ tăng huyết áp và đột quỵ.
Các chất chống oxy hóa có trong dâu tây còn giúp chống lại sự hình thành khối u, ngăn chặn sự phát triển và lây lan của tế bào ung thư. Bổ sung dâu tây vào chế độ ăn uống cân bằng có thể mang lại nhiều lợi ích, từ hỗ trợ tim mạch, đường ruột khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và phòng ngừa ung thư.
Khoa học hiện đại cũng đã chứng minh ăn dâu tây tốt cho bệnh nhân đái tháo đường do chỉ số đường huyết thấp. Theo đó, một nghiên cứu khác do Viện Nghiên cứu Y tế Canada cho thấy, ăn dâu tây cải thiện và hỗ trợ kiểm soát đường huyết ở những người mắc đái tháo đường.
Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng cho biết thêm, dâu tây là loại quả ăn trực tiếp hoặc có thể kết hợp làm salad, sữa chua, sinh tố và thường sẽ ăn cả vỏ bên ngoài, vì thế khi ăn cần phải rửa dâu tây thật sạch.
Chuyên gia Sáng khuyến cáo, khi chọn dâu tây nên chọn những quả tươi, kích thước trung bình, có màu đỏ đậm hoặc đỏ tươi, sáng bóng, không có vết dập. Dâu tây mua về nên làm sạch và ăn ngay, không cất giữ lâu sau khi rửa vì có thể phát sinh nấm mốc.
Dâu tây dùng làm thuốc cần phải chọn mua tại các cơ sở uy tín có nhãn mác. Không mua dâu không có nguồn gốc, bán trôi nổi trên thị trường như hiện nay.