Lỡ hẹn với Olympic Paris 2024, bóng đá Đức nối dài cơn khủng hoảng
Việc U21 Đức đứng bét bảng ở U21 châu Âu (kiêm vòng loại Olympic) dù là ĐKVĐ là minh chứng mới nhất cho cơn khủng hoảng của bóng đá nước này, sau hai lần liên tiếp bị loại từ vòng bảng World Cup.
Hai bàn thắng giúp U21 Anh dễ dàng vượt qua U21 Đức qua đó tiễn ĐKVĐ về nước với vị trí bét bảng C. Một kịch bản giống như những gì người Đức đã trải qua ở 2 kỳ World Cup gần đây. Đây là hiệu ứng Domino, hay đơn giản là sự thật trần trụi, bóng đá Đức đang ở trong cơn khủng hoảng kéo dài?
Không còn là một nền bóng đá lớn
Đức vẫn nắm trong tay những tài năng trẻ như Jamal Musiala, Serge Gnabry, Leroy Sane, và cả những gạo cội đã là nhà vô địch thế giới như Thomas Müller, Manuel Neuer, Mats Hummels... nhưng sai lầm nối tiếp tiếc nuối, khiến tất cả phải đặt ra câu hỏi về tương lai bóng đá nước này.
Việc đội tuyển Đức và U21 liên tiếp bị loại với vị trí bét bảng là một bước ngoặt kéo dài hơn bình thường. Thậm chí ở EURO năm 2021, họ cũng chỉ đặt chân đến vòng 16 đội và bị Anh đánh bại dễ dàng. Ta phải thừa nhận một điều: Đức không còn là một đội tuyển thành công, một nền bóng đá lớn trong các giải đấu lớn nữa.
Không có một tiền đạo cổ điển số 9 nổi bật, Đức đã gặp khó khăn trong việc tạo ra sự uy lực tấn công. Phòng ngự cũng đã trở thành điểm yếu, chỉ có Antonio Rüdiger được coi là đủ tốt để tiếp nối thế hệ sau Mats Hummels và các cựu binh khác. Vị trí hậu vệ phải đã trở thành một vấn đề lớn kể từ khi Joshua Kimmich chuyển sang thi đấu ở tuyến giữa, và sự thiếu chất lượng thực sự ở vị trí hậu vệ cánh đã trở thành ác mộng đối với Đức.
Những vấn đề này phần nào liên quan đến bóng đá trẻ ở Đức. Hệ thống học viện đã được đổi mới vào đầu những năm 2000 và đã tạo ra một thế hệ cầu thủ có kỹ thuật cao và hiểu biết chiến thuật tốt. Điều này đã đóng góp vào thành công của Die Mannschaft ở World Cup 2014. Họ đã chơi thứ bóng đá tấn công cống hiến đẹp mắt, hiệu quả, liên tiếp đánh bại những đối thủ lớn tâm phục khẩu phục. Nhưng kể từ đó, Đức đã chậm chạp trong việc thích nghi và phần còn lại của thế giới đã bắt kịp, thậm chí bỏ xa họ. Mặc dù đã có những cải cách trong hệ thống đào tạo, nhưng chúng sẽ mất thời gian rất lâu để có thể thấy kết quả và sự thực đã cho thấy, lứa U21 hiện tại chưa đem lại khác biệt nào.
Câu hỏi trên ghế huấn luyện
Vấn đề huấn luyện cũng là một yếu tố quan trọng. Đức đã trải qua một giai đoạn biến động dưới thời HLV Joachim Löw, người từ đỉnh cao về vực sâu, từ người hùng 2014 trở thành người tham lam quyền vị trong mắt người hâm mộ, khi cuối cùng đã nán lại chiếc ghế HLV quá lâu, khiến Đức trở nên trì trệ trong cả 2 giải đấu lớn dù nắm trong tay những cầu thủ tốt.
Sự xuất hiện của HLV Hansi Flick, người đã biến Bayern Munich trở thành một đội bóng mạnh, đặc biệt với cú ăn 3 năm 2020 trong một thời gian ngắn tại vị đã mang đến hy vọng lớn. Tuy nhiên, lối chơi của Flick không ổn định ở Qatar vừa qua và Đức đã không thực sự có những con bài tấn công hiểm hóc cần thiết. Các vấn đề vẫn tồn tại và không có bất kỳ đổi mới nào như kỳ vọng, thậm chí Flick còn phải chịu một phần trách nhiệm về những quyết định, lựa chọn gây tranh cãi, khiến người ta sực nhớ ra rằng, đây là đội tuyển Đức, không phải Bayern Munich mà ông đã dẫn dắt.
Tất cả những điều trên dẫn đến một kết luận rõ ràng và đáng buồn là Đức không còn là ông lớn của bóng đá thế giới, ít nhất trong thời điểm này. Họ chỉ là một đội tuyển bình thường khác, và nền bóng đá lớn ấy đang vất vả xây dựng lại từ đầu mà ngay cả quá trình này cũng đang diễn ra chật vật. Như mới đây, Toni Kroos, cựu tuyển thủ Đức đang thi đấu cho Real Madrid thừa nhận rằng anh không theo dõi kỹ các trận đấu của Đức, nhưng cứ khi nào xem thì anh đều không hài lòng với màn trình diễn của họ: "Tôi không thấy đội bóng này có bất kỳ phong độ nào. Họ thiếu hoàn toàn sự tự tin và không có đủ những nhân tố có thể tạo nên khác biệt".
Yến Nhi