Lộ lý do HLV Park Choong Kyun đứt gánh giữa đường ở CLB Hà Nội
(Thethaovanhoa.vn) - Sự ra đi của HLV Park Choong Kyun là điều không thể tránh được trong cuộc chuyển giao thế hệ ở Hà Nội. Ông thầy người Hàn Quốc chưa có được sự tinh tế cần thiết hay cái uy của người cầm quân.
Trong những trận đấu đầu tiên dẫn dắt CLB Hà Nội, HLV Park Choong Kyun đã quyết định cất tiền đạo đội trưởng Văn Quyết và tiền vệ trụ cột Moses Oloya trên băng ghế dự bị. Đây có thể được coi là màn thị uy của ông thầy người Hàn Quốc với những cầu thủ ở đội bóng Thủ đô.
Cái uy của một HLV
Thông điệp được ông Park gửi gắm đến chính là cái uy và sự thay đổi. Cuối mùa giải 2021, khi V-League không thể tiếp diễn, Moses ra đi, còn tiền đạo đội trưởng Văn Quyết cũng dính tin đồn chuyển đến thi đấu cho CLB TP.HCM. Nó cho thấy sự cứng rắn và mạnh tay của ông Park ở Hà Nội.
Tuy nhiên, ông lại để mất điểm cực lớn trong mắt những người hâm mộ, giới chuyên môn và cầu thủ bằng hành động chấp nhận lên ĐT Việt Nam làm trợ lý cho HLV Park Hang Seo. Sở dĩ nói vậy bởi quyền lợi ở CLB và ĐTQG luôn là điều rất “xung khắc” với nhau ở bất kỳ nền bóng đá nào.
Không ít CLB từ chối việc cho cầu thủ của mình tập trung sớm cùng ĐTQG. Các vấn đề khác như chia sẻ quyền lợi, tiền bản quyền, tiền chữa trị chấn thương cũng là thứ mà đội bóng với ĐTQG luôn như “nước với lửa”. Việc ông Park Choong Kyun đồng ý làm trợ lý HLV giống như hành động “xuống nước”.
Bên cạnh đó, việc ông Park sinh hoạt, hành động và nói chuyện ở ĐT Việt Nam ra sao cũng là điều mà các cầu thủ CLB Hà Nội nhìn vào để đánh giá về “uy quyền” của vị chiến lược gia này. Nếu quá “hạ mình” ông sẽ không còn nhận được sự tôn trọng, nể phục từ chính các cầu thủ này.
Trợ lý Lê Huy Khoa của ĐT Việt Nam cũng từng chia sẻ rằng: “Môi trường ĐT và CLB là hoàn toàn khác nhau”. Nhận xét này đúng bởi ở CLB, các cầu thủ và HLV sẽ phải thường xuyên giáp mặt nhau, sinh hoạt chung trong một thời gian dài. Sự khéo léo và khả năng dung hoà luôn được đề cao.
Hoặc, ông Park cần phải thật nóng tính, thật uy và sòng phẳng về quyền lợi và mọi mặt khác. Người tiền nhiệm của ông Park, HLV Chu Đình Nghiêm, là mẫu người như vậy. Ông thầy người Thanh Hoá nhận được sự nể phục, tận tuỵ từ những trụ cột như Văn Quyết, Thành Lương, Hùng Dũng, Duy Mạnh, Quang Hải…
Khác biệt ở tư duy và định hình lối chơi
HLV Park Choong Kyun chia sẻ rằng ông sẽ mang đến một lối chơi tấn công cho CLB Hà Nội trong những ngày đầu ra mắt. Tuy nhiên, những gì ông thể hiện ở 2 trận đấu cuối mùa giải 2021 chưa thực sự rõ ràng. Trong 3 trận giao hữu gần đây nhất, ông trình diễn với sơ đồ 4-2-3-1 khá hiện đại.
Thế nhưng, đó lại là sơ đồ ưu tiên về phòng ngự, chuyển đổi trạng thái nhanh, tấn công chớp nhoáng. Nó khác biệt với lối chơi ban bật nhỏ, phối hợp tới “cửa gôn” mà CLB Hà Nội định hình trong hơn 10 năm qua. Việc đem đến sự thay đổi trái ngược như vậy không cho thấy ông phù hợp với tư tưởng của những Thành Lương, Văn Quyết.
Hay nói cách khác, CLB Hà Nội đang luôn ở thế cửa trên, áp đặt lối chơi lên đối thủ, việc bắt họ chơi “chiếu dưới” không hề dễ chịu, không “được quen cho lắm” là thất bại. Không dễ gì để bắt một Thành Lương đang ở độ tuổi 33 phải đuổi bắt bóng tích cực trong cả trận đấu hay một hiệp đấu.
Không thể bắt một đội trưởng như Văn Quyết ngồi băng ghế dự bị và chơi bám biên khi anh luôn muốn làm ông chủ trong lối chơi đội bóng. Những cầu thủ khác như Quang Hải, Duy Mạnh, Hùng Dũng, Thành Chung cũng đã quá quen với việc cầm nhịp, triển khai thế trận và dồn ép đối thủ ở V-League.
Dẫu biết bóng đá luôn là sự thay đổi, cập nhật nhưng ở môi trường bóng đá như Việt Nam và một CLB đã được định hình cho lối chơi tấn công hàng chục năm thì để “nâng cấp” xuống phòng ngự là điều rất khó chấp nhận. Và khi “hệ tư tưởng” không cùng nhau thì kết quả chính là sự ra đi của HLV hoặc cầu thủ.
HLV Park Choong Kyun đã không “được chọn” trong tình huống này. Sự ra đi của ông là giọt nước tràn ly cho quá trình thay đổi không toàn diện và tổng thể ở CLB Hà Nội. Một phần nào đó nó cũng đến từ tư duy “ngại thay đổi” của thượng tầng đội bóng. Và khi không được ủng hộ, ông Park bắt buộc phải ra đi.
Thanh Nhã