Lo ngại xu hướng 'sính' hàng ngoại...
(Thethaovanhoa.vn) - Đầu năm 2016, hàng loạt "đại gia" nước ngoài ồ ạt đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam để giành thị phần, hàng hóa nước ngoài tràn ngập thị trường lấn lướt hệ thống phân phối hàng trong nước. Người tiêu dùng trong nước cũng có tâm lý yên tâm hơn khi dùng hàng ngoại nhập khiến hàng Việt Nam đang rơi vào thế yếu.
Hàng ngoại tràn ngập thị trường
Tại TP HCM, hàng loạt hội chợ hàng Thái Lan được tổ chức tại trung tâm triển lãm Hoàng Văn Thụ thu hút đông đảo người đến mua sắm. Còn tại Cung văn hóa Lao động, cuối tuần thường có hội chợ qui mô nhỏ bán hàng Thái Lan cũng rất được ưa chuộng.
Người Thái rất biết làm công tác xúc tiến thương mại, mấy năm qua họ âm thầm đưa hàng hóa từ quần áo đến đồ dùng gia dụng bằng nhựa, mỹ phẩm vào bán rẻ tại các hội chợ, người Việt quen dần với gu tiêu dùng này. Ở một số nơi đã xuất hiện những siêu thị mini Thái, bán đủ thứ hàng, giá rẻ, trong đó có những loại mỹ phẩm như kem dưỡng và làm trắng da Arche từng thống lĩnh thị trường vào những năm đầu thập niên 1980, giá chỉ có 15.000 đồng/hộp.
Bên cạnh đó, với sự xuất hiện của hệ thống đại siêu thị Aeon, người tiêu dùng trẻ không chỉ quen mà còn lên cơn sốt với những hàng tiêu dùng của Nhật, kể cả cung cách ăn uống với những món cơm cuộn, shuhi, cá sống chấm mù tạt… Đồng thời, quan sát thị trường mỹ phẩm, các loại mỹ phẩm mới của Singapore cũng tràn vào, với những dòng quảng cáo hấp dẫn, được bảo đảm chất lượng nghiêm túc thông qua cam kết “chất lượng Singapore” vốn đã trở thành thương hiệu.
Những loại hàng hóa giá phải chăng của khu vực Asean đang tiến vào thị trường một cách mạnh mẽ khiến cho hàng Việt phải co cụm và lùi dần ra khỏi các đô thị để khu trú ở khu vực nông thôn. Trong các dòng hàng cao cấp, đặc biệt trong ngành thời trang, người tiêu dùng quen dần với tên các thương hiệu hàng ngoại nổi tiếng, thông qua hình ảnh các ngôi sao ngành giải trí sử dụng và quảng bá.
Có thể thấy, từ năm 2009 khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ, hàng loạt các doanh nghiệp nước ngoài đã ồ ạt vào Việt Nam. Trong đó có các tập đoàn lớn đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore… Tập đoàn bán lẻ số 1 Hàn Quốc là Lotte đã và đang mở rộng thị phần của mình tại thị trường Việt Nam và họ cũng đặt mục tiêu sẽ phát triển 60 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2020.
Bên cạnh đó, một ông lớn khác trong ngành bán lẻ Nhật Bản là Aeon cũng không giấu giếm ý định thống lĩnh thị trường Việt khi tiếp tục mở trung tâm thương mại thứ 2 tại Bình Dương và theo dự kiến, Aeon sẽ mở 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam từ nay đến năm 2020.
Dùng hàng Việt lo bị chê lỗi mốt?
Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện nay các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài có khá nhiều lợi thế cạnh tranh so với doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. Đây là những công ty mẹ là đại gia bán lẻ toàn cầu, họ trường vốn và rõ ràng họ có chiến lược chiếm lĩnh thị trường rõ ràng, như chấp nhận chịu lỗ nhiều năm để xây dựng mạng lưới, đội ngũ, uy tín thương hiệu trước khi kiếm được lợi nhuận. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ nước ngoài có mức độ chuyên nghiệp, mức độ đảm bảo uy tín về thương hiệu hơn các nhà bán lẻ Việt Nam nhờ có được sự tin cậy từ phía các nhà cung ứng hàng hóa trong và ngoài nước.
Thị trường bán lẻ Việt Nam luôn được đánh giá là giàu tiềm năng, thuộc nhóm năm thị trường hấp dẫn nhất thế giới, do người tiêu dùng trẻ và kinh tế phát triển ổn định. Việc này đồng nghĩa là sự cạnh tranh sẽ tăng lên rất nhiều và thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ có sự thay đổi về chất.
Trong thời gian ngắn, hệ thống phân phối hiện đại tại Việt Nam đã có gần 700 siêu thị, 130 trung tâm thương mại và hơn 1.000 cửa hàng tiện ích. Trong đó có 22 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam. Các kênh bán lẻ hiện đại đã chiếm khoảng 20% thị trường bán lẻ và dự kiến năm nay sẽ tăng lên 40%.
Một dự báo của Công ty CBRE Việt Nam, tiếp tục xu hướng gần đây, ngành hàng ăn uống và thời trang trung cấp giữ vai trò chính trong việc thu hút người mua đến các trung tâm thương mại. Cũng theo dự báo này, năm 2016 thị trường TP HCM sẽ chào đón thêm 15 cửa hàng thuộc AuchamSuper, một thương hiệu bán lẻ của Pháp. Việc này sẽ càng củng cố sự hiện diện của các thương hiệu nước ngoài tại TP HCM…
Trong cuộc đua dùng hàng ngoại, có hiện tượng các người đẹp hiện nay đang được hệ thống truyền thông tung hô hàng ngày, hàng giờ chỉ vì hơn thua giá trị một chiếc túi xách, một bộ đồ đầm, hay một chiếc xe hơi sang trọng. Nhiều người lo ngại, với xu hướng khuếch trương như hiện nay, người ta đẩy lớp trẻ vào vòng đua vật chất, đặc biệt là tinh thần sính ngoại đang bị đẩy lên rất cao.
Với sự đổ bộ hàng ngoại, hàng Việt ngày càng khó chen chân. Đáng lo hơn nữa, sự lệch pha của truyền thông và báo chí trong việc khai thác đời sống người nổi tiếng gắn với những thương hiệu hàng tiêu dùng cao cấp thế giới đã dẫn dắt đến tâm lý tự ti khi dùng hàng sản xuất trong nước. Một cô bé nói với chúng tôi: “Bây giờ ra đường dùng hàng Việt cảm thấy không thoải mái, cứ như mình đang là người lỗi mốt vậy”. Lo thay.
Văn Minh Hoa
Thể thao & Văn hóa