Lo lắng bị phạt khi thổi nồng độ cồn, vì ăn hoa quả cũng lên men: "Dân nhậu" mách nhau uống thuốc tránh thai trước khi thổi máy, bác sĩ nói gì?
Để "lách luật", nhiều cánh mày râu truyền tai nhau các phương pháp đánh bay nồng độ cồn ra khỏi cơ thể như uống nước chanh tươi, nhai kẹo cao su...và đặc biệt nhất đó chính là uống thuốc tránh thai khẩn cấp.
Kết thúc chầu nhậu, Giang (tên nhân vật đã được thay đổi), 30 tuổi, sống tại Cầu Giấy, Hà Nội), lấy ra một viên thuốc tránh thai khẩn cấp khoe với chiến hữu là "mẹo khử nồng độ cồn vừa học được trên mạng".
Từ đợt nghỉ Tết đến nay, Giang đã thường xuyên tìm đủ các cách để khử nồng độ cồn trong hơi thở, khi chuỗi tiệc tùng cứ kéo dài theo "liên khúc": Tất niên - Ăn Tết - Gặp mặt đầu năm".
Là nhân viên giao dịch buôn bán bất động sản, An (31 tuổi, Hà Nội) thường xuyên phải đi gặp gỡ khách hàng nên việc uống bia rượu cũng khó tránh khỏi.
"Với những cuộc phải uống nhiều, tôi luôn chủ động đi taxi hoặc cho người khác lái xe. Tuy nhiên, nhiều lúc chỉ nhấp đúng ngụm bia trong bữa trưa tiếp khách, nhưng chiều tan làm vẫn lo còn nồng độ cồn. Từ đó, tôi cũng phải tham khảo nhiều cách khử men trên mạng.", anh Văn chia sẻ.
Thời gian gần đây, quy định về nồng độ cồn khi xử lý người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông được nhiều người quan tâm. Thậm chí, nhiều người có quan niệm cho rằng việc sử dụng các thức ăn như trái cây, sữa chua nếp cẩm hay đồ uống có nước ngọt ga... cũng có thể sinh ra nồng độ cồn tự nhiên/cồn sinh học trong cơ thể.
Rất nhanh chóng, trên các hội nhóm mạng xã hội, rất nhiều lời khuyên về phương pháp loại cồn ra khỏi cơ thể được đề xuất. Đặc biệt nhất có lẽ phải kể đến cách dùng thuốc tránh thai khẩn cấp hoặc một số loại thuốc nội tiết có khả năng chuyển hóa rượu và "đánh bay" nồng độ cồn trong hơi thở.
Song, các chuyên gia y tế khẳng định, không có bằng chứng khoa học kiểm nghiệm việc này.
Theo thông tin từ Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, chưa có một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có thể "thổi bay" nồng độ cồn sau khi uống rượu, bia.
Trao đổi với Vnexpress, bác sĩ Phan Chí Thành (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương) cho biết, thuốc tránh thai không thể giải được rượu, cũng không có bất kỳ mối liên quan nào giữa chuyển hóa cồn với các thành phần của thuốc.
Bản chất thuốc tránh thai khẩn cấp là các chất nội tiết tố, đặc biệt là progesterone. Đây là hormone khi phụ nữ mang thai tiết ra để ngăn trứng không rụng và không thụ thai. Ngoài ra, thuốc nội tiết tố đường uống sẽ được chuyển hóa qua gan, trong khi uống rượu cũng buộc gan cũng phải làm việc để chuyển hóa ethanol. Như vậy, nếu uống cùng lúc thuốc tránh thai và rượu có thể khiến gan bị quá tải, nguy cơ gây bệnh lý về gan cao hơn. Đàn ông lạm dụng nhiều thuốc tránh thai, tự bổ sung hormone nữ giới vào cơ thể cũng không tốt.
Bên cạnh đó, rượu làm giảm lượng glucose trong máu, dẫn tới chóng mặt ở người say. Uống rượu, bia khiến bạn mệt mỏi, mất nước nên càng nôn nao, đau đầu. Sử dụng thuốc tránh thai lúc này có thể gây ngộ độc, nguy hiểm tính mạng.
Do đó, người dân tuyệt đối không truyền tai nhau các mẹo giải rượu không rõ nguồn gốc, gây hại sức khỏe. Mọi người nên áp dụng phương pháp được bác sĩ khuyến cáo như uống nước lọc, nước gừng, nước chanh, nước cam, mật ong.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, không có cái gì được gọi là thuốc giải rượu, tất cả chỉ là quảng cáo, Dân Trí đưa tin.
Trong y học hiện đại, với ngộ độc rượu thông thường ethanol không có thuốc giải độc nào cả. Việc điều trị hoàn toàn là hỗ trợ bệnh nhân giúp họ không tử vong, thiếu cái gì thì bù vào để giải quyết biến chứng. Rất may mắn là ethanol chuyển hóa nhanh nhưng hậu quả vẫn có nếu đến viện muộn.
"Điều quan trọng là cố gắng uống ít, hạn chế uống, đã uống thì phải ăn. Bản thân ethanol gây hạ đường huyết, giảm tạo glucose ở gan. Uống rượu vào tạo cảm giác no giả, nên nhiều người uống mà không ăn, vì thế rất dễ gây hạ đường máu. Tình trạng hạ đường huyết nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương não, hôn mê, thậm chí dẫn tới tử vong", BS Nguyên cho biết.
Để đảm bảo an toàn, bác sĩ Thành khuyến cáo nam giới không nên uống quá 720 ml bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu whisky mỗi ngày. Đối với nữ giới, mỗi ngày không nên uống quá 360 ml bia hoặc 150 ml rượu vang hay 30 ml rượu whisky. Không cho trẻ em và tuổi vị thành niên uống rượu bia. Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần.
Sau uống, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia vào các hoạt động ngoài trời; hoặc ở những nơi nguy hiểm, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương.
Vi phạm nồng độ cồn tăng cao trong kỳ nghỉ Tết